Tài chính số và tương lai của ngành ngân hàng trong năm 2025
Sức bật của Fintech
Cùng với sự phát triển của cuộc Các mạnh công nghiệp (CMCN) 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech. Sự xuất hiện của Fintech đã thay đổi diện mạo của ngành dịch vụ tài chính với các ưu điểm về tốc độ, sự đơn giản, hiệu quả, an ninh, quyền riêng tư và tiềm năng. Điều này đã cho phép các Fintech chia sẻ nhiều hơn với khách hàng, mang lại cho họ quyền kiểm soát và quyền ra quyết định trong các giao dịch tài chính và hoạt động đầu tư.
Nhiều năm qua, Fintech là một trong những lĩnh vực được giới đầu tư quan tâm nhất tại thị trường Việt Nam. Qua đó, có thể thấy tiềm năng của Fintech tạo ra ở nước ta là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, mà đi kèm với đó là hệ thống kinh tế, tài chính ngày càng hoàn thiện, đa dạng.
Đi sâu hơn vào thị trường Fintech tại Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất chính là hoạt động thanh toán số. Đây là điều dễ hiểu, bởi ở thời đại công nghệ, đại đa số người dân đều đã có điện thoại thông minh (smartphone), dễ dàng tiếp cận mạng internet. Cùng với đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, khiến nhu cầu thanh toán số ngày càng bùng nổ. Chẳng hạn, nhiều quán nước vỉa hè Hà Nội - địa điểm kinh doanh mà những người bán hàng có không ít là những người cao tuổi, là đối tượng không dễ tiếp cận với công nghệ - giờ đây cũng đã có các mã QR để thanh toán, kể cả với một cốc trà đá giá vài nghìn đồng.
Trước đại dịch Covid-19, nước ta được cho vẫn còn phụ thuộc vào tiền mặt. Tuy nhiên trong giai đoạn cả nước chống dịch, tỷ lệ các giao dịch “phi tiền mặt hóa” đã tăng lên đáng kể.
Cùng với đó, là sự phát triển mạnh của thương mại điện tử đi kèm với nhu cầu mua sắm ngày càng cao khi kinh tế tăng trưởng. Người dân, đặc biệt là những người trẻ, đã có những chuyển biến trong thói quen mua sắm: thay vì mất công mặc đồ, ra đường và đến cửa hiệu, siêu thị, thì giờ đây có thể ngồi cà phê, nằm trên giường xem các sản phẩm qua nhiều nền tảng khác nhau. Thói quen mua sắm này đã bùng nổ mạnh mẽ trong thời kỳ Covid-19.
Xu hướng chung hiện nay cho thấy, ngày càng nhiều người dân dần lựa chọn các sản phẩm thanh toán bằng công nghệ tài chính. Đó là dấu hiệu tích cực báo hiệu về sự bùng nổ của Fintech trong tương lai với sự nở rộ của các start-up.
Theo một thống kê, giá trị giao dịch của thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam đã tăng từ 5,5 tỷ USD năm 2017 lên hơn 24 tỷ USD vào năm 2023.
Robocash Group đánh giá, Fintech tại Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN sau Singapore và được dự đoán sẽ đạt mức đáng kinh ngạc là 18 tỷ USD vào năm 2024.
Statistia thống kê, tổng giá trị giao dịch Fintech tại Việt Nam tăng trưởng đều qua các năm nhờ việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động ngân hàng và giao dịch.
Trước đó, giai đoạn 2017-2023, thanh toán số tại Việt Nam chứng kiến giá trị giao dịch tăng nhanh và ổn định, riêng thanh toán thương mại điện tử đạt 17,894 triệu USD vào năm 2023 và dự báo giá trị đạt 22,056 triệu USD vào năm 2025, thanh toán POS di động cũng tăng trưởng mạnh, đạt 3,216 triệu USD và còn được dự báo tăng lên 4,323 triệu USD vào năm 2025.
Fintech ở Việt Nam hiện xuất hiện qua nhiều hình thức, mà nổi bật trong số đó là ví điện tử, thanh toán không chạm.
Ví điện tử là một sản phẩm được ra đời đã hơn một thập kỷ. Đi cùng sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, các tính năng nổi bật của chủng loại fintech này đang dần cho thấy điểm mạnh.
Đơn cử, các ví điện tử hiện nay phần lớn đều phải liên kết với tài khoản ngân hàng, từ đó tạo ra một hệ sinh thái thanh toán, giúp người dùng có thể trải nghiệm thanh toán một cách nhanh chóng, tiện lợi, chính xác và an toàn. Ngoài hợp tác với các tổ chức tín dụng, ví điện tử còn được sử dụng để liên kết với các sàn thương mại điện tử, ứng dụng gọi xe, cửa hàng tiện lợi. Thậm chí, các ví điện tử còn có chức năng trả sau (trường hợp này cần thanh toán đúng hạn, nếu không sẽ bị tính lãi suất). QR code cũng là công nghệ đáng nhắc tới, cho phép khách hàng sử dụng điện thoại thông minh để nhận diện mã thanh toán, thực hiện các giao dịch chuyển khoản. Các thao tác này ghi nhận độ dài chỉ tính bằng giây.
