ISSN-2815-5823

Thiếu khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh, trái phiếu xanh

(KDPT) - Hiện nay, khái niệm về tăng trưởng xanh, thị trường vốn xanh còn mới… khiến sự phát triển của trái phiếu xanh còn nhiều thách thức.

“Ngóng” khuôn khổ pháp lý

Để Việt Nam đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh cần nguồn lực rất lớn. Ước tính của ADB cho biết cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế chính sách và giải pháp huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước.

Để Việt Nam đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh cần nguồn lực rất lớn.
Để Việt Nam đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh cần nguồn lực rất lớn.

Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế. Giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Tuy nhiên, con số này còn khá nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD mỗi năm để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh.

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu huy động vốn cho việc chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân khiến kìm hãm sự phát triển của tín dụng xanh và trái phiếu xanh có thể kể đến là do chưa hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thiếu các tiêu chí, quy định về môi trường và danh mục phân loại xanh.

Theo PGS.TS. Chu Khánh Lân, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng
Theo PGS.TS. Chu Khánh Lân, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng

Theo PGS.TS. Chu Khánh Lân, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, khi nói đến tín dụng xanh, chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có hai điều 149 và 150 quy định rất rõ về tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Ngoài ra, chúng ta có Nghị định số 08/2022 của Chính phủ đã nêu vấn đề phải có các tiêu chí, các tổ chức xác nhận các tiêu chí để được công nhận là dự án xanh. Tuy nhiên, quy định là ngày 31/12/2022 phải hoàn thành việc này nhưng đến nay, sau gần một năm rưỡi vẫn chưa có.

PGS.TS. Chu Khánh Lân cho rằng, mặc dù việc này yêu cầu phải triển khai nhanh nhưng trong quá trình triển khai lại gặp phải một số vấn đề. “Đơn cử, có những dự án chúng ta nghĩ rằng đáp ứng được tiêu chí tín dụng xanh, công nghệ đối với vấn đề môi trường thay đổi rất nhanh. Có những dự án đến thời điểm hiện nay tốt cho môi trường, có thể giảm thiểu tác động tới môi trường nhưng công nghệ này sau 5 đến 10 năm nữa nếu được đánh giá sâu sắc hơn có thể không còn tốt nữa và thậm chí có thể tác động xấu đến môi trường. Vậy, việc giải quyết vấn đề ngân sách Nhà nước hoặc các chính sách lãi suất ưu đãi của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng phải xử lý như thế nào, điều này đòi hỏi cần phải làm rõ. Sau 5 đến 10 năm nữa, câu chuyện xử lý những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến thị trường”, PGS.TS. Chu Khánh Lân nêu vấn đề.

Lĩnh vực liên quan đến trái phiếu, tín dụng cần một lượng vốn lớn mà các nguồn lực trong nước không đáp ứng đủ nên rất cần các quỹ đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh tham gia cùng.
Lĩnh vực liên quan đến trái phiếu, tín dụng cần một lượng vốn lớn mà các nguồn lực trong nước không đáp ứng đủ nên rất cần các quỹ đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh tham gia cùng.

Bên cạnh đó, cũng theo PGS.TS. Chu Khánh Lân, tổ chức nào sẽ phụ trách xác nhận các dự án đáp ứng đủ tiêu chí để có thể phát hành trái phiếu xanh. “Nếu là các tổ chức kiểm toán độc lập thì chúng ta phải nhìn lại thời gian qua tồn tại nhiều sai phạm liên quan đến các tổ chức kiểm toán độc lập. Những sai phạm đó có thể ảnh hưởng và gây ra rủi ro, đơn cử như hành vi tẩy xanh. Do đó, chúng ta cần siết chặt vấn đề này”, PGS.TS. Chu Khánh Lân nói.

Về vấn đề mở rộng các công ty xếp hạng tín nhiệm, PGS.TS. Chu Khánh Lân cũng lưu ý chúng ta cần rút kinh nghiệm từ việc phát triển thị trường trái phiếu. “Chúng ta đã có Nghị định 08/2014 về phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhưng đến nay, số lượng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm này vẫn không đáp đứng đủ trong bối cảnh chúng ta cần xác minh trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, lĩnh vực liên quan đến trái phiếu, tín dụng cần một lượng vốn lớn mà các nguồn lực trong nước không đáp ứng đủ nên rất cần các quỹ đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh tham gia cùng. Vậy làm sao để thu hút được các quỹ đầu tư này đầu tư vào các dự án có quy mô nhỏ và vừa đáp ứng được nhu cầu về dòng tiền với mức lãi suất tốt”, PGS.TS. Chu Khánh Lân cho biết.

