ISSN-2815-5823
Việt Anh - Thúy Khang
Thứ sáu, 06h00 13/12/2024

Tìm hướng đi phù hợp cho mục tiêu phát triển đô thị xanh và bền vững

(KDPT) - Xây dựng đô thị xanh, bền vững không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp cấp thiết để đảm bảo chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tến- xã hội hài hòa.

Phát triển đô thị xanh là hướng đi tất yếu

Phát triển đô thị xanh đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, nhằm giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách và hướng tới sự phát triển bền vững. Tại Diễn đàn phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức ngày 12/12, các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau thảo luận, phân tích những thách thức và đề xuất giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy đô thị xanh tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, ngày 27/11, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm dành nhiều thời gian nói về 2 vấn đề rất quan trọng là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là xử lý ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là sông Tô Lịch. Đặc biệt, hiện nay vấn đề đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trên toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng cũng đặt ra không ít thách thức về môi trường, xã hội và văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại Diễn đàn
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại Diễn đàn

Trước thực trạng đó, khái niệm "đô thị xanh" đã nổi lên như một hướng đi không thể thiếu để đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đô thị xanh không chỉ là những không gian với nhiều cây xanh, mà còn là sự tích hợp của các giải pháp sáng tạo trong sử dụng năng lượng, quản lý nguồn nước, giao thông và công nghệ thông tin.

“Chúng tôi nhận ra sự cần thiết của việc phát triển bền vững không chỉ từ góc độ kinh tế, mà còn từ trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững không chỉ nhằm tạo ra môi trường sống lành mạnh nhất cho cư dân, mà còn để đóng góp vào cuộc chiến toàn cầu vì một tương lai trái đất xanh và sạch hơn” - PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ.

Đối với Hà Nội, theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Với dân số liên tục gia tăng và áp lực ngày càng lớn từ sự phát triển kinh tế, vấn đề môi trường trở thành một mối quan tâm hàng đầu đối với thành phố. Hà Nội đang hướng tới việc phát triển đô thị xanh một cách toàn diện và bền vững. Đô thị xanh không chỉ dừng lại ở việc tăng cường diện tích cây xanh, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như kiến trúc bền vững, giao thông thân thiện với môi trường và quản lý năng lượng hiệu quả.

Cần có lộ trình phù hợp, hoàn thiện quy định về thuế, phí chất thải

TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh về phát triển kinh tế tuần hoàn đối với quản lý chất thải rắn theo hướng để phát triển đô thị xanh.

Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nhấn mạnh quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh và đạt 42,7% vào năm 2023. Theo đó, ông Thắng cho biết kinh tế đô thị đã đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Trong khi, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 67.880 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.140 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 29.740 tấn/ngày). Theo đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh hàng ngày tại Hà Nội khoảng 7.000 tấn/ngày, TP.HCM khoảng 10.000 tấn/ngày, Hải Phòng khoảng 700-800 tấn/ngày, Đà Nẵng khoảng 1.100 tấn/ngày. theo Báo cáo công tác bảo vệ môi trường, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý tại đô thị trung bình khoảng 96,6%, trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64%.

Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn đô thị, ông Thắng cho rằng đã đạt được những kết quả tích cực nhờ hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn, hướng tới kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, nhiều địa phương đã triển khai phân loại rác quy mô lớn. Cùng với đó, công nghệ đốt phát điện được áp dụng, hạ tầng xử lý được cải thiện. Chính sách về chất thải nhựa cũng được thiết lập, hướng tới loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần sau năm 2030.

Tuy nhiên, ông Thắng thẳng thắn chỉ ra vẫn còn những hạn chế như thiếu hướng dẫn cụ thể về kinh tế tuần hoàn, định mức chi phí tái chế, quy trình kỹ thuật. Thủ tục cấp phép phức tạp, quy định về lò đốt bất hợp lý, cùng với hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả phân loại rác. Hơn nữa, nhận thức của chính quyền và người dân còn hạn chế, thiếu liên kết giữa các địa phương, bất cập trong quản lý chất thải nhựa và khó khăn trong xã hội hóa đầu tư.

Để cải thiện, ông Thắng kiến nghị cần hoàn thiện chính sách về kinh tế tuần hoàn, ban hành các thông tư hướng dẫn, cập nhật quy hoạch điện và quy hoạch tỉnh. Địa phương cần chủ động xây dựng đề án quản lý chất thải, đầu tư hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy tài chính xanh và xã hội hóa. Theo ông, cần hoàn thiện quy định về thuế, phí chất thải nhựa, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và nhân rộng mô hình phân loại rác hiệu quả.