Bên cạnh các ví điện tử xuất hiện từ sớm như MoMo, VNPAY, ShopeePay, ViettelPay, ZaloPay, Moca, thị trường ví điện tử ở Việt Nam đang ngày một sôi động hơn với sự góp mặt của nhiều ví điện tử từ các doanh nghiệp lớn như VinID của VinGroup, VNPT Pay của VNPT), SenPay (thuộc FPT), MobiFone Pay (thuộc MobiFone), SmartPay, G-Pay… Song, thị trường đã có sự phân hóa mạnh mẽ. Nhiều khảo sát cho thấy 5 ví điện tử phổ biến nhất là Momo, ViettelPay, Airpay, Zalopay và Moca đã chiếm lĩnh hơn 90% thị phần ví điện tử tại Việt Nam.
Ngoài ví điện tử, còn có phương thức thanh toán nhanh chóng hơn, đó là thanh toán thẻ không tiếp xúc. Để thực hiện giao dịch, khách hàng chỉ cần chạm thẻ hoặc điện thoại lên máy POS, thay vì phải đưa thẻ cho nhân viên quét qua máy đọc. Đây cũng là điểm cộng khi thông tin về thẻ của khách hàng thêm phần bảo mật, giảm nguy cơ rò rỉ thông tin thẻ.
Thông tư số 22/2020/TT-NHNN được cho sẽ là tiền đề để thanh toán không chạm ngày càng có cơ hội phát triển hơn trong thời gian sắp tới. Theo đó, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh chuyển đổi thẻ ngân hàng dạng thẻ từ sang thẻ gắn chip.
Các tổ chức tín dụng hiện đã có những sự hợp tác nhất định đối với fintech. Chẳng hạn, một số ngân hàng hiện đang tiếp tục đẩy mạnh nâng cao trải nghiệm khách hàng, như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)... Tỷ lệ giao dịch trên kênh kỹ thuật số đạt trên 90%.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã hợp tác với một số start-up về fintech thuộc nhiều ngành nghề khác nhau để tạo cơ hội mở rộng thị trường, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hợp tác với Công ty CP Di động Trực tuyến để cung cấp dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ ở khu vực nông thôn.
Hầu hết các ngân hàng thương mại cũng đã hợp tác với ví MoMo để tạo ví điện tử. Ngân hàng TNHH HSBC Việt Nam đã hợp tác với hàng chục công ty fintech và hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Thách thức từ Phố Wall nhìn lại
Trước thực tế các công ty fintech đang phát triển mạnh mẽ và có khả năng trở thành đối thủ của ngân hàng (trước mắt là trong lĩnh vực thanh toán số và sẽ mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác), việc các công ty fintech tham gia vào các hoạt động liên quan đến ngân hàng đã gia tăng sự cạnh tranh và thách thức cho các ngân hàng hiện có.
Ở Hoa Kỳ, “thủ phủ” của lĩnh vực tài chính, nhiều năm qua đã xảy ra “cuộc chiến” giữa các ngân hàng và doanh nghiệp fintech.
Điều này được bộc lộ rõ qua lời tuyên chiến theo đúng nghĩa đen của CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan (và cũng là bộ mặt của Phố Wall), Jamie Dimon: “Sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt, không khoan nhượng trong 10 năm tới. Tôi hy vọng sẽ giành chiến thắng”. Ông Dimon còn thề sẽ “chi ra bất cứ cái gì cần thiết”.
Một thống kê về các hội nghị cổ đông trên nền tảng nghiên cứu đầu tư Sentieo cho thấy, trong số 6 ngân hàng hàng đầu của Mỹ, số lần các từ "công nghệ" và "kỹ thuật số" được sử dụng bởi các CEO đã tăng vọt từ 17 (năm 2011) lên 81 (năm 2021).
Được ngân hàng mua lại có vẻ là viễn cảnh trong mơ đối với một doanh nghiệp fintech. Thế nhưng, mọi thứ đã nhanh chóng trở thành ác mộng.
Robert Ruark, giám đốc của KPMG, một công ty tư vấn đã làm việc với ngân hàng trong vụ mua lại, cho biết mâu thuẫn bắt đầu khởi nguồn từ văn hóa làm việc.
Cụ thể, nhóm fintech nhận thấy tốc độ kinh doanh tại ngân hàng rất chậm và gánh nặng pháp lý rất nặng nề. Ngay cả lịch họp cũng hoàn thành với "thời gian quá mức". Thời gian dành cho "giới thiệu và vui vẻ" cũng trở thành một điểm gây tranh cãi, vì những start-up fintech đều phàn nàn không có thời gian để hoàn thành bất kỳ việc gì.
Mọi thứ trở nên tồi tệ sau khi kế hoạch mở rộng dịch vụ về thanh toán kỹ thuật số bị hủy bỏ.