Cũng chia sẻ về những vướng mắc của tín dụng xanh tại Việt Nam, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, hiện nay các hoạt động tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng đang còn nhiều khó khăn và thách thức. Hiện, Việt Nam hiện chưa có khung pháp lý, chính sách như tiêu chí môi trường, tiêu chí xác nhận khoản vay xanh, dự án xanh,…

Huy động nguồn lực cách nào?

Hiện nay chúng ta cần phải có danh mục phân loại xanh mới có cơ sở để phát hành trái phiếu xanh và tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, như thế nào là đủ tiêu chí của tín dụng xanh và làm sao để huy động được nguồn lực quốc tế?..., rất cần phải có các chương trình, dự án rất cụ thể thì các quỹ đầu tư nước ngoài mới rót tiền vào.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB chi nhánh miền Nam. (Ảnh: Khánh Hà)
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB chi nhánh miền Nam. (Ảnh: Khánh Hà)

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB chi nhánh miền Nam cho rằng, đối với Việt Nam, để phát triển được tài chính xanh thì cũng phải phát triển chung trong bối cảnh nền kinh tế xanh. Chính phủ đã có chiến lược phát triển xanh rồi nhưng làm sao để các hoạt động kinh tế xanh có khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được các tiêu chuẩn kỹ thuật và mục tiêu định lượng, đo đếm, đánh giá được mức độ xanh hay mức độ tác động đến môi trường cũng như mức độ giảm rác thải. Đây là yếu tố rất quan trọng đối với phát triển kinh tế xanh. Đi kèm với phát triển kinh tế xanh, các hoạt động tài chính tài trợ cho hoạt động kinh tế xanh sẽ trở thành tài chính xanh.

Hiện nay đã có những thành công bước đầu trên thị trường tài chính xanh Việt Nam. Tuy nhiên, có một số điểm tương đối lớn đó là cần có sự đột phá.

Thứ nhất là cần nguồn vốn ưu đãi, nhưng hiện nay trong nước lại có ít nguồn vốn ưu đãi. Mặc dù chính phủ đã có những định hướng về chính sách nhưng chưa có những chương trình cụ thể sử dụng ngân sách làm nguồn vốn tạo động lực cho kinh tế xanh.

Thứ hai là hầu hết các nguồn vốn ưu đãi hiện này đều từ bên ngoài, từ các đối tác nước ngoài. Mặc dù chúng ta có nhiều cơ hội thu hút các nguồn vốn ưu đãi từ bên ngoài này nhưng thực tế triển khai còn nhiều khó khăn. Một phần khó khăn này đến từ các vướng mắc của thủ tục hành chính, nếu khai thông được những vướng mắc này, việc phát triển tài chính xanh nói riêng và kinh tế xanh nói chung sẽ có nhiều thuận lợi. Đơn cử như các thủ tục cấp phép đầu tư, thủ tục liên quan đến hợp đồng mua bán điện được sản xuất từ các nguồn bền vững. Khi những cơ chế đó chưa phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư thì họ sẽ không vào.

Trong thời gian tới, biện pháp quan trọng nhất đó là phát triển đồng bộ các thị trường tài chính khác như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu,… làm sao để giúp nền kinh tế có thể huy động được nguồn vốn dài hạn.
Trong thời gian tới, biện pháp quan trọng nhất đó là phát triển đồng bộ các thị trường tài chính khác như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu,… làm sao để giúp nền kinh tế có thể huy động được nguồn vốn dài hạn.

Thị trường tài chính chung của Việt Nam trong những năm gần đây tương đối ổn định. Một trong những vấn đề đã được nhiều chuyên gia nhận định đó là chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ngân hàng trong cấu phần của thị trường tài chính. Trong thời gian tới, biện pháp quan trọng nhất đó là phát triển đồng bộ các thị trường tài chính khác như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu,… làm sao để giúp nền kinh tế có thể huy động được nguồn vốn dài hạn. Một trong những hạn chế của nguồn vốn từ ngân hàng là nguồn vốn ngắn và trung hạn nên chúng ta cần phát triển đa dạng, đầy đủ, bền vững thị trường tài chính để có thể thu hút được các nguồn vốn dài hạn phục vụ cho các dự án đầu tư lâu dài. Đây được coi là giải pháp quan trọng trong thời gian tới./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024