ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 07h22 29/08/2024

Trí tuệ nhân tạo sẽ là cánh tay phải đắc lực cho lĩnh vực y tế

(KDPT) - Hệ thống y tế được trang bị trí tuệ nhân tạo có thể cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân và giảm chi phí y tế. Đây sẽ cuộc "cách mạng hóa" hệ thống ý tế.

Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo nên cuộc cách mạng mới lĩnh vực y tế

Tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2024, theo PGS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Thí nghiệm khoa học dữ liệu và Ứng dụng (Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), y tế, chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực có tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ chẩn đoán sớm bệnh; phát triển các mô hình chẩn đoán hình ảnh có độ chính xác cao dựa trên học sâu; giải mã gen người; cá thể hóa điều trị bệnh đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân; phát triển các công cụ thực tế ảo y tế; phát triển các robot thông minh hỗ trợ bác sỹ trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. 

Nhiều chuyên gia công nghệ trong nước cho rằng, với tỷ lệ gia tăng bệnh ung thư như hiện nay thì phát triển các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ điều trị bệnh này là rất cần thiết. Tình trạng thiếu hụt chuyên gia về lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh hay lĩnh vực ung thư ở bệnh viện các tuyến cũng đặt ra vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo, từ đó đáp ứng nhu cầu chẩn đoán sớm, chính xác và không bỏ sót các tổn thương của người bệnh.

Trí tuệ nhân tạo sẽ là cánh tay phải đắc lực cho lĩnh vực y tế - ảnh 1

Bên cạnh đó, do quy trình chẩn đoán bệnh ung thư rất phức tạp, các dữ liệu hình ảnh như: CT, X-quang chứa nhiều pixel mà mắt người khó phân biệt được cũng là lý do cần sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. “Có một công bố cho biết, 12 bác sĩ khi xem kết quả X- quang của một bệnh nhân thì không nhìn thấy được nốt mờ trên phổi trái. Nhờ có sự gợi ý của trí tuệ nhân tạo thì 12 bác sĩ này xem lại và đều đồng thuận có một nốt mờ bên phổi trái. Bệnh nhân sau đó được chụp CT thì chẩn đoán là ung thư phổi”, PGS.TS Nguyễn Thị Trang, Giảng viên cao cấp bộ môn Y sinh học - Di truyền, Trường đại học Y Hà Nội; Phó Tổng thư ký Hội Di truyền Y học Việt Nam dẫn chứng.

Nhiều giải pháp công nghệ từ trí tuệ nhân tạo

Hiện nay, phần lớn bệnh nhân ung thư phổi nhập viện ở giai đoạn muộn do triệu chứng lâm sàng nghèo nàn, cho nên những người bệnh này cần hướng đến phương pháp cá thể hóa điều trị dựa trên những hỗ trợ, gợi ý của trí tuệ nhân tạo.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ ứng dụng IBM WFO vào điều trị ung thư. (Ảnh: Quang Minh)
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ ứng dụng IBM WFO vào điều trị ung thư. (Ảnh: Quang Minh)

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Tuấn, Cố vấn Tin Sinh học Công ty cổ phần Digosys cho biết, xu hướng và mô hình điều trị trên thế giới hiện nay là liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích, công nghệ sinh học và di truyền, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thí dụ, giải pháp Genomate của Digosys được phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo để chỉ định đúng thuốc đích và miễn dịch mà từng bệnh nhân cần, hiện đang được áp dụng cho khoảng 10.000 bệnh nhân trên thế giới.

Trong xạ trị, trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán được khả năng thành công hay thất bại của phương pháp xạ trị, từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc bệnh nhân có nên sử dụng phương pháp xạ trị hay không. Mặt khác, trí tuệ nhân tạo tính toán liều xạ, góc xạ và thời gian xạ đối với từng người, nhất là tính toán để xạ trị đúng vào những tế bào bị tổn thương.

PGS.TS Nguyễn Thị Trang, Giảng viên cao cấp bộ môn Y sinh học - Di truyền, Trường đại học Y Hà Nội cho biết: Nhóm nghiên cứu của chị đã phát triển thành công phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ điều trị nhắm trúng đích ung thư, xác định đột biến gen và cá thể hóa điều trị. Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị năm loại bệnh ung thư là ung thư phổi, ung thư gan, ung thư tuyến giáp, ung thư vú và ung thư đại trực tràng, từ đó, phát triển hệ thống phần mềm hỗ trợ ra quyết định lâm sàng có chức năng phát hiện đột biến gen và phân loại đáp ứng điều trị đích. Vừa qua, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về mối liên quan giữa các đột biến gen và các thuốc điều trị ung thư, trong đó chỉ ra những đột biến gen nào kháng thuốc, đột biến gen nào đáp ứng thuốc.

Ngoài kết quả ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư, nhóm nghiên cứu đã phát triển được phần mềm tự động đo độ mờ da gáy, giúp sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, đặc biệt hữu ích cho các bác sĩ mới ra trường, bác sĩ ở tuyến dưới tầm soát các bệnh trước sinh, với giá trị chẩn đoán lên đến 98%.

Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến năm 2030, toàn cầu sẽ thiếu khoảng 18 triệu nhân viên y tế. Vì thế việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác khám chữa bệnh, chẩn đoán hình ảnh không chỉ cho kết quả chính xác cùng các phân tích dữ liệu nhanh nhạy mà còn giúp bác sỹ giảm tải được nhiều công đoạn trong công việc.

Việc tích hợp AI trong chẩn đoán hình ảnh giúp máy chạy nhanh hơn, chất lượng hình ảnh tốt hơn… Với bác sỹ, việc ứng dụng phần mềm AI giúp việc chẩn đoán nhanh hơn, kết quả chính xác hơn.

Bằng cách tận dụng AI để phân tích thông tin và hình ảnh từ nhiều nguồn khác nhau như điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp phát xạ positron…, các bác sỹ có được cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng bệnh nhân./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/09/2024