Báo cáo cho biết: "Các ngân hàng lớn và lâu đời được quản lý chặt chẽ, tính quan liêu cao, tụt hậu về công nghệ và tập trung vào các cổ đông. Ngược lại, fintech thì tự chủ, tinh gọn, có tính kinh doanh, ít bị quản lý và có công nghệ tiên tiến. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi văn hóa liên tục được coi là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại cho sự kết hợp giữa ngân hàng và fintech".
Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ là một ví dụ điển hình khi gây chú ý với kế hoạch mua lại ứng dụng đầu tư tự động Wealthfront với giá 1,4 tỷ USD vào đầu năm 2022. Song, thỏa thuận này đã bị hủy bỏ chưa đầy 8 tháng sau đó trong một động thái cho thấy căng thẳng nội bộ về nỗ lực số hóa.
Ở Việt Nam, fintech cũng tạo ra nhiều lợi ích: Góp phần tăng khả năng gia nhập thị trường đối với các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông. Các công ty fintech cung cấp giải pháp và dịch vụ đa dạng, đặc biệt là thanh toán và cho vay. Điều này có phần tương tự với câu chuyện tại Phố Wall. Thị phần của ngân hàng có thể sẽ bị đe dọa, làm các tổ chức tín dụng khó khăn hơn trong việc xác định lại chiến lược phát triển.
Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng và doanh nghiệp fintech chưa thực sự hoàn thiện. Do đó, cần sớm tạo ra khung quản lý chung đi kèm với cơ chế rà soát để hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của khách hàng.
Các ngân hàng thương mại luôn có độ trễ nhất định về mặt công nghệ so với các công ty fintech. Các công ty fintech ứng dụng linh hoạt công nghệ trong việc thiết kế sản phẩm, dịch vụ nhằm mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng với chi phí rẻ hơn và thu hút được những nguồn đầu tư lớn hơn.
Ngoài ra, đầu tư vào công nghệ thông tin thường tốn rất nhiều chi phí, thời gian và nhân lực, các ngân hàng thương mại cần cân nhắc để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu lợi nhuận và tối ưu hóa chi phí.
Một rủi ro khác cần nhắc đến của fintech, đó là nguy cơ an ninh mạng trong bối cảnh hạ tầng mạng viễn thông vẫn còn lỗ hổng. Khách hàng theo đó dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân qua nền tảng và phải chịu thiệt hại nếu bị lừa đảo. Đây là nhiệm vụ của các ngân hàng truyền thống, cần nâng cao khả năng bảo mật để bảo vệ dữ liệu khách hàng và tránh rủi ro gian lận.
Cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về kiến thức tài chính về kinh tế số để các khách hàng để người sử dụng dịch vụ có đủ khả năng để tự bảo vệ bản thân trước những phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi.
Chưa kể đến, đó là bài toán về nhân lực đối với các ngân hàng, mà cụ thể là nhân lực có chuyên môn đến các giải pháp công nghệ, xây dựng hạ tầng công nghệ trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đang có rất nhiều nhân sự mạnh chuyên môn về tài chính, nhưng kỹ năng về công nghệ vẫn còn hạn chế.
Cơ hội xúc tiến đầu tư
Có thể thấy, Việt Nam có rất nhiều dư địa để phát triển fintech, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho đất nước. Ngoài chức năng hỗ trợ thanh toán, fintech còn được kỳ vọng sẽ góp phần xúc tiến thương mại, đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch Chứng khoán DNSE, cho hay: "Khi fintech phát triển, chúng ta có thể huy động vốn xuyên biên giới thông qua các nền tảng kỹ thuật số, chẳng hạn như ICO. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế".
Theo bà Lê Lan Chi - CEO ZaloPay, chi phí thanh toán quốc tế hiện nay rất cao, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam. Fintech có thể giải quyết vấn đề này bằng cách giảm chi phí và tăng tốc độ giao dịch, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.
Hơn nữa, blockchain, với tính năng minh bạch và không biên giới, có tiềm năng cách mạng hóa thị trường tài chính.
Ông Ryan Kim - nhà đồng sáng lập Quỹ đầu tư Hashed cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí đặc biệt để khai thác tiềm năng của blockchain - nền tảng cốt lõi của Web 3.0. Đây là xu hướng chuyển dịch tất yếu từ Web 2.0, định hình tương lai của ngành công nghệ tài chính. Sự phát triển này không chỉ thay đổi cách các dịch vụ tài chính được cung cấp mà còn tạo ra các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.
"Tài sản kỹ thuật số không có ranh giới quốc gia. Điều này giúp các sản phẩm được tạo ra tại Việt Nam có thể nhanh chóng tiếp cận quy mô toàn cầu", ông Kim đánh giá./.
- 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt 2024: Vợ chồng chủ tịch ngân hàng cùng lọt top
- Hà Nội duyệt thu hồi 1.140 ha đất xây 104 dự án ở huyện Mê Linh trong năm 2025
- Chuyên gia dự báo trái chiều về thị trường chung cư năm 2025