ISSN-2815-5823

Thế và lực của doanh nghiệp tư nhân thời hội nhập

(KDPT) – Để kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh và mạnh thì cần phải thay đổi thể chế: chuyển thành nền kinh tế thị trường, đồng thời có những chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ để thúc đẩy phát triển.

Ảnh minh họa, nguồn internet.

Vai trò quan trọng

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”. Báo cáo nhấn mạnh đến hiện đại hóa nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm, xem đây là chìa khóa để mở đường dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị tại các nước công nghiệp hóa sớm ở Đông Á.

Báo cáo cho rằng Việt Nam cần xây dựng khu vực này với khả năng cạnh tranh, thực hiện quá trình đô thị hoá một cách hiệu quả, khuyến khích sáng tạo và tận dụng các cơ hội thương mại mới mở ra nhằm thực hiện cải cách trên qui mô lớn. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho khối doanh nghiệp tư nhân cũng được WB xác định là một trong ba trụ cột quan trọng giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Thách thức cần vượt qua

Trước hết, là khó khăn nội tại. Hầu hết các doanh nghiệp nội địa thuộc khu vực tư nhân là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với quy mô doanh nghiệp trung bình chỉ dưới 30 công nhân, rất ít doanh nghiệp lớn, thì cũng tương ứng, quy mô vốn và tài sản, trình độ khoa học công nghệ cũng khá thấp. Do đó, nếu chỉ “liên kết trong nhà”, sẽ khó cạnh tranh ngay trong thị trường AEC, càng khó hơn khi tham gia TPP. Trong khi đó, nếu muốn mở ra liên kết với các nền kinh tế lớn, công nghệ cao của TPP thì tiềm lực về vốn, công nghệ và nhân lực thường không cao sẽ khó hình thành các đơn vị có khả năng tham gia cạnh tranh bình đẳng.

Hai là, khó khăn về môi trường thể chế. Mặc dù Việt Nam đã chủ động thương lượng và ký kết AEC, TPP, nhưng khuôn khổ pháp lý còn nhiều điểm phải sửa đổi để không chỉ nâng cấp và đồng bộ hóa khuôn khổ pháp lý, hệ thống quản lý Nhà nước và đội ngũ công chức có điều kiện tạo dựng môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp (trong đó có chính sách về đảm bảo quyền sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ, … khá mới mẻ trong nước và xử lý các tranh chấp quốc tế). Những khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính, … cũng là khó khăn không nhỏ. Đó là chưa kể tới tư tưởng sính ngoại, đối xử không công bằng khu vực tư nhân trong nước, … cũng gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Ba là, khó khăn khách quan khi các doanh nghiệp phải hội nhập trong một sân chơi chung, chấp nhận cạnh tranh, nhưng ít hiểu biết về thông lệ quốc tế và những vấn đề phức tạp của pháp lý và thông lệ quốc tế, kể cả ngoại ngữ, văn hóa đa dạng. Trong điều kiện thế giới đầy biến động thì các khó khăn này càng tăng lên, khi các nước cũng đều muốn tiến ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, suy cho cùng, khó khăn lớn nhất vẫn là vượt qua được chính mình, tạo dựng ý chí chủ động vươn lên trong khó khăn, trước hết giành phần thắng trên sân nhà, thị trường nội địa. Từ đó từng bước tìm các “kẽ nhỏ” để đưa sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp từng bước tiếp cận thị trường quốc tế. Trong hoàn cảnh mới, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần tăng cường liên kết với nhau và với các loại hình doanh nghiệp để cùng vượt khó. Thói quen làm việc trong các tập thể đa dạng chưa được phổ biến, những bỡ ngỡ ban đầu sẽ gây thêm khó khăn, thậm chí cả thất bại và trả “học phí” nhất định. Việt Nam đang có lợi thế là 4,5 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, với hàng trăm nghìn chuyên gia bậc cao đang hoạt động thành công, chắc chắn sẽ là cầu nối tới thành công.

Phương Thúy

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024