Đẩy mạnh thêm các nguồn năng lượng xanh

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững TS. Nguyễn Đức Kiên – nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, trong khu vực Thủ đô Hà Nội có 3 nguồn chính cần được quan tâm và đưa vào quy hoạch phát triển Thủ đô xanh là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Tuy nhiên, việc khai thác 3 nguồn năng lượng này còn khó khăn.

Đối với năng lượng gió, hiện nay, công nghệ sản xuất tua bin đã rất phát triển nhưng Thủ đô thiếu bản đồ gió trong khu vực địa giới hành chính của Thủ đô và vùng phụ cận.

Về năng lượng mặt trời, Hà Nội có tổng số giờ chiếu sáng của mặt trời không tối ưu do bị ảnh hưởng bởi khí hậu nên tiềm năng chỉ phù hợp với các hộ sử dụng điện riêng lẻ có công suất thấp. Đối với năng lượng sinh khối, ở khu vực Thủ đô chỉ có bao gồm xử lý rác thải đô thị hoặc sử dụng năng lượng sinh học nhưng phụ thuộc vào việc phân rác thải tại nguồn.

Mặt khác, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, đến thời điểm hiện nay, Thủ đô chưa có một khung chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo riêng mà chủ yếu chỉ áp dụng các cơ chế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa sử dụng hết tiềm năng của Thành phố đã được quy định trong Luật Thủ đô 2024.  

Giải pháp đưa đô thị thông minh phát triển bền vững

Theo Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, để đưa Hà Nội trở thành hình mẫu của đô thị xanh, thông minh, có bản sắc của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của Dân tộc Việt Nam cần có những giải pháp sau:

Thứ nhất, quy hoạch và phát triển không gian xanh, không gian công cộng, không gian ngầm, không gian trên cao, không gian số. Mọi dự án phát triển phải lấy tiêu chí xanh làm nền tảng. Các không gian xanh không chỉ tăng cường môi trường sống trong lành mà còn giúp gắn kết cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đưa ra giải pháp phát triển đô thị thông minh
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đưa ra giải pháp phát triển đô thị thông minh

Thứ hai, cụ thể hóa Luật Thủ đô với phương châm “Thể chế thông thoáng - quản trị thông minh - nhận thức, tư tưởng thông suốt”. Với 3 “Quy” đồng bộ để tổ chức thực hiện hiệu quả “Quy hoạch chi tiết - Quy chế, quy trình - Quy chuẩn, tiêu chuẩn”.

Thứ ba, đẩy mạnh ba chuyển đổi là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ; ứng dụng công nghệ số. “Chuyển đổi số là chìa khóa để phát triển nhanh bền vững”. Công nghệ được xác định là đòn bẩy quan trọng, giúp quản lý đô thị hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên. Tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống giám sát môi trường, quản lý chất thải và tiết kiệm năng lượng, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xanh, nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị bền vững.

Việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn tối ưu hóa công tác quản lý và vận hành đô thị thông qua ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và blockchain. Các công nghệ này được tích hợp vào nhiều lĩnh vực quan trọng như giao thông, năng lượng, môi trường và dịch vụ công, giúp giảm ùn tắc, tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế số. Không dừng lại ở đó, đô thị thông minh còn tạo môi trường thuận lợi để người dân tham gia sâu hơn vào quá trình quản lý, minh bạch hóa hoạt động hành chính và khuyến khích sự đổi mới sáng tạo.

Thứ tư, phát triển giao thông xanh, thông minh, tăng cường đầu tư cho các hệ thống giao thông công cộng như mạng lưới metro, xe buýt nhanh, và khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông xanh. Đồng thời, nghiên cứu để xây dựng tiêu chí xây dựng và ban hành các quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xây dựng “vùng phát thải thấp”.

Thứ năm, tăng cường ý thức cộng đồng. Ý thức cộng đồng đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy lối sống xanh bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của từng cá nhân về vai trò và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường sống. Những thông điệp ý nghĩa, những câu chuyện thành công về lối sống xanh sẽ được lan tỏa rộng rãi để khuyến khích cộng đồng cùng hành động. Tinh thần chung tay của cả cộng đồng chính là nền tảng vững chắc để hướng tới một đô thị xanh, đáng sống và phát triển bền vững.

Thứ sáu“Tầm sư học đạo”, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế là chìa khóa quan trọng để chúng ta tiếp cận các kinh nghiệm quý báu và công nghệ tiên tiến từ những đô thị xanh hàng đầu thế giới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua các mối quan hệ hợp tác đa phương và song phương, chúng ta có thể tiếp nhận những giải pháp sáng tạo, các mô hình phát triển hiệu quả đã được kiểm chứng, từ đó áp dụng một cách phù hợp vào thực tiễn.

Đồng thời, hợp tác quốc tế cũng mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là từ các quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đồng thời đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ hiện đại.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến với mục tiêu chung tìm ra giải pháp để phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 16/01/2025