ISSN-2815-5823

Thương mại điện tử xuyên biên giới bùng nổ: “Nguy” hay “cơ”?

(KDPT) - Thương mại điện tử xuyên biên giới và các sàn thương mại điện tử quốc tế cũng như hàng hóa nước ngoài đang “làm mưa làm gió” trên thị trường Việt.

Sức ép từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới

8,9 tỷ USD là số tiền người Việt đã chi để mua hàng trên các sàn thương mại điện tử trong 9 tháng đầu năm nay, tức là mỗi tháng người Việt Nam chi tới gần 1 tỷ USD để mua sắm trực tuyến. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện có quy mô lớn thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á và cũng vì thế đây là miền đất hứa đầy hấp dẫn đối với các trang thương mại điện tử xuyên biên giới.

50%, 70%, thậm chí 90% là những tỷ lệ giảm giá gây shock trong chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam của một sàn thương mại điện tử có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây có lẽ là yếu tố chính gây sự chú ý của người dùng. Nhưng trên đó lại là những mặt hàng được sản xuất ở bên kia biên giới được giao thẳng từ nhà máy tới người mua. Và không chỉ sàn thương mại điện tử mới này, nhiều sàn thương mại điện tử khác cũng có những chiến lược tương tự. Sức ép cạnh tranh không hề nhỏ đang đè lên vai những người kinh doanh trực tuyến Việt Nam.

Thương mại điện tử xuyên biên giới bùng nổ: “Nguy” hay “cơ”? - ảnh 1

Sau 4 năm hoạt động trên sàn thương mại điện tử, cửa hàng quần áo của chị Thảo (Nhà sáng lập, chủ thương hiệu thời trang The Peachy) đã chuyển hướng sang phát triển kênh bán hàng riêng qua các trang mạng xã hội. Theo chị Thảo, ngoài mức phí phải trả cho các sàn tới hơn 18% thì sự tham gia của các nhà bán lẻ nước ngoài cũng gây áp lực cạnh tranh rất lớn về giá.

"Phần lớn bộ phận người tiêu dùng ở Việt Nam, hầu hết mọi người đều vẫn thích giá rẻ, khiến cho các nhà kinh doanh nhỏ lẻ như mình và những nhà bán hàng không muốn giảm chất lượng sản phẩm xuống để cạnh tranh về giá sẽ cảm thấy cạnh tranh, áp lực rất là lớn", chị Thảo chia sẻ.

Cũng như chị Thảo, nhiều nhà cung cấp cũng gặp áp lực khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Việc các doanh nghiệp phải nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài sẽ khó cạnh tranh về giá với hàng quốc tế, đặc biệt là từ Trung Quốc. Với việc bây giờ xuất hiện thêm sàn thương mại điện tử bán trực tiếp từ các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sẽ gây sức ép lên các nhà bán lẻ nội địa.

Ông Lê Hải Vũ - Nhà sáng lập chủ thương hiệu Velaboost nói: "Ở Trung Quốc họ đầy đủ chuỗi cung ứng, nhà máy sản xuất khiến chi phí của sản phẩm rất là rẻ. Khi mà Temu vào Việt Nam họ cũng có thế mạnh rất lớn ở trong mảng đồ điện tử, đồ gia dụng, thời trang nên đối với bọn mình cũng là một trong những sức ép rất căng thẳng".

Theo thống kê của Nền tảng Số liệu Thương mại Điện tử Metric, trong 9 tháng đầu năm có gần 6.000 nhà bán rời bỏ các kênh thương mại điện tử. Điều này cho thấy áp lực cạnh tranh rất khốc liệt và khi có thêm một cái tên mới cùng một cơn bão giảm giá, đốt tiền giành thị phần thì cuộc chơi khó lại càng thêm khó.

Người tiêu dùng có thực sự hưởng lợi?

Người bán hàng, nhà cung cấp và cả những doanh nghiệp sản xuất hàng hoá tại Việt Nam rõ ràng không khỏi lo lắng với con sốt Temu hiện tại. Câu hỏi đặt ra là ai được hưởng lợi khi những người chơi quốc tế gia nhập thị trường như thế này. Mua hàng với giá hời? Điều này liệu có đúng và người tiêu dùng liệu có đang được hưởng lợi?

Khi thấy khuyến mại lớn, anh Dương (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã quyết định xuống đặt đơn mua hàng từ trang thương mại điện tử xuyên biên giới dù chưa biết thực hư chất lượng ra sao.

