Tín dụng xanh: Dòng tiền cực lớn đang chờ cơ chế
Dư nợ cấp tín dụng xanh tăng mạnh
Tại Hội nghị COP26 (tháng 12/2021), Việt Nam cam kết Net Zero (giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và tái khẳng định tại COP28 cuối năm 2023. Sự chuyển dịch tham vọng này đòi hỏi nỗ lực cũng như nguồn lực tài chính rất lớn.
Giới chuyên gia đánh giá, dù thị trường tài chính xanh tại Việt Nam còn sơ khai nhưng tiềm năng phát triển rất lớn. Ước tính đến 2030, Việt Nam cần đầu tư khoảng 571 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, khoảng 59 tỷ USD vào năng lượng tái tạo và gần 80 tỷ USD cho đầu tư vào các công trình xanh.
Tại Hội thảo về tài chính xanh ngày 3/4, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng xanh tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm.
Đến 31/12/2023, đã có 47 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022. Vốn này tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).
TS. Cấn Văn Lực - kinh tế Trưởng BIDV cũng nhìn nhận các sản phẩm tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại ngày càng phong phú.
Đơn cử như BIDV đã nghiên cứu triển khai nhiều sản phẩm tín dụng xanh như gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho KHCN phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực xanh, gói tín dụng 3.500 tỷ đồng để cho vay mua ô tô điện và gần đây là gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp dệt may; Agribank có 7 chương trình tín dụng chính sách lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
Tuy nhiên, theo ông Lực, hoạt động tín dụng xanh còn của các tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam cũng chưa có khung pháp lý, tiêu chí môi trường và tiêu chí xác nhận khoản vay xanh, dự án xanh.
Thêm nữa, các tổ chức tín dụng chưa có đội ngũ nhân sự có chuyên môn sâu về đánh giá tác động môi trường, xã hội, nên vấn đề này còn gặp khó khăn. Chưa kể, nhận thức của cơ quan quản lý, cá nhân, doanh nghiệp về tín dụng xanh còn hạn chế, thường đòi hỏi lãi suất ưu đãi trong khi chi phí vốn cao, không có ưu đãi của Nhà nước. Ngoài ra, các dự án xanh thường dài hạn, chi phí lớn, trong khi nguồn vốn của các ngân hàng thường là ngắn và trung hạn, khiến khó đáp ứng được cho các dự án xanh.
Vị chuyên gia cũng cho biết, Việt Nam chưa tranh thủ được nhiều nguồn vốn quốc tế. Ví dụ, các doanh nghiệp nước ngoài họ có tiền, nhưng để giải ngân thì Việt Nam cần phải có danh mục cụ thể, công trình nào, dự án nào, địa phương nào? Nhưng Việt Nam chưa thực hiện được điều này.
“Hầu như chúng ta để doanh nghiệp tự chiến đấu, như vậy rất khó thành công. Phải có cả “cây gậy và củ cà rốt”. Trung Quốc đi trước chúng ta 5 năm trong lĩnh vực này và rất đáng để tham khảo. Ở họ, tư nhân đầu tư vào tăng trưởng xanh thì doanh nghiệp sẽ được giảm lãi suất khi vay vốn; họ cũng thành lập quỹ phát triển xanh quốc gia, giảm phí, giảm thuế…”, ông Lực nói.
Sớm ban hành tiêu chí, danh mục xanh
Để phát triển tài chính xanh tốt hơn, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, cần sớm ban hành đồng bộ các chính sách liên quan đến tài chính xanh, xác định các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp…
Ngoài ra, cần có cơ chế thu hút nguồn vốn cho đầu tư xanh thông qua các chính sách miễn giảm thuế, phí, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong phát hành tín dụng xanh; nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển xanh, nâng cao hiệu quả Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Khoa học công nghệ…
Vị chuyên gia cũng kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành bộ tiêu chí về dự án xanh, công trình xanh, công sở xanh…; cập nhật các tiêu chí tín dụng xanh phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Chính phủ cần có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính tiếp cận các nguồn tài chính xanh quốc tế. Bản thân doanh nghiệp, tổ chức tài chính cần có kế hoạch, chiến lược phát triển xanh, nâng cao năng lực nhân lực liên quan đến tín dụng xanh”, ông Lực nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng cũng kiến nghị cần sớm có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Ngoài ra, theo bà Tùng, cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh, hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường nhấn mạnh, thế giới đã có luật chơi, Việt Nam buộc phải chấp nhận. Do đó, nhu cầu ban hành danh mục xanh là rất cấp thiết.
Theo ông, năm 2017, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã bắt đầu thiết lập danh mục dự án xanh cũng như xây dựng tài liệu hướng dẫn. Tuy nhiên, các danh mục và hướng dẫn đó chưa được phân loại theo thống kê ngành kinh tế của Việt Nam cũng như mục tiêu, lợi ích môi trường. Thậm chí, danh mục này cũng chưa có ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể theo thông lệ quốc tế.
Về xác nhận phân loại xanh, ông Thọ cho biết hiện tại có 3 phương án. Phương án 1 là thông qua tổ chức độc lập, phương án 2 là cơ quan Nhà nước, phương án 3 là các tổ chức tín dụng.
Phương án thông qua các tổ chức độc lập được nhiều đơn vị như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cũng như các tổ chức quốc tế ủng hộ. Đây cũn là tập quán chung của nhiều quốc gia trên thế giới.
Một số chuyên gia đánh giá phương án Nhà nước xác nhận thì rất khó khả thi, còn phương án tổ chức tín dụng thẩm định dự án xanh có thể dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi"./.
- Tín dụng xanh - Đường băng vừa mở
- Đề xuất tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh