ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ tư, 10h33 13/12/2023

Thực trạng và giải pháp trong xử lý chất thải chăn nuôi hiện nay

(KDPT) - Xử lý chất thải chăn nuôi là quá trình áp dụng các biện pháp kỹ thuật và công nghệ phù hợp để xử lý chất thải trong chăn nuôi thành nguyên liệu làm phân bón, nước tưới cây trồng hoặc thức ăn thủy sản hay nhiều mục đích khác. Ngày 12/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng các tổ chức Hội liên quan đã cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra hướng đi khoa học, an toàn trong quá trình xử lý chất thải chăn nuôi hiện nay.

Thực trạng chất thải trong chăn nuôi hiện nay

Hội thảo đã mang đến những giải pháp hữu ích cho lĩnh vực chăn nuôi. (Ảnh: Việt Anh)

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS. TS Bùi Hữu Đoàn - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Theo Luật Chăn nuôi 2018, Chăn nuôi là một ngành kinh tế - kỹ thuật, chuyển thức ăn có nguồn gốc thực vật thành sản phẩm động vật. Đó là một quá trình rất tốn kém.

Một nghiên cứu toàn cầu được công bố trên tạp chí An ninh lương thực toàn cầu, FAO đã ước tính các tỷ lệ chuyển đổi thức ăn khác nhau, có tính đến sự đa dạng của nguyên liệu thức ăn được vật nuôi tiêu thụ.Theo Mottet, A. (2017; 2022), ở cấp độ toàn cầu, động vật nhai lại cần 133 kg chất khô cho mỗi kg protein, trong khi động vật dạ dày đơn cần 30 kg. Tuy nhiên, khi chỉ xem xét thức ăn ăn được cho con người, động vật nhai lại cần 5,9 kg thức ăn để tạo ra 1 kg protein động vật, trong khi động vật dạ dày đơn cần 15,8 kg.

Khi chỉ xét đến thịt, động vật nhai lại tiêu thụ trung bình 2,8 kg thức ăn cho con người trên mỗi kg thịt sản xuất được, trong khi động vật dạ dày đơn cần 3,2. Cuối cùng, khi tính đến hàm lượng protein trong thức ăn, động vật nhai lại cần trung bình 0,6 kg protein thực vật ăn được để tạo ra 1 kg protein động vật trong khi dạ dày đơn cần 2. Điều đó có nghĩa là, động vật nhai lại đóng góp tích cực vào việc cung cấp protein ăn được cho con người ở cấp độ toàn cầu.

Chuyển hoá thức ăn (chủ yếu là thực vật) thành sản phẩm động vật: Thịt, trứng sữa là một quá trình rất tốn kém. Trong chăn nuôi hiện đại, hiệu suất của quá trình đó là khoảng 70%, chăn nuôi quảng canh chỉ là 30%, có nghĩa là 30-70% thức ăn đã không thành thịt trứng sữa mà thải ra môi trường, gây ô nhiễm mà con người cần phải quản lý.

Chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp là mục tiêu phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, là hướng đi chủ đạo để ngành chăn nuôi nước nhà phát triển bền vững thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguồn tài nguyên dần hạn hẹp và nguy cơ ô nhiễm môi trường chăn nuôi vẫn hiện hữu.

Đề xuất các giải pháp giúp phát triển ngành chăn nuôi

Chăn nuôi là một ngành kinh tế - kỹ thuật rất quan trọng, hiện đang phát triển với tốc độ tương đối cao và ổn định. Bên cạnh nhiều tác dụng tích cực, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường là một thực tế rất khó khắc phục.

Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Hữu Đoàn đã đề xuất một số giải pháp như:

Quản lý chất thải chăn nuôi là một nhiệm vụ rất nặng nề, phức tạp với nhiều nội dung quan trọng. Hầu hết các nhà chăn nuôi mới chỉ chú ý đến xử lý chất thải chăn nuôi, trong khi đây mới chỉ là nội dung thứ ba trong quản lý chất thải, còn 2 nội dung quan trọng khác là quy hoạch, xây dựng chuồng trại tốt; vệ sinh tốt thì chưa được chú ý đúng mức.

PGS. TS Bùi Hữu Đoàn - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Việt Anh)

Hiện nay, đã có nhiều thành tựu, việc xử lý chất thải chăn nuôi nhưng trong thực tế vẫn đang còn rất nhiều tồn tại, cần phải được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.

Do đó, việc sử dụng máy sàng tách phân thế hệ mới đang là một trong những giải pháp tốt, một mặt giảm tải các chất hữu cơ đổ vào các hầm biogas, mặt khác, sẽ thu được một lượng phân đáng kể để sản xuất phân bón hữu cơ, giảm ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập cho nông hộ.

Theo TS. Nguyễn Thế Hinh - Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT: Ở nhiều nước phát triển, các trang trại chăn nuôi thường sử dụng rất ít nước để hạn chế tối đa sự phát sinh các chất thải lỏng. Các trang trại chăn nuôi lợn thịt ở Đan Mạch hầu như không sử dụng nước để tắm lợn và làm vệ sinh chuồng trại trong suốt lứa nuôi. Lợn được nuôi trên chuồng sàn có khe thoáng để phân và nước tiểu thải ra sẽ rơi xuống hệ thống bể chứa ở dưới sàn chuồng. Chất thải lỏng bao gồm nước tiểu và phân lỏng được phép sử dụng xe bồn vận chuyển ra đồng để bón cho cây trồng.

Một số quy định cụ thể áp dụng cho việc sử dụng chất thải lỏng bón cho cây trồng như không được vận chuyển chất thải từ các trang trại có dịch bệnh, chỉ được bón cho cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, không được bón cho các cây rau quả sử dụng làm thức ăn cho người, khi bón cho đồng cỏ thì phải có thời gian cách ly trước khi cho gia súc ăn… một số thiết bị bơm phân lỏng vào đất để làm phân bón được khuyến khích sử dụng để giảm ô nhiễm mùi.

Do chăn nuôi sử dụng ít nước nên nhiều trang trại chăn nuôi ở các nước phát triển cũng không tránh khỏi mùi hôi phát sinh trong quá trình chăn nuôi, đặc biệt do sử dụng các công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước. Tuy nhiên, do thiết kế chuồng trại có hệ thống thông khí tốt nên các chất thải khí gây hại cho sức khỏe con người và vật nuôi được nhanh chóng phát tán. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn, bò ở Đan Mạch, Áo và một số nước phát triển khác có mùi hôi trong trang trại nặng hơn các trang trại ở Việt Nam khá nhiều nhưng đa số là mùi hôi của vật nuôi, ít gây hại cho sức khỏe.

Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo, đại biểu, khách mời tham dự đã cùng nhau trao đổi, thảo luận. Qua đó, tìm ra những giải pháp, kiến nghị phù hợp để áp dụng trong thực tiện, góp phần giải quyết vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi hiện nay./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024