ISSN-2815-5823

Tri ân cổ đông, TPBank bổ sung kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt ngay trước thềm ĐHCĐ

(KDPT) - Ngay trước thềm đại hội, TPBank đã bổ sung tờ trình về Phương án chi trả cổ tức tiền mặt và Phương án tăng vốn điều lệ năm 2024. 

Sáng ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 tại Hà Nội. Tính đến 8h45, có 108 cổ đông tham dự đại hội, tương đương 80,7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của TPBank. Đại hội đã đủ điều kiện để tiến hành theo quy định.

Tri ân cổ đông, TPBank bổ sung kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt ngay trước thềm ĐHCĐ.
Tri ân cổ đông, TPBank bổ sung kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt ngay trước thềm ĐHCĐ.

Ngay trước thềm đại hội, TPBank đã bổ sung tờ trình về Phương án chi trả cổ tức tiền mặt và Phương án tăng vốn điều lệ năm 2024. Cụ thể, TPBank đề xuất chia cổ tức 5% bằng tiền mặt (1 cổ phiếu nhận được 500 đồng) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2023. 

Theo Ban lãnh đạo ngân hàng, việc trả cổ tức bằng tiền mặt là nhằm tri ân các cổ đông đã đồng hành cùng ngân hàng trong thời gian qua và xét trên tình hình kinh doanh ổn định, có bề dầy và phát triển an toàn của TPBank.

Như vậy, TPBank là ngân hàng thứ 9 công bố kế hoạch hoặc đã trả cổ tức tiền mặt trong năm 2024. Trước đó, đã có 8 ngân hàng công bố kế hoạch này là VIB, ACB, HDBank, MB, VPBank, Techcombank, Eximbank và SHB. 

Trrong năm 2023, TPBank đã chi khoảng 3.955 tỷ đồng để thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh tiền mặt, TPBank cũng đề xuất phát hành tối đa 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới). Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2023. Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng thêm hơn 4.403 tỷ đồng, lên 26.419 tỷ đồng.

Việc tăng vốn sẽ được thực hiện sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt. Thời gian thực hiện sẽ phụ thuộc vào quá trình xem xét phê duyệt hồ sơ của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh kế hoạch chia cổ tức, tại đại hội, TPBank trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 34,2% so với năm trước.

Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn thấp hơn kế hoạch năm 2023 (8.700 tỷ đồng) hoặc thực hiện năm 2022 (7.828 tỷ đồng). 

Năm 2023, TPBank mới thực hiện được 64% kế hoạch đề ra (chỉ đạt 5.589 tỷ đồng). Theo lãnh đạo TPBank, nguyên nhân do năm 2023 điều kiện kinh tế vĩ mô có nhiều yếu tố không thuận lợi. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên toàn hệ thống điều chỉnh giảm dần qua các quý trong khi nhiều ngành nghề kinh doanh sụt giảm hoạt động nên sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm sụt giảm do khủng hoảng của ngành và việc siết chặt của các cơ quan quản lý trong lĩnh vực bán bảo hiểm nhân thọ. Tăng trưởng tín dụng mới gặp khó khăn do tác động của tình hình kinh tế và chính sách của cơ quan quản lý. Nợ xấu, nợ quá hạn có xu hướng tăng nhanh làm gia tăng việc trích lập dự phòng.

Về các chỉ tiêu khác, năm nay, TPBank dự kiến tổng tài sản tăng 9,36% lên 390.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp tăng 15,75% lên 251.821 tỷ đồng, huy động vốn tăng 3,31% lên 327.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 2,5%.

Nhà băng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu Công ty tài chính cổ phần Handico (Hafic) để TPBank có công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Về phương án phân phối lợi nhuận, báo cáo tài chính sau kiểm toán ghi nhận lợi nhuận trước thuế của TPBank là 5.589 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.463 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận để lại chưa phân phối còn 3.697 tỷ đồng./. 



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024