ISSN-2815-5823
Hoài Phong
Thứ hai, 06h15 08/04/2024

Trái phiếu xanh: Pháp lý phải đủ chặt để ngăn “tẩy xanh”, đủ thoáng để hỗ trợ doanh nghiệp

(KDPT) - Để thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, trái phiếu xanh có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, dù nhu cầu và tiềm năng lớn, nhưng việc phát triển trái phiếu xanh không hề dễ dàng.

Mới chỉ 4 đợt phát hành trái phiếu xanh

Trong Báo cáo điểm lại tháng 3 năm 2023, Ngân hàng thế giới cho rằng tổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm của Việt Nam để xử lý những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh có thể lên đến khoảng 701 tỷ USD (khoảng 6,8% GDP) trong giai đoạn 2022-2040. Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi này, phát triển trái phiếu xanh có vai trò quan trọng nhưng cũng là thách thức to lớn.

Theo Ngân hàng ADB, tính đến cuối năm 2023, thị trường trái phiếu bền vững ở ASEAN+3 đạt gần 800 tỷ USD, gấp hơn 7 lần năm 2017, tăng trưởng bình quân 43%/năm.

EVNFinance là đơn vị đầu tiên phát hành trái phiếu xanh tại thị trường Việt Nam
EVNFinance là đơn vị đầu tiên phát hành trái phiếu xanh tại thị trường Việt Nam

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho hay, trong giai đoạn 2016-2020, chỉ mới có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị khoảng 284 triệu USD; giai đoạn 2019-2023, 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành.

Cụ thể, trong năm 2021, Công ty Vinpearl (thuộc Vingroup) phát hành trái phiếu bền vững bằng USD, niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore (điều chỉnh theo luật Anh); Công ty cổ phần Bất động sản BIM cũng phát hành trái phiếu với giá trị 200 triệu USD, thời hạn 5 năm, niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore (điều chỉnh theo luật Mỹ).

Nhưng phải đến năm 2022, một công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVNFinance là đơn vị đầu tiên phát hành trái phiếu xanh tại thị trường Việt Nam với giá trị 1.725 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm. Trái phiếu này được Tập đoàn đa quốc gia PIDG thực hiện bảo lãnh thanh toán phần lớn. Sau đó, năm 2023, BIDV là tổ chức tín dụng đầu tiên phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh, kỳ hạn 5 năm theo Nguyên tắc Trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), được xếp hạng bởi Moody’s.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Ông Cấn Văn Lực đánh giá thị trường trái phiếu xanh còn không ít hạn chế, trong đó nổi cộm là thiếu hướng dẫn chi tiết của cơ quan chức năng về tiêu chí xanh, cơ chế giám sát việc sử dụng nguồn vốn xanh huy động từ trái phiếu, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan…

Thêm nữa, nhận thức của các bên liên quan về ưu tiên phát triển trái phiếu xanh còn hạn chế; khung pháp lý, hạ tầng công nghệ, nền tảng nhà đầu tư… trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chưa hoàn thiện. Đặc biệt, Việt Nam cũng chưa có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành và đầu tư trái phiếu xanh.

Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu rủi ro tín dụng và dịch vụ tài chính bền vững - FiinGroup cũng đánh giá thị trường trái phiếu xanh Việt Nam gặp rào cản chính bởi việc thiếu hành lang pháp lý, hạn chế về thông tin và dữ liệu cũng như sự thiếu hiểu biết của các bên liên quan về trái phiếu xanh.

Theo chuyên gia này, doanh nghiệp Việt vẫn muốn chờ đợi định hướng từ Chính phủ trong vấn đề này. Ngoài ra, nhiều đơn vị tiềm năng muốn tham gia thị trường vẫn có tâm lý chờ danh mục xanh được ban hành.

Doanh nghiệp chờ hành lang pháp lý, đặc biệt là danh mục xanh
Doanh nghiệp chờ hành lang pháp lý, đặc biệt là danh mục xanh

Theo ông, khi danh mục chưa ban hành, họ vẫn có thể huy động từ nguồn vốn khác chứ chưa cần thiết phải phát hành trái phiếu xanh. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý (khai niệm, tiêu chí, quy trình… về trái phiếu xanh) phù hợp điều kiện trong nước lẫn thông lệ quốc tế đang rất được chú trọng.

Pháp lý đủ chặt ngăn “tẩy xanh”, đủ thoáng để hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Tùng Anh nhấn mạnh: “Cần giải pháp để các quy tắc vừa đủ chặt chẽ để tránh “tẩy xanh”, vừa rõ ràng, dễ tiếp cận để không tăng thêm chi phí, nguồn lực cho công tác chuẩn bị. Danh mục này sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý xác định, đánh giá và giám sát các dự án được tài trợ bởi trái phiếu xanh”, ông Tùng Anh nói.

Chuyên gia này cũng nêu, sau khi có danh mục phân loại xanh, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích về thuế, phí (giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, phí niêm yết, giao dịch, trợ cấp lãi suất…) đối với hoạt động phát hành, đầu tư trái phiếu xanh..

“Nhiều quốc gia cũng có các chương trình trợ cấp cho các nhà phát hành giao dịch tại thị trường trong nước, nếu đáp ứng  tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ Singapore tài trợ tới 125.000 SGD (tiền Singgapore) cho mỗi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, miễn là hoạt động tư vấn phát hành, xây dựng khung tài chính xanh/bền vững… được thực hiện tại quốc gia này.

TS. Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia kinh tế
TS. Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia kinh tế

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Thanh Hải nêu, theo thông lệ quốc tế hiện nay, hầu hết đều là các tổ chức độc lập xác nhận trái phiếu xanh. Tại Việt Nam, vướng mắc là để một tổ chức đánh giá độc lập mà giữ uy tín thì phải có kiểm tra, giám sát, đăng ký với cơ quan Nhà nước để tuân thủ tiêu chí môi trường, quản lý dòng vốn…

Ông Hải cũng cho hay, các tổ chức và các quốc gia đều khuyến nghị các bên liên quan đến trái phiếu xanh và Tín dụng xanh sử dụng tổ chức đánh giá độc lập để xác nhận trái phiếu xanh yêu cầu các cơ quan quản lý, giám sát tài chính và tổ chức đánh giá độc lập công bố công khai các đánh giá độc lập.

“Việc đăng ký, quản lý và giám sát của nhà nước đối với các tổ chức xác nhận cũng như các hoạt động xác thường được giao cho các cơ quan quản lý tài chính, giám sát thị trường vốn. Ví dụ như ở khối EU là Cơ quan Giám sát Thị trường chứng khoán châu Âu (ESMA)”, ông Hải nêu.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì nêu quan điểm rằng, mấu chốt vẫn là năng lực thực thi. Đây là vấn đề mới, chưa đủ pháp lý, liệu Nhà nước có ưu đãi cho doanh nghiệp tiên phong?

“Một số ý kiến cho rằng thị trường sẽ trừng phạt doanh nghiệp không xanh và doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ không thể tham gia cuộc chơi, do đó chưa chắc cần ưu đãi. Tuy nhiên, Nhà nước cần hài hoà lợi ích, không thể dửng dưng”, ông Thiên nói và đề nghị cần tạo không gian, môi trường cho doanh nghiệp hoạt động.

Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Vấn đề chuyển từ nâu sang xanh phải làm quyết liệt, Việt Nam cũng đã cam kết với thế giới. Đó là vấn đề sống còn và Nhà nước có vai trò biến thách thức thành cơ hội của doanh nghiệp, để doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội, lợi ích trong thách thức này”, ông Thiên nêu./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/05/2024