ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ sáu, 06h43 30/08/2024

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam

(KDPT) - Nông nghiệp Việt hiện nay muốn phát triển hiệu quả và bền vững thì chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới

Tại “Diễn đàn thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam” diễn ra sáng 29/8,  TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia chia sẻ bức tranh tổng quát về thực trạng tài trợ chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam. Theo TS. Lực, quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khá (khoảng 10%/năm giai đoạn 2013-2023) thì quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng còn rất nhỏ. Năm 2023, các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ tài trợ thương mại cho 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; trong đó, tài trợ chuỗi cung ứng chỉ chiếm 2%. Các đơn vị cung cấp chủ yếu vẫn là các NHTM, các công ty tài chính chưa tham gia nhiều.

Sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng (SCF) có nhiều rào cản đối với người nông dân khi tiếp cận. Đó là các NHTM thường yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, trong khi các sản phẩm tài trợ thương mại gồm tài trợ cho các khoản phải thu, tài trợ hóa đơn, tài trợ lô hàng… còn ít được áp dụng do tính chất rủi ro.

Quang cảnh diễn đàn
Quang cảnh diễn đàn

Để khắc phục hạn chế nêu trên, đối với cơ quan quản lý, TS. Cấn Văn Lực đề xuất, cần hoàn thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới. Tổng kết đánh giá và có phương án tiếp theo đối với bảo hiểm nông nghiệp. Tiếp tục phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN). Hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu dự báo về thị trường, giá cả nông sản nhằm giúp nông dân và DN có định hướng sản xuất, tiêu thụ ổn định.

TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia tại hội thảo.
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia tại hội thảo.

Về thị trường, cơ quan nhà nước cần có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tập trung xây dựng thương hiệu, tận dụng FTA thế hệ mới; quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng EU. UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản trên đất (đặc biệt là tài sản như nhà kính, nhà lưới, ao nuôi…).

Nông nghiệp Việt: Các hợp tác xã cần được đề cao vai trò trong lĩnh vực nông nghiệp

Hợp tác xã là một tổ chức kinh doanh thuộc sở hữu và được điều hành bởi một nhóm các cá nhân vì lợi ích chung của họ. Hợp tác xã cũng có thể được định nghĩa là một doanh nghiệp thuộc sở hữu và thuộc quyền kiểm soát của những người sử dụng dịch vụ do hợp tác xã cung cấp hoặc của những người làm việc ở đó. Khía cạnh khác nhau liên quan đến hợp tác xã là trọng tâm của nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế hợp tác xã.

Hợp tác xã có thế mạnh là có mạng lưới rộng khắp cả nước, tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. HTX là đầu mối tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, chính sách của Nhà nước và các nguồn khuyến nông, công trình hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, bảo hiểm cho nông dân, hỗ trợ vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số.

Hiện nay cả nước có 2.169 HTX làm chủ thể sản phẩm OCOP; hơn 1.000 HTX có hoạt động du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho các thành viên (thu nhập trung bình 52 triệu đồng/năm) góp phần ổn định chính trị -  xã hội địa phương.

Giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp

Theo ông Ngô Sỹ Đạt - Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp đề xuất giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX, tiếp tục hỗ trợ chương trình khởi nghiệp HTX; tiếp cận vay vốn tín dụng, đất đai... Đặc biệt là nhân rộng mô hình HTX vừa sản xuất vừa tham gia thị trường (sàn giao dịch nông sản); HTX đánh bắt thủy sản trên biển; bảo vệ nguồn lợi cộng đồng...; HTX sản xuất sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn. 

Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chủ đạo, là chìa khóa thành công của các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới. Việc đẩy nhanh nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất đã đóng góp rất lớn đến sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024