ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ hai, 07h27 04/11/2024

Sàn thương mại Temu: Một cuộc điều tra diện rộng đang diễn ra

(KDPT) - Mới đây, sàn thương mại Temu của Trung Quốc chính thức bị Ủy ban châu Âu (EC) điều tra với mục đích đảm bảo sàn thương mại này không gây hại cho người tiêu dùng.

Thắt chặt quản lý việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Theo quy định của Nghị định 85 của Chính phủ, các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký. Tuy nhiên, mặc dù "đổ bộ" hồi đầu tháng 10/2024, nhưng đến ngày 24/10, sàn thương mại điện tử Temu mới gửi đơn đăng ký cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Như vậy kể từ đầu tháng 10, đặc biệt là hai tuần qua, Temu đã bán hàng không phép tại Việt Nam.

Theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong lúc các sàn thương mại điện tử đã được cấp phép như Shopee, Lazada hay Tiki chịu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, chấp hành các quy định về thuế, bảo vệ người tiêu dùng… thì Temu, Shein và 1688 đang hoạt động không phép, đồng nghĩa với việc sẽ chưa hoặc không nộp thuế, không chịu sự kiểm soát, tạo ra một cuộc chơi không công bằng.

Mặt khác, không giống như các sàn nội địa, sàn thương mại điện tử Temu, Shein và 1688 yêu cầu khách hàng phải thanh toán bằng thẻ Visa hoặc một số trung gian thanh toán từ nước ngoài và họ cũng giao 100% hàng từ nước ngoài. Như vậy sẽ phát sinh vấn đề về cạnh tranh, chất lượng sản phẩm cũng như nghĩa vụ nộp thuế.

Sàn thương mại Temu: Một cuộc điều tra diện rộng đang diễn ra - ảnh 1

Theo đó, những sàn thương mại điện tử như Temu xuất hiện đặt ra trách nhiệm cho cơ quan quản lý cần phải sớm rà soát và chấn chỉnh lại hoạt động quản lý đối với các sàn này tại Việt Nam.

Uỷ ban châu Âu chính thức vào cuộc

Ủy ban châu ÂU (EC) mở cuộc điều tra sàn thương mại điện tử trực tuyến Temu của Trung Quốc với nghi vấn sàn thương mại này không có đủ động thái ngăn chặn bán sản phẩm trái phép.

Mới đây, theo bà Margrethe Vestager, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EC cho biết: Cuộc điều tra nhằm đảm bảo Temu tuân thủ Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA), cụ thể là trong việc đảm bảo những sản phẩm rao bán trên sàn của nền tảng này đạt các tiêu chuẩn của EU, không gây hại cho người tiêu dùng. Nếu bị phát hiện vi phạm, Temu có thể phải chịu khoản phạt lên đến 6% doanh thu hàng năm.

Cụ thể, EC xếp hạng Temu là “sàn trực tuyến cực lớn” vào tháng 5 năm nay. Tính đến tháng 9, mỗi tháng có 92 triệu người dùng tại châu Âu sử dụng Temu. Thể theo các quy định của DSA, sàn này phải có nhiều động thái hơn để bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến tại châu Âu.

Trong bối cảnh nhiều hàng giả xuất hiện trên sàn Temu, bà Vestager muốn biết Temu triển khai hệ thống gì để giám sát các mặt hàng giả, hàng nhái đang được bán trên sàn này, cũng như Temu sẽ làm gì để giới hạn những món hàng này xuất hiện trở lại.

Ngoài ra, ủy ban cũng lo ngại về những chiến dịch bán hàng sử dụng các thiết kế có khả năng gây nghiện.

Về phần mình, Temu cho biết sẽ hợp tác với EU. Trong thông báo, người phát ngôn của Temu khẳng định, nền tảng này sẽ thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ, tiếp tục đầu tư để tăng cường các biện pháp hỗ trợ thực thi pháp luật và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên nền tảng của mình. 

Người phát ngôn cũng cho biết, Temu đang xem xét tham gia một nhóm bao gồm các nền tảng thương mại điện tử và thương hiệu lớn để ngăn chặn việc bán sản phẩm giả trực tuyến ở châu Âu.

Mặc dù mới chỉ gia nhập thị trường EU vào năm ngoái, nhưng Temu nằm dưới sự điều hành của công ty thương mại điện tử PDD Holdings của Trung Quốc đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường châu lục này, bằng chiến lược tiếp thị mạnh mẽ và giá cả cạnh tranh. Trung bình có khoảng 92 triệu người sử dụng nền tảng trên hằng tháng tại châu lục này.

Doanh nghiệp Việt cần làm gì?

Ông Đỗ Hữu Hưng - Giám đốc điều hành Công ty Accesstrade Việt Nam cho biết, Temu mới vào Việt Nam nên tung ra nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn như giảm giá sâu, tập trung vào mặt hàng giá rẻ, thông dụng để thu hút người tiêu dùng nhưng thực tế, người tiêu dùng rất thông thái trong mua sắm trên mạng và có sự lựa chọn, so sánh.

Người tiêu dùng mới đang tham gia ở mức trải nghiệm, mua sắm những mặt hàng thông dụng có mức giá thấp mang tính thăm dò. Bởi, hàng hóa đặt mới về Việt Nam được vài ngày cho đơn hàng sớm chưa thể đánh giá được chất lượng. Ông Hưng nhìn nhận.

Bà Nguyễn Thị Châu, Giám đốc Công ty May mặc V.N.F (quận Bình Tân, TP.HCM) nêu rõ, các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang đẩy doanh nghiệp Việt vào thế khó qua việc bán hàng trực tiếp từ nhà máy tới tay khách hàng, cắt đến hơn 50% khâu trung gian, tức giá bán ra sẽ rẻ hơn nhiều so với giá ở cửa hàng. 

Bởi vậy, đây là cuộc chơi chưa công bằng, sòng phẳng với cả hàng nhập khẩu từ các nước khác lẫn hàng nội địa Việt Nam. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ càng khốc liệt hơn. Hàng hóa ngoài giá cả còn có chất lượng, an toàn sức khỏe người dùng không thể đòi hỏi giá cực rẻ nhưng chất lượng điểm 10. Sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới là một xu hướng không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong nước, cần có những chính sách và biện pháp bảo vệ phù hợp.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, để ứng phó với làn sóng đổ bộ của hàng giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt cần tập trung vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi, đồng thời cải thiện hệ thống logistics để giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh.

Ngoài ra, việc ban hành các quy định về thuế quan và thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử cũng là điều cần thiết. Điều này, nhằm đảm bảo các nền tảng phải tuân thủ quy định về thuế, đảm bảo quyền lợi cho ngân sách quốc gia và tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp nội địa. Bà Châu nhấn mạnh./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/12/2024