ISSN-2815-5823

Thúc đẩy xuất khẩu rau củ quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc

(KDPT) - Trung Quốc với dân số đông 1,4 tỷ người nên nhu cầu tiêu thụ rau quả ngày càng rất lớn, nhất là các loại trái cây vùng nhiệt đới mà Việt Nam có lợi thế sản xuất với số lượng lớn, chất lượng tốt.

Nhận định về tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này, vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc.

Tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt

Kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, riêng thị trường Trung Quốc là 3,63 tỷ USD chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Năm 2024 dự kiến kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam sẽ khoảng 7,5 tỷ USD, thị trường Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% khối lượng.

Các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam hiện đang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc 11 loại trái cây đặc sản như sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, ngoài ra có thêm khoai lang, cây xạ đen.

Rau, củ quả Việt Nam có nhiều dư địa để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Rau, củ quả Việt Nam có nhiều dư địa để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các hiệp định thương mại (FTA) giữa Việt Nam và Trung Quốc giúp giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả Việt xuất khẩu. Hơn nữa, nhiều loại trái cây Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài, chanh dây, vải… được người tiêu dùng Trung Quốc biết đến và ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon và chất lượng không thua kém các nước xung quanh. Đây là điểm mạnh của rau củ quả Việt Nam.

Một thuận lợi của rau củ quả Việt Nam là các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc (không nước nào có được), các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng của Việt Nam đã rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển hàng rau quả từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí logistics.

Tuy nhiên, một điều các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt, thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải cập nhật và đáp ứng được yêu cầu này.

Quy định về vệ sinh thực vật (phytosanitary) và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc khá phức tạp mất thời gian. Hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra cấp; các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của Hải quan Trung Quốc cấp...

Phải tìm hiểu thói quen của thị trường 

Kể về kinh nghiệm một lần thất bại với thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri chia sẻ: “Vụ đông 2018, tôi đã hợp tác trồng tại Hà Nam 20 ha bí ngô Nhật giống trái nhỏ rất được ưa chuộng ở Trung Quốc. Nếu thuận lợi xuất khẩu như khi bắt đầu trồng thì mỗi héc ta cho lợi nhuận bằng 5 lần trồng lúa. Đến tháng giêng khi được thu hoạch thì phía Trung Quốc không cho nhập hàng”.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - TGĐ Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - TGĐ Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri.

Thất bại này là do không tính được là phía Trung Quốc nghỉ tết âm lịch (từ 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng ) và nghỉ quốc khánh 10 ngày , để những người đi làm xa có thể về thăm gia đình hoặc đi du lịch . Vì thế việc vận chuyển, giao nhận cũng phải tính toán không sẽ bị lỡ chợ, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho biết.

Người Trung quốc có văn hóa tặng quà rất cầu kỳ và sang trọng, nguyên liệu bánh từ các rau củ quả Việt Nam cũng rất được yêu thích như  bánh sầu riêng, bánh đậu xanh, các loại bánh từ tinh bột sắn, tinh bột gạo... Vì thế doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần tìm hiểu tập quán, thói quen tiêu dùng, tính thời vụ... để đảm bảo nguồn cung được giá. Ví dụ, các dịp lễ lớn tết âm lịch, tết đoan ngọ, tết trung thu... các nhà buôn sẽ đắt hàng trước hàng tháng, cận ngày thì hàng bán lẻ chứ bá buôn không kịp nữa, vì thế hàng có thể sập giá trong vài ngày...

Bà Nguyễn Thị Thành Thực cho biết, Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri đã tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, các tính năng định vị xác thực, thời gian thực trên nhật ký điện tử, đảm bảo đáp ứng mọi rào cản kỹ thuật của thị trường. Công ty sẵn sàng đồng hành cùng với các cơ quan của Bộ Công Thương để hỗ trợ xúc tiến các chương trình hợp tác, thúc đẩy xuất khẩu chính nghạch rau củ quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, khai thác tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Kiên, chuyên viên Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) lưu ý doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cần phải tuân thủ quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm-kiểm dịch, bao bì truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo tiếng Trung, có hiểu biết về văn hoá nước này, doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm.

Ông Nguyễn Trung Kiên cũng lưu ý, hiện các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc phát triển rất mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần chú trọng khai thác thị trường doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C)./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine