ISSN-2815-5823
Minh Thành
Thứ sáu, 10h17 22/03/2024

Bộ Nông nghiệp muốn thí điểm bán đấu giá gần 5 triệu tấn carbon

(KDPT) - Trong số 5,9 triệu tấn carbon còn dư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn chuyển nhượng 1 triệu tấn cho Ngân hàng Thế giới, số còn lại có thể thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế.
Việt Nam dự kiến thực hiện thí điểm thị trường carbon trong nước từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028.
Việt Nam dự kiến thực hiện thí điểm thị trường carbon trong nước từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã trình báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng về tình hình triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính tại vùng Bắc Trung Bộ, cùng với đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính dư thừa trong giai đoạn 2018-2019.

Báo cáo đã chỉ ra rằng, vào tháng 10/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã gửi thư xác nhận cho Bộ NN-PTNT về kết quả Giảm Phát Thải (GPT) kỳ 1 tại vùng Bắc Trung Bộ. Theo đó, WB đã xác nhận kết quả giảm phát thải từ báo cáo kỳ 1 đạt 16,21 triệu tấn carbon (CO2). Kết quả này đã đủ để chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Với giá chuyển nhượng là 5 USD/tấn CO2, số tiền thu về được ước lượng khoảng trên 1.200 tỷ đồng. Trong tháng 12/2023, sau khi Bộ NN-PTNT ký văn bản chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2, WB đã gửi thư xác nhận về việc chuyển giao khoảng 95% kết quả GPT cho Việt Nam để đóng góp vào Cam kết Quốc gia tự quyết định (NDC) đã ký.

Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo ERPA đã ký, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2018-2019. Do đó, Bộ NN-PTNT đã đề xuất cho phép chuyển nhượng 1 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới theo ERPA đã ký với giá 5 USD/tấn, trong đó khoảng 95% kết quả chuyển nhượng này sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC.

Theo Bộ NN-PTNT, các Bộ và địa phương đều đồng thuận với phương án chuyển nhượng bổ sung lượng giảm phát thải cho WB. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và một số địa phương đã đề nghị xem xét lại về mức giá chuyển nhượng hoặc xem xét phương án chuyển nhượng cho các đối tác khác ngoài WB.

Về mức giá chuyển nhượng là 5 USD/tấn CO2, Bộ NN-PTNT cho rằng, kết quả giảm phát thải được chuyển nhượng cho WB là kết quả đã được tạo ra trong quá khứ (giai đoạn 2018-2019), do đó rất khó có thể tìm kiếm các đối tác khác để thực hiện trao đổi hoặc thương mại.

Hiện nay, mức giá carbon trên thị trường tự nguyện thế giới dao động từ 2-4 USD/tấn CO2, trong đó mức giá carbon của lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất trên thế giới vào năm 2021 đạt 3,07 USD/tấn CO2. Theo trang carboncredits.com, cập nhật và theo dõi thị trường carbon trên thế giới, mức giá carbon của hệ sinh thái tự nhiên vào ngày 5/3/2024 đạt 1,57 USD/tấn CO2.

Trong khi đó, thị trường carbon trong nước sẽ được thiết lập và vận hành chính thức vào năm 2028. Do đó, để huy động nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng vùng Bắc Trung Bộ, Bộ NN-PTNT đã tổng hợp ý kiến và tiếp thu, giải trình nhiều vấn đề.

Với số 4,91 triệu tấn CO2 còn lại, Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa ra ý kiến đề nghị cho WB xem xét giới thiệu đối tác tiềm năng mua lượng giảm phát thải này theo phương thức đã thực hiện tại ERPA đã ký, hoặc hỗ trợ Việt Nam kết nối thực hiện thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế.

Trong trường hợp thực hiện theo phương thức thí điểm đấu giá, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN-PTNT xây dựng phương án thí điểm đấu giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thị trường carbon là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Trên thị trường carbon, có 2 loại hàng hóa chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính tối đa mà một đơn vị phát thải được phép thải ra trong một khoảng thời gian nhất định. Tín chỉ carbon (carbon credit) là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được tổng hợp tương đương 1 tấn CO2 (viết tắt là tCO2e).

Các công ty hoặc cá nhân có thể thông qua thị trường carbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính của họ bằng cách mua hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới phải thực hiện việc cắt giảm khí nhà kính để đạt được thỏa thuận chung tại Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các thỏa thuận quốc tế khác về khí nhà kính, từ đó nảy sinh nhu cầu mua bán phát thải. Tức là các quốc gia dư thừa quyền phát thải có thể bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu đã cam kết và ngược lại./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/05/2024