ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ tư, 13h43 07/08/2024

Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi

(KDPT) - Ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Chuyển đổi xanh theo hướng hữu cơ sẽ là xu thế để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Ngành chăn nuôi đang giữ vị trí quan trọng 

Nông nghiệp chiếm vị thế quan trọng và là trụ cột cho nền kinh tế của Việt Nam, giữ vai trò duy trì an ninh lương thực, thực phẩm vững chắc của quốc gia, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng năm 2023, với mức tăng 3,83%, cao nhất từ năm 2019. Đồng thời, với xu hướng mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên trường quốc tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP và cân bằng cán cân xuất nhập khẩu.

Chiếm hơn ¼ tỷ trọng ngành nông nghiệp, chăn nuôi Việt Nam đã có những bước tiến nổi bật mới trong bối cảnh phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế. Năm 2023, ngành chăn nuôi đã đạt được những con số vô cùng ấn tượng. Tổng sản lượng của ngành chăn nuôi tăng 6,38% so với năm 2022. Chăn nuôi lợn đứng thứ 6 thế giới về sản lượng, giúp cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thịt hơi. Chăn nuôi gia cầm giúp cung cấp 2,3 triệu tấn thịt hơi và 19,2 tỷ quả trứng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn được xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022. Ngành chăn nuôi Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng lớn trong tương lai. Để tiếp tục duy trì và nâng cao vị thế trên trường quốc tế, ngành cần sự hợp tác của tất cả các bên liên quan. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi xanh ngành chăn nuôi

Chia sẻ tại buổi Triển lãm Vietstock 2024, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Triển lãm Vietstock 2024 là cơ hội để trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chăn nuôi ở trong nước và quốc tế. Đây còn là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, các tổ chức đào tạo và chuyên gia trong ngành có thể giao lưu, học hỏi, cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp.

Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

“Với chủ đề Chuyển đổi chăn nuôi để năng suất cao hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường xanh sạch hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn” sẽ là dịp để chúng ta cùng nhau tìm hiểu, chia sẻ, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm đưa ngành phát triển theo những xu hướng chuyển dịch này, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi” - ông Thắng nhấn mạnh.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số lĩnh vực chăn nuôi sẽ góp phần khẳng định vị thế quan trọng của lĩnh vực chăn nuôi không những đối với ngành nông nghiệp Việt Nam mà còn khẳng định vị thế trên bản đồ chăn nuôi thế giới.

"Có thể nói đây là cơ hội vàng, là thời điểm tốt nhất để chuyển đổi ngành chăn nuôi theo hướng kinh tế xanh, bền vững. Xu hướng chuyển dịch ngành chăn nuôi trong thời gian tới cần phát triển đáp ứng đồng bộ, sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn. Chính vì vậy, Chủ đề Vietstock năm 2024 là: “Chuyển đổi chăn nuôi để năng suất cao hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường xanh sạch hơn". Ông Dương Tất Thắng nhấn mạnh.

Còn nhiều thách thức cần khắc phục

Bên cạnh những mặt tích cực, ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay vẫn còn một số hạn chế, như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết dẫn đến giá trị gia tăng thấp; thức ăn chăn nuôi phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu; những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Để ngành chăn nuôi có thể phát triển bền vững, rất cần sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp và người chăn nuôi. Cần thiết lập những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi chuyển đổi trang trại theo hướng hiện đại hóa. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Người chăn nuôi cần nâng cao kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng lớn trong tương lai. Để tiếp tục duy trì và nâng cao vị thế trên trường quốc tế, ngành cần sự hợp tác của tất cả các bên liên quan. Công nghiệp hóa nền chăn nuôi theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường sẽ là xu thế để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Vietstock Awards 2024 là giải thưởng danh giá ngành chăn nuôi được Tập đoàn Informa Markets tổ chức lần thứ 12 tại Việt Nam nhằm vinh danh các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực và ý nghĩa đến ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Giải thưởng nêu bật những thành tựu và tiến bộ trong nhiều khía cạnh của ngành chăn nuôi, từ các hoạt động chăn nuôi sáng tạo, an toàn sinh học, giảm phát thải, đến những đột phá trong chăn nuôi khép kín, chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn và hướng đến mục tiêu toàn ngành phát triển bền vững.

Đặc biệt, dưới sự chủ trì của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Vietstock Awards 2024 và Khu gian hàng Doanh nghiệp Mới chính thức được khởi động và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024