Ngành dầu khí và các tác động của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)
Trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra tương lai mới cho lĩnh vực dầu khí
Cùng với xu thế chung, việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và Internet vạn vật (IoT), cùng với các cảm biến, đã nâng cao hiệu suất của robot trong ngành dầu khí. Sự tiến bộ này mở ra nhiều khả năng mới từ tự động hóa quy trình sản xuất đến giám sát và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa và làm cho ngành dầu khí bền vững hơn.
Trong đó, sử dụng robot giúp xử lý các nhiệm vụ vất vả và phức tạp hơn, mang lại độ tin cậy và hiệu quả cao hơn, đồng thời cải thiện an toàn khi vận hành. Theo GlobalData, ngành công nghiệp robot sẽ tăng trưởng với tốc độ hơn 30% mỗi năm, đạt doanh số 568 tỷ USD vào năm 2030, trong đó doanh số bán robot công nghiệp sẽ đạt 352 tỷ USD.
Việc khám phá tiềm năng của robot là bước đi quan trọng, nền tảng của hành trình số hóa cơ sở hạ tầng dữ liệu, một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các công ty dầu khí trên thế giới nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng và cải thiện an toàn cho nhân viên của mình.
Ngành dầu khí cần sự hỗ trợ của robot công nghệ
Một số loại robot được sử dụng phổ biến trong ngành dầu khí có thể kể đến như:
Robot khám phá dưới nước AUVs (Autonomous Underwater Vehicles) và ROVs (Remotely Operated Vehicles). AUVs tự hoạt động dưới nước mà không cần sự kiểm soát trực tiếp từ con người, thường được sử dụng để thu thập dữ liệu địa chất và địa vật lý ở đáy biển. ROVs được điều khiển từ xa và thường được sử dụng cho việc kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị dưới nước như đường ống dẫn dầu và giàn khoan.
Robot kiểm tra, làm sạch đường ống (Robot checking, cleaning pipes): Các robot này được thiết kế để đi vào bên trong đường ống dẫn dầu và khí đốt để kiểm tra và phát hiện các vấn đề như rò rỉ, ăn mòn và tắc nghẽn.
Robot bảo dưỡng và sửa chữa (Maintenance and repair robots): Robot bảo dưỡng sửa chữa được sử dụng để thực hiện các công việc bảo trì trên các giàn khoan dầu khí và các thiết bị khác, giúp giảm thiểu nguy cơ cho con người và tăng hiệu quả công việc.
Drone và UAV (Unmanned Aerial Vehicles): Các phương tiện bay không người lái được sử dụng để giám sát và kiểm tra cơ sở hạ tầng dầu khí từ trên không, bao gồm cả việc phát hiện rò rỉ và kiểm tra an toàn của các cơ sở trên mặt đất.
Robot Địa chất (Geological robots): Các robot này được sử dụng để lấy mẫu đất và đá, thực hiện các thử nghiệm địa chất và địa vật lý trực tiếp tại các địa điểm khám phá dầu mỏ, giúp xác định vị trí và lượng dầu khí tiềm năng.
Robot Giám sát và An toàn (Safety and Monitoring Robots): Được sử dụng để giám sát điều kiện làm việc và đảm bảo an toàn tại các cơ sở dầu khí, bao gồm việc phát hiện khí độc hại và giám sát điều kiện môi trường.
Robot Điều khiển từ xa cho các công việc nặng nhọc (Remote Control Robot for Heavy Lifting): Để giảm thiểu rủi ro cho con người trong các công việc nặng nhọc hoặc nguy hiểm, robot được điều khiển từ xa có thể được triển khai để thực hiện các nhiệm vụ như khoan, cắt và hàn.
Hệ thống Tự động hóa giàn khoan (Rig Automation System): Các hệ thống tự động hóa cho phép vận hành các giàn khoan dầu khí với ít sự can thiệp của con người, tăng cường an toàn và hiệu quả. Công nghệ này bao gồm cả phần mềm và phần cứng robot, như các cánh tay robot tự động thay đổi mũi khoan.
Công nghệ đàn Robot (Swarm Robot Technology): Công nghệ “đàn Robot” cho phép nhiều robot nhỏ làm việc cùng nhau một cách đồng bộ để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp, như kiểm tra đường ống hoặc giám sát môi trường. Cách tiếp cận này tăng cường khả năng giám sát và phản ứng linh hoạt trước các vấn đề.
Định hướng tương lai, phát triển ngành dầu khí Việt Nam
Với định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển xanh, bền vững, trong bối cảnh nền kinh tế xanh của Việt Nam còn đang trong thời kỳ sơ khai, ngành Dầu khí - cánh chim đầu đàn về công nghiệp năng lượng của đất nước, một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ. Một là, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, để có thể tận thu mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Hai là, phải tiên phong chuyển đổi năng lượng, chung tay góp phần giảm phát thải và xây dựng nền kinh tế xanh.
Để thực hiện song song trọng trách này, ngành Dầu khí vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc thăm dò khai thác dầu khí một cách thông minh và hiệu quả nhất để tận dụng nguồn tài nguyên dầu và khí mà thiên nhiên ban tặng còn nằm dưới lòng biển sâu, đồng thời tận dụng mọi cơ sở hạ tầng, hiểu biết, kinh nghiệm của các chuyên gia và mọi nguồn lực trong, ngoài để tiếp tục khai mở những tiềm năng năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo ngoài khơi…
Lĩnh sứ mệnh là một ngành tiên phong, dẫn dắt, ngành Dầu khí sẽ tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo theo hướng tập trung những dự án lớn, chiến lược, tác động lan tỏa, hiệu quả cao. Giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện khảo sát địa chất, thủy văn, khai mở các nguồn năng lượng mới tại các khu vực tiềm năng gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh.
Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng, phát triển xanh đang diễn ra trên toàn cầu, để cùng đất nước có thể “đi sau về trước” trong công cuộc chuyển dịch năng lượng, xây dựng nền kinh tế xanh, ngành Dầu khí cần tăng cường sức mạnh nội tại và kịp thời có được những điều kiện tốt về chính sách, cũng như sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ban, ngành.
Thời gian tới cùng với việc áp dụng những công nghệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ngành dầu khí cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan để tạo tiền đề, đòn bẩy cho ngành hiện thực hóa các mục tiêu và định hướng của Đảng và Nhà nước, đó là thực hiện thành công chiến lược phát triển và phát triển mở rộng trong chặng đường tiếp theo./.
- Tập đoàn Petrovietnam: Doanh nghiệp “nòng cốt” của ngành dầu khí
- Công nghệ số đã thay đổi ngành dầu khí như thế nào?