ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 03h06 02/06/2018

Thanh toán di động lên ngôi: Tạm biệt tiền mặt, các loại thẻ

(KDPT) – Đi chợ, xem phim, đi taxi, ăn nhà hàng,… hay bất kì hoạt động nào, bạn chỉ cần giơ chiếc điện thoại lên gần chiếc máy POS và thế là xong, “đã trả tiền”, tạm biệt tiền mặt và các loại thẻ. Đây chính là xu hướng mới: thanh toán qua di động.

Việc sử dụng điện thoại thanh toán đang phát triển với tốc độ chóng mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi

Dùng tiền mặt rất dễ tạo điều kiện cho các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng. Chính vì vậy, một số quốc gia phát triển đang dịch chuyển xu hướng giao dịch của mình sang thanh toán điện tử.

Thanh toán di động, thanh toán điện tử, đang là một xu thế của thế giới và có tốc độ phát triển rất nhanh, khoảng 16% một năm, theo các báo cáo nghiên cứu thị trường. Đến năm 2017, tổng doanh thu từ hình thức thanh toán này đạt 780 tỉ USD và đã được áp dụng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce.

Theo khảo sát của tập đoàn ING, có tới 1/3 người dân Mỹ và châu Âu cho rằng họ không cần đem theo tiền mặt khi ra ngoài. Bên cạnh đó, có nhiều nước trên thế giới thậm chí còn sẵn sàng loại bỏ lưu hành tiền mặt.

Hàn Quốc nằm ở vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng những quốc gia muốn từ bỏ tiền mặt với tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong tiêu dùng là 70%. Tại xứ sở Kim chi, bạn có thể đi chợ, đi xe bus, uống cà phê mà không cần tiền mặt.

Ở Thuỵ Điển, các vụ cướp ngân hàng đã xuống mức thấp nhất trong hơn 4 thập kỷ bởi các nhà băng ngày càng giữ ít tiền mặt.

Trước đây, việc quản lý tiền mặt làm nảy sinh nhiều chi phí trong việc chống nạn tiền giả, trốn thuế, rửa tiền và nhiều hoạt động phạm pháp khác. Một xã hội không tiền mặt sẽ giúp các chính phủ kiểm soát tiền tệ lưu thông trên thị trường.

Thị trường tiềm năng

Tại thị trường Việt Nam, các nghiên cứu đều cho thấy người Việt có thái độ cởi mở với các hình thức thanh toán mới như di động.

Theo khảo sát của Visa, có đến 9 trên 10 người sẵn sàng dùng thử phương thức thanh toán mới. 88% người dùng nói rằng họ rất có thể sẽ dùng smartphone để thanh toán, 83% người được hỏi cho biết sẽ chọn thanh toán không tiếp xúc nếu có để thay cho tiền mặt.

Theo thống kê của Bộ Thông tin – Truyền thông, đến hết tháng 2-2018, Việt Nam có tổng cộng hơn 43,7 triệu thuê bao động đang sử dụng dịch vụ 3G, 4G trên điện thoại có phát sinh lưu lượng.

Đó chính là mảnh đất màu mỡ mà các dịch vụ thanh toán điện tử đang nhắm đến, đón đầu một xu thế tất yếu.

Những lợi ích không thể phủ nhận của nền kinh tế không tiền mặt đang ngày một hiện rõ. Ngân hàng giảm chi phí huy động vốn, Nhà nước cũng điều tiết và kiểm soát tốt hơn lượng tiền đưa vào lưu thông, doanh nghiệp kiểm soát tốt dòng tiền. Đặc biệt, người tiêu dùng không chỉ cảm nhận sự nhanh, thuận tiện của quẹt thẻ hay dùng smartphone trả tiền mà còn là sự bảo mật và an toàn.

Như vậy, vấn đề đặt ra không còn là có hay không thanh toán di động sẽ là xu thế mà là “như thế nào”.

Tại Việt Nam, đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó đến cuối năm 2020, tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đề án này đang được các cơ quan nhà nước, các tổ chức tín dụng và giới công nghệ Fintech hưởng ứng.

Đó là hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng quan trọng cho việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó thanh toán di động là một xu thế hiện đại.

Hiện nay, Fintech (các công ty sử dụng công nghệ như Internet, điện thoại di động, ứng dụng đám mây trong ngành tài chính, ngân hàng) phổ biến nhất là các dịch vụ trung gian thanh toán với trên 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chủ yếu dưới hình thức cổng thanh toán trực tuyến hoặc ví điện tử.

Tất cả trong một, tiện lợi lại an toàn trong một ứng dụng điện thoại ở một nền kinh tế tiêu dùng thông minh, giã từ tiền mặt.

Nguyễn Thu

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024