ISSN-2815-5823

Tìm giải pháp trong phát triển công trình xanh tại Việt Nam

(KDPT) - Các công trình xanh mang đến hiệu suất năng lượng cao trong các công trình xây dựng, có mức phát thải thấp, thân thiện với môi trường.

Chuyển đổi công trình xanh là xu thế tất yếu hiện nay

Tại diễn đàn “Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp” do Bộ Xây dựng và UBND Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 26/9, Thứ trưởng Phạm Minh Hà cho biết, chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số đang là xu hướng diễn ra trên toàn cầu và ở Việt Nam. Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế trong đó mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Chuyển đổi xanh hướng đến giảm tình trạng suy giảm hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh bao gồm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiêu ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tham gia của xã hội.

Công trình xanh xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 15 năm qua và từ những công trình xanh đầu tiên ờ TP.HCM, đến giữa năm 2024 chúng ta đã có gần 500 công trình xanh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 11,5 triệu mét vuông.

Với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, văn phòng trung bình hàng năm trên dưới 100 triệu mét vuông, chưa bao gồm diện tích nhà xưởng công nghiệp và các loại hình công trình khác, có thể thấy mặc dù tăng nhanh trong thời gian vừa qua nhưng tiềm năng phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn rất lớn. Chính vì vậy việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh cũng là một giải pháp giúp chuyển đổi xanh ở cấp độ quốc gia nhanh hơn.

Phát triển hạ tầng xanh đô thị sẽ giúp nâng cao chất lượng các không gian ở, tăng cường các hoạt động kết nối giao thông, giúp giảm thiểu áp lực thoát nước đô thị, hạn chế ô nhiễm môi trường; thậm chí có thể sản xuất lương thực - như một phần của hệ sinh thái đô thị rộng lớn hơn. Môi trường tự nhiên hài hòa trong đô thị có thể tạo ra những địa điểm hấp dẫn cho con người, dễ dàng gắn kết với thiên nhiên, từ đó có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe và hạnh phúc của con người.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, việc phát triển công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh là xu thế tất yếu. Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh và phát triển bền vững Thủ đô. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố đặt tầm nhìn đến 2030 xây dựng Hà Nội trở thành thành phố xanh - thông minh - hiện đại, trong đó tập trung vào việc phát triển giao thông xanh, mở rộng diện tích cây xanh, bảo đảm rằng các công trình xây dựng phải tuân thủ các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn.

Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17.3.2021 của Thành ủy Hà Nội về Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển thành phố nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại…

Hiện, Thành phố đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô năm 2024, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các quy định, cơ chế và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển bền vững. Các quy định này sẽ tạo nền tảng pháp lý thực thi có hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô theo định hướng xanh - thông minh - hiện đại.

Thông qua diễn đàn, “UBND Thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan Trung ương, đối tác trong và ngoài nước để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi đô thị, tạo lập một Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh, hiện đại, phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn khẳng định.

Vẫn còn vấp phải những khó khăn, thách thức

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Minh Hà xác nhận, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam thời gian qua gặp nhiều khó khăn, rào cản. Cụ thể, công trình xanh mới đang thực hiện ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc; trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận về nguồn tài chính xanh cho các dự án công trình xanh…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu.

Thứ trưởng Phạm Minh Hà cho biết, Bộ Xây dựng đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc khuyến khích, thúc đẩy phát triển công trình xanh trong thời gian qua với sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, tổ chức ở cấp Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các chủ đầu tư và các bên liên quan. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển công trình xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận làm rõ về thực trạng công trình xanh hiện nay cùng những khó khăn, thuận lợi; đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy công trình này. Trong đó, các đại biểu đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho công trình xanh; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình này; đẩy mạnh đào tạo cho các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thầu, quản lý dự án về công trình xanh; rõ quy định xác định vật liệu xanh để sử dụng trong công trình xanh

Tập trung đầu tư phát triển đô thị đồng bộ và hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao

Với những sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ trong thế kỷ mới, việc ứng dụng những thành tựu công nghệ trong phát triển đô thị là xu thế không thể thay đổi, chúng ta không ngừng cập nhật công nghệ trong đô thị, thúc đẩy việc đào tạo nhân lực có đủ năng lực áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần kiến tạo nên các không gian đô thị văn minh cho con người trong thế kỷ mới.

Đầu tư phát triển đô thị đồng bộ, có sự kết nối liên vùng, giữa thành phố và nông thôn, đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông thông minh, xử lý rác thải, nước thải đô thị bằng các ứng dụng khoa học hiện đại…nhằm xây dựng kế hoạch, đầu tư xây dựng không gian công cộng đô thị, xanh hóa cảnh quan đô thị một cách hiệu quả.

Thúc đẩy và tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ khoa học trong xây dựng phát triển hạ tầng đô thị xanh ngay từ những giai đoạn đầu của mỗi dự án phát triển đô thị, điều đó sẽ giúp tạo ra sự đồng bộ trong các không gian đô thị với những ứng dụng công nghệ hiện đại, được cập nhật kịp thời.

Với những chính sách quản lý, các chiến lược phát triển đô thị thống nhất từ chính quyền trung ương tới địa phương theo hướng bền vững, cùng sự phối hợp liên ngành của các nhà khoa học và các tổ chức phát triển đô thị hiện nay, sẽ giúp cho các đô thị hiện đại được phát triển đúng hướng, trong đó hạ tầng xanh đô thị sẽ là một mô hình được ưu tiên áp dụng và triển khai đồng bộ.

Việc sớm đưa ý tưởng phát triển hạ tầng xanh đô thị vào các đồ án quy hoạch đô thị chiến lược, nhấn mạnh tầm quan trọng của ý tưởng này trong mục tiêu phát triển đô thị tại các thành phố của nước ta, chính là một bước chuẩn bị kịp thời, tạo đà hình thành và phát triển các đô thị bền vững, các đô thị thật sự đáng sống cho con người của Việt Nam./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 29/09/2024