ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ bảy, 11h09 18/05/2024

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5): Bứt phá công nghệ để phát triển kinh tế Thủ đô

(KDPT) - Nhằm phát triển bền vững Thủ đô, Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để xây dựng Hà Nội theo hướng xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục huy động tối đa nguồn lực tri thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học, chuyên gia đóng góp vào việc quản trị, phát triển Thủ đô.

Khoa học và Công nghệ là trụ cột của kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Theo đó, Hà Nội đã triển khai hiệu quả Kế hoạch số 345/KH-UBND (ngày 29-12-2022) của UBND thành phố về thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn thành phố; Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”…

Hiện thành phố đang triển khai thực hiện gần 300 nhiệm vụ thuộc 9 chương trình khoa học, công nghệ cấp thành phố và chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án được áp dụng vào thực tiễn đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Hà Nội.

Các đại biểu tham quan Triển lãm thành tựu khoa học và công nghệ Thủ đô năm 2024.
Các đại biểu tham quan Triển lãm thành tựu khoa học và công nghệ Thủ đô năm 2024.

Theo kết quả xếp hạng bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước với nhiều ưu thế vượt trội. Trong số này có các chỉ số nổi bật về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, như: Nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển...

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội có “kho vàng” về nhân lực và cơ sở vật chất, nhưng việc khai thác vẫn chưa được triệt để, hiệu quả. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, so với yêu cầu và tiềm năng, lợi thế của thành phố, Hà Nội cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đội ngũ trí thức là yếu tố quan trọng

Để tận dụng, huy động tối đa nguồn lực tri thức trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú mong muốn thời gian tới, Hà Nội là nơi đi đầu trong việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút thêm các tài năng, phát huy tốt hơn nữa trí tuệ các nhà khoa học. Lãnh đạo thành phố cũng cần thường xuyên tiếp xúc với các chuyên gia, nhà khoa học, tham vấn giải quyết các vấn đề của Thủ đô, đặc biệt là về các vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, phức tạp. “Các chuyên gia, nhà khoa học rất yêu Hà Nội, mong muốn đóng góp cho Hà Nội. Phải làm sao để họ có thể cùng lo với những nỗi lo, nỗi trăn trở của lãnh đạo thành phố, làm tăng hàm lượng trí tuệ trong các quyết sách, chủ trương của thành phố”, ông Phùng Hữu Phú nêu quan điểm.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, Hà Nội cần triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể mang màu sắc Thủ đô, như: Phát triển Hà Nội thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước; tập trung đặt hàng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giải quyết các vấn đề cấp thiết của Thủ đô như giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường... 

Cùng với đó, Hà Nội cần phát triển nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn nhằm tìm các giải pháp quản lý đô thị thông minh, hiện đại gắn với đặc thù của một trung tâm văn hóa, chính trị, giáo dục. Hà Nội cũng cần thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025; phát triển sàn giao dịch công nghệ trở thành sàn giao dịch công nghệ quốc gia, kết nối liên thông với các trung tâm công nghệ lớn của thế giới... Thành phố cũng cần phát triển thương hiệu mạnh của Thủ đô; hình thành mô hình phát triển doanh nghiệp dựa trên việc bảo hộ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua trong năm 2024 đã quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững, trong đó có vấn đề phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hà Nội sẽ tổng hợp các ý kiến, nghiên cứu, triển khai với mục đích huy động tối đa nguồn lực tri thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học, chuyên gia vào nhiệm vụ quản trị, phát triển Thủ đô./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/12/2024