"Tôi thấy giảm giá nhiều, đơn hàng giảm đến 70 - 80%. Khi người dùng tiếp cận giá cả thấp thì sẽ bỏ qua vấn đề thương hiệu", anh Dương chia sẻ.

Theo nền tảng phân tích dữ liệu Metric, người dùng có xu hướng ưa chuộng phân khúc giá rẻ. Các sản phẩm giá dưới 200.000 đồng đã chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường trong quý III, mức tăng là 9% so với năm ngoái.

Bà Đỗ Mai Phương - Quản lý Phát triển Khách hàng Metric cho biết: "Đầu tiên sẽ là lợi ích về việc có thêm sàn để lựa chọn khi mua hàng, mua sắm trên kênh thương mại điện tử. Lợi ích thứ hai là họ có nhiều kênh hơn để so sánh về giá. Lợi ích thứ ba là đâu đó thì khi có thêm sự cạnh tranh của những sàn thương mại điện tử thì các sàn khác cũng cần phải đẩy cái chất lượng phục vụ khách hàng lên".

Tuy nhiên, theo khảo sát của VTVMoney với 2.000 khán giả, có gần 47% có trải nghiệm không tốt đối với trải nghiệm mua hàng trên sàn thương mại điện tử mới. Người tiêu dùng cần phải "tỉnh táo" trước mỗi quyết định "chi tiền". Còn ứng cử viên mới, cần nâng cao chất lượng trên thị trường cạnh tranh. Bởi lẽ, khi "chiêu bài" hết tác dụng, người tiêu dùng sẽ rời bỏ để lựa chọn những thứ đem lại giá trị lợi ích tốt hơn.

Đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trên thương mại điện tử

Hiện nay, với làn sóng thương mại điện tử giá rẻ xuyên biên giới, các quốc gia trên thế giới và các cơ quan quản lý Việt Nam sẽ lựa chọn cách ứng xử như thế nào?

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đã có những phương án nhằm hạn chế sự xâm nhập của những món hàng giá rẻ đến từ Trung Quốc. Còn tại châu Âu, kể giữa năm nay, EU đã quyết định kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của Temu tại châu Âu với khoản thuế nhập hàng hóa giá trị thấp.

Ông Thomas Reghier - Phát ngôn viên Cộng đồng châu Âu (EC) cho biết: "EC xác định Temu là một nền tảng thương mại điện tử quy mô rất lớn theo tiêu chí của Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số. Temu có thể tiếp cận tới hơn 45 triệu người dùng tại EU và như vậy phải tuân thủ các nghĩa vụ của Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số kể từ tháng 2 năm nay".

Indonesia duy trì lệnh cấm kể từ đầu tháng 10 đối với nền tảng thương mại điện tử Temu. Việc sàn thương mại điện tử này bán trực tiếp từ nhà máy đến tay người tiêu dùng đã không tuân thủ theo quy định thương mại của nước này.

"Temu không thể vào tiến vào thị trường thương mại điện tử Indonesia vì nó gây tổn hại đến nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Indonesia. Chúng tôi sẽ không cho họ cơ hội làm việc đó", ông Budi Arie Setiadi - Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số Indonesia nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, dù không lựa chọn cách ngăn cấm, sẵn sàng chia sẻ và tạo cơ hội hợp tác với các đối tác toàn cầu, nhưng đại diện cơ quan quản lý cho biết khi tham gia vào thị trường, các sàn xuyên biên giới sẽ phải thực hiện đầy đủ việc đăng ký kinh doanh, nghĩa vụ thuế và trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành cũng sẽ được tham mưu, đề xuất điều chỉnh để đảm bảo minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương cho thông tin: "Có một vấn đề là việc các doanh nghiệp nội địa phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài mà thông qua các nền tảng xuyên biên giới lại được miễn thuế đối với những mặt hàng dưới 1.000.000 đồng. Để khắc phục cái vấn đề này, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu đề xuất sửa đổi với Quyết định 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cá nhân tôi tin rằng là đối với sản phẩm Việt Nam mà cùng chất lượng, bất cứ ai trong chúng ta người tiêu dùng Việt sẽ lựa chọn hàng Việt để sử dụng".

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, sàn thương mại điện tử Temu vẫn chưa hoàn thành việc đăng ký hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Chưa hoàn thành việc đăng ký cấp phép hoạt động tại Việt Nam cũng có nghĩa là các hoạt động giao dịch trên sàn Temu chưa được quản lý và quyền lợi của người tiêu dùng cũng chưa được bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Vì thế, khi tham gia mua, bán, tiếp thị liên kết trên sàn thương mại điện tử này, cũng cần thận trọng để tránh những rủi ro không đáng có./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024