Hệ thống quản trị đóng vai trò quyết định đến sự phát triển doanh nghiệp trong thời đại số
Xây dựng những chính sách phù hợp
Theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, Hà Nội nằm ở vị trí thứ 28 trên tổng số top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023 với điểm số đạt 67,15 điểm.
Tuy chỉ số PCI của Hà Nội tụt 8 bậc so với năm 2022, nhưng hai chỉ số thành phần là chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp và chỉ số đào tạo lao động vẫn đứng top đầu của cả nước. Điều này thể hiện rõ nỗ lực của các nhà lãnh đạo luôn tiếp thu những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, và xây dựng những chính sách phù hợp để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong môi trường số.
Chính vì vậy, từ khóa “hệ thống quản trị trong thời đại số” được nhắc tới rất nhiều trong những năm gần đây, trở thành một hoạt động không thể tách rời với bất kỳ doanh nghiệp nào nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Bởi lẽ trong thời đại số hóa hiện nay, sự biển động thị trường trong nước và quốc tế ngày càng rõ rệt đặt ra cho các doanh nghiệp các vấn đề về hệ thống quản trị và khát khao có được những giải pháp quản trị doanh nghiệp tối ưu.
Với một hệ thống quản lý doanh nghiệp chặt chẽ, nhà lãnh đạo có thể nâng cao hiệu quả quản trị, năng lực cạnh tranh của tổ chức cũng như hướng tới sự phát triển bền vững. Trong thời đại số, xây dựng một nền tảng quản trị phù hợp nên được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của người lãnh đạo.
Các nền tảng quản lý doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả. Thay vì giữ nguyên cách làm việc thủ công hay sử dụng nhiều phần mềm riêng lẻ khiến cho sự phối hợp các phòng ban khó khăn, dữ liệu rời rạc, các hệ thống quản lý doanh nghiệp all-in-one hỗ trợ doanh nghiệp liên kết các phòng ban thông suốt, giúp cho việc vận hành trở nên trơn tru.
Hệ thống cũng cung cấp cho doanh nghiệp những công cụ cần thiết để tối ưu trải nghiệm khách hàng, quản lý công việc và nâng cao hiệu suất nhân viên. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể vận hành ổn định và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả.
Theo ông Ngô Minh Toàn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (SCE) chia sẻ tại hội thảo: "Tối ưu hoá hệ thống quản trị trong thời đại số” diễn ra ngày 16/5, các doanh nghiệp trên con đường kinh doanh gặp những khó khăn nhất định như: về vốn, về thị trường, về tầm nhìn chiến lược, về kỹ năng quản trị, muốn đột phá nhưng đội ngũ không thay đổi,... Những khó khăn, vướng mắc này không thể chia sẻ cũng như không có người định hướng chỉ ra hướng phát triển mới cho doanh nghiệp.
Nền tảng quản lý doanh nghiệp hiện đại loại bỏ hầu hết các luồng công việc lặp lại, hạn chế tối đa thao tác chuyển giao thông tin thủ công. Từ đó doanh nghiệp có thể cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày bằng cách hợp lý hóa quy trình.
Tất cả nhân viên đều dễ dàng tiếp cận dữ liệu, kết nối với đầu mối tại phòng ban khác để hoàn thành nhiệm vụ. Lúc này, hệ thống quản trị doanh nghiệp giống như một trợ thủ đắc lực giúp cải tiến cách thức vận hành, nâng cao năng suất nhờ những quy trình liền mạch, liên thông và tự động hóa.
Cần xây dựng giải pháp phù hợp
Ông Trần Trung Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Mutosi Việt Nam đã đưa ra những gợi ý chiến lược tối ưu hiệu quả từ sản phẩm, chiến lược bán hàng, nhân sự đến chi phí. Ngoài ra, ông Dũng cũng chỉ ra những điểm hạn chế của hệ thống và giới thiệu DMAIC (chu trình cải tiến của Lean 6 Sigma) vs. PDCA.
Theo đó, 6 Sigma tiếp cận theo chu trình cải tiến qua 5 bước: Define (Xác định), Measure (Đo lường), Analyze (Phân tích), Improve (Cải tiến) và Control (Kiểm soát), gọi tắt là DMAIC. Cũng giống như các mô hình cải tiến khác, DMAIC cũng dựa trên nên tảng ban đầu là chu trình PDCA, tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng DMAIC cả trong cải tiến quá trình và thiết kế lại quá trình.
Chu trình cải tiến 6 Sigma bao gồm: Plan (Lập kế hoạch): Xem xét hiệu quả hiện tại của các vấn đề. Nhận biết và lập mục tiêu các nguyên nhân gốc của vấn đề. Lập kế hoạch thực hiện thử nghiệm các giải pháp tiềm năng nhất. Do (Thực hiện): Áp dụng thử nghiệm giải pháp đã được lập kế hoạch. Check (Kiểm tra): Đo lường kết quả thử nghiệm để nhận biết các kết quả dự kiến có đạt được hay không. Nếu các vấn đề phát sinh, cần xem xét các yếu tố cản trở các nỗ lực cải tiến. Act (Hành động): Dựa trên kết quả giải pháp thử nghiệm và đánh giá giải pháp, sàng lọc và mở rộng các giải pháp để áp dụng lâu dài, đưa vào áp dụng các phương pháp mới.
Hiểu được các thực trạng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay về chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh về giá, tài chính, mức độ liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, năng lực quản trị, nắm bắt thông tin, sức khỏe doanh nghiệp, nâng cao trình độ nhân sự cũng như khả năng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, bà Phạm Hoài Anh – Giám đốc Thương mại 1C Việt Nam đã đưa ra những giải pháp về ứng dụng công nghệ trong quản trị nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong thời đại số.
Trong khuôn khổ Hội thảo là sự kiện ra mắt Cộng đồng hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (SCEC) - tổ chức được bảo trợ bởi Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội. Tại sự kiện, bà Vũ Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Điều hành SCEC đã chia sẻ về những vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải như thiếu các nguồn lực, doanh thu thấp, chiến lược kinh doanh... từ đó đưa ra các giải pháp hữu ích cho doanh nghiệp./.
- Ứng dụng giải pháp công nghệ trong quản trị doanh nghiệp
- Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mang về 7,5 tỷ USD từ thị trường nước ngoài
- Đẩy mạnh ứng dụng công cụ quản lý thông tin cho sự phát triển của doanh nghiệp