ISSN-2815-5823
Đỗ Linh
Chủ nhật, 15h06 21/04/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

(KDPT) - Sáng ngày 21/4, tại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Đây là dự án cuối cùng hoàn thành tuyến cao tốc huyết mạch xuyên Việt nối từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Mở ra không gian phát triển

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, dự án góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông. Dự án mở ra không gian phát triển mới, kết nối giao thông, kết nối kinh tế giữa vùng miền núi phía Bắc với Đồng bằng Sông Hồng; kết nối 2 tuyến hành lang kinh tế: Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Hồ Chí Minh - Mộc Bài; là cửa ngõ quan trọng kết nối các nước ASEAN với Trung Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân dộc tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng cùng các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm, nỗ lực lớn, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục, vượt qua khó khăn, thách thức để chính thức khởi công xây dựng công trình; cảm ơn nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã nhường chỗ ở, sản xuất, kinh doanh cho dự án.

Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, loại hợp đồng BOT, do UBND tỉnh Lạng Sơn làm Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án: 5.495 tỷ đồng (3.500 tỷ đồng NSTW, 2.000 tỷ đồng NSĐP); Vốn Nhà đầu tư thu xếp: 5.529 tỷ đồng.

Giá trị phần vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình (không bao gồm chi phí của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký hợp đồng, bên mời thầu, chi phí của hội đồng thẩm định, đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư) là 3.719 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026, thời gian thu phí và vận hành khai thác là 25 năm 8 tháng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu nhấn nút khởi công dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu nhấn nút khởi công dự án.

Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng đầu tư theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP. Lạng Sơn với tổng chiều dài 60km. Trên tuyến bao gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17km, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5m.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, dự án có ý nghĩa rất quan trọng, là ước vọng nhiều đời nay của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo dư địa, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh và khu vực Đông Bắc Bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn phát biểu tại buổi lễ.
Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn phát biểu tại buổi lễ.

Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là đoạn tuyến đầu của cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ cùng với Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang triển khai, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, kết nối các cửa khẩu lớn của phía Bắc đến các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước, góp phần tăng cường thông thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Mô hình nhà thầu đồng thời là nhà đầu tư thứ cấp

Ngày 11/4/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 688/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT. Nhà đầu tư tham gia duy nhất và trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 - Công ty cổ phần Lizen do Tập đoàn Đèo cả đứng đầu. Đây cũng là nhà đầu tư đã “giải cứu” thành công cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bị đình trệ nhiều năm.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

Tại dự án này, Liên danh nhà đầu tư áp dụng mô hình PPP++ là giải pháp đa dạng hoá nguồn huy động vốn cho các dự án đầu tư PPP hiện nay: P1++ là phần vốn ngân sách nhà nước, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn ngân sách địa phương; P2++ là vốn chủ sở hữu; P3++ là vốn huy động từ tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng BCC, nguồn vốn nước ngoài, từ các nhà đầu tư thứ cấp…

Theo mô hình này, nhà thầu tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, dự án được triển khai thi công theo mô hình tổng thầu thiết kế - thi công, hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án, lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án.

Phối cảnh cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Phối cảnh cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trong bối cảnh nhiều dự án được triển khai đồng loạt với nhiều khó khăn thách thức, Tập đoàn Đèo Cả đã áp dụng nhiều giải pháp để tối ưu hiệu quả thực hiện. Tập đoàn Đèo Cả nói riêng và liên danh nhà đầu tư nói chung xin hứa với Chính phủ, người dân sẽ thực hiện dự án với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ tiến không lùi”.

Ông Hồ Minh Hoàng khẳng định: “Tập đoàn Đèo Cả sẽ lấy công trường Dự án làm nơi thao trường đào tạo thực chiến không chỉ cho Tập đoàn Đèo Cả mà còn cho các doanh nghiệp khác, cùng phát triển khi thực hiện những giải pháp đầu tư PPP++, tổ chức thi công, kiểm soát tiến độ và chi phí Dự án bằng công nghệ mới như nhận diện khuôn mặt bằng sinh trắc học để quản lý nhân sự, cân điện tử để kiểm soát vật liệu, công nghệ Bim để quản lý chất lượng và tiến độ Dự án…”./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/11/2024