ISSN-2815-5823
Việt Anh
Chủ nhật, 12h52 09/06/2024

Trí tuệ nhân tạo (AI) trong cuộc cách mạng hóa nền giáo dục

(KDPT) - Trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn sẽ cách mạng hóa việc học tập tốt hơn. AI có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi giáo dục cho tất cả các bên liên quan.

Trí tuệ nhân tạo (AI) có tác động sâu rộng

Một nghiên cứu năm 2024 do Đại học Oxford dẫn đầu đã phát hiện ra rằng học sinh ở Ghana sử dụng gia sư toán được hỗ trợ bởi AI có thể truy cập qua WhatsApp có điểm môn toán tiến bộ hơn đáng kể so với các bạn cùng lớp. Họ sử dụng "gia sư" này khoảng nửa giờ, hai lần một tuần, trong 8 tháng.

Ngoài việc giúp đỡ trực tiếp học sinh, AI còn có thể được chính các giáo viên sử dụng. Nó có khả năng giúp tạo ra các kế hoạch học tập được cá nhân hóa và chuẩn bị các đánh giá cá nhân.

Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể điều chỉnh việc học với nội dung và tốc độ phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng học sinh. (Ảnh minh họa).
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể điều chỉnh việc học với nội dung và tốc độ phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng học sinh. (Ảnh minh họa).

Ông Christophe Mallet, giám đốc điều hành của nhà cung cấp đào tạo kỹ năng mềm thực tế ảo Bodyswaps, cho biết: "AI làm thay đổi vai trò của giáo viên, tiết kiệm thời gian đáng kể trong việc soạn giáo án và đánh giá bài học, từ đó cho phép nhiều tương tác trong lớp hơn và hỗ trợ cá nhân hóa". Ví dụ, AI có thể nhanh chóng tạo ra các bộ bài tập về một chủ đề đã chọn. Ông South cho biết thêm: "Nó cũng có thể phân loại bài tập của học sinh để xác định các lỗi riêng lẻ và chữa bài".

Tại tọa đàm khoa học “Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục” diễn ra ngày 7/6, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật nhấn mạnh, AI đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa ý tưởng học tập cá nhân hóa - điều chỉnh việc học với nội dung và tốc độ phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng học sinh. AI cung cấp khả năng lấy dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, xác thực và phân tích dữ liệu đó bằng các công cụ như phân tích dự báo và học máy. 

“Việc sử dụng AI có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi giáo dục cho tất cả các bên liên quan - từ cá nhân học sinh đến các cấp quản lý cao hơn như Bộ Giáo dục và Đào tạo”, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh nói.

Tiềm ẩn rủi ro nếu lạm dụng trí tuệ nhân tạo (AI)

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tiềm ẩn cần giải quyết. AI vẫn không đáng tin cậy và dễ đưa ra thông tin sai lệch, khiến học sinh có thể thu nạp các thông tin không chính xác. Tương tự, AI có thể phát triển các thành kiến ​​dựa trên dữ liệu mà nó được đào tạo và có khả năng truyền chúng cho người học.

Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo rằng bất kỳ cơ sở giáo dục nào cũng cần phải có những hạn chế về dữ liệu và thông tin cá nhân của sinh viên nhằm giảm thiểu rủi ro về quyền riêng tư. 

Theo GS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh, cần đặc biệt quan tâm tới các khía cạnh đạo đức và xã hội của AI như: quyền riêng tư, bảo vệ và sử dụng dữ liệu người học; ngăn chặn phân biệt đối xử dựa trên giới tính, chủng tộc, đặc điểm kinh tế - xã hội và sự khác biệt về trình độ năng lực; ngăn chặn sự lây lan của các định kiến ​​xã hội và văn hóa; bảo đảm tất cả học sinh có quyền truy cập vào cơ hội tiếp cận bình đẳng tất cả các lợi ích mới nổi.

TS. Tôn Quang Cường, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cung cấp bức tranh toàn cảnh về thực trạng phát triển và ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Theo ông, quá trình ứng dụng này sẽ nhanh chóng mở rộng tới toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, hay dạy nghề, đào tạo doanh nghiệp, giáo dục phi chính quy - học tập suốt đời…

TS. Tôn Quang Cường, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ quan điểm về ứng dụng AI trong giáo dục tại Việt Nam.
TS. Tôn Quang Cường, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ quan điểm về ứng dụng AI trong giáo dục tại Việt Nam.

Nâng cao trách nhiệm khi sử dụng AI

Sự phổ biến của ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục và tầm quan trọng của nó đang đặt ra nhu cầu lớn về xác định, đánh giá những chuẩn mực đạo đức để tối đa hóa lợi ích và kiềm chế những rủi ro mà AI có thể gây ra. Vì thế, TS. Tôn Quang Cường khuyến nghị: “Cần nghiên cứu, khảo sát diện rộng, đánh giá phân tích hiện trạng bài bản; lan tỏa các trường hợp thành công; tăng cường áp dụng mô hình PPP; phân tích lợi ích dài hạn về đầu tư AI vào giáo dục; và tích hợp AI trong các chương trình chiến lược và chính sách giáo dục tầm quốc gia”.

Nhận diện xu hướng phát triển và nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc đạo đức cốt lõi khi phát triển AI có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền con người. Quan trọng nhất là trang bị cho con người các giá trị và kỹ năng cần thiết để phát triển bền vững và cộng tác hiệu quả giữa người và máy; thúc đẩy các giá trị nhân văn trong phát triển và ứng dụng AI trong giáo dục, lấy con người làm trung tâm. Khi học sinh ngày càng quen với việc dựa vào công nghệ AI từ khi còn nhỏ, chúng rất có thể đang "đi tắt" trong việc học và không tốt về lâu dài. 

Khoảng cách về kỹ năng AI giữa các học sinh, sinh viên đang ngày càng gia tăng vì vậy một số trường học và tổ chức đang cấm hoàn toàn AI do lo ngại về gian lận, trong khi những trường khác lại ủng hộ công nghệ này.

Ứng dụng AI trong giáo dục là xu thế tất yếu. Vì vậy, cần có quy chế, quy định về đạo đức để thúc đẩy sử dụng AI một cách hiệu quả và tối ưu, hướng tới đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng AI một cách có trách nhiệm đối với cả người dạy và người học./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 11/09/2024