ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 06h08 29/09/2023

Làm chủ công nghệ bán dẫn, cơ hội lớn với Việt Nam

(KDPT) - Việt Nam tham gia thị trường bán dẫn và làm chủ các công nghệ liên quan giúp nâng cao vị thế quốc gia lại vừa tạo một chuyển biến lớn trong năng lực lao động, việc làm.
Việt Nam có tiềm năng phát triển trong lĩnh vực bán dẫn Tiềm năng hợp tác ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam - Hoa Kỳ vô cùng lớn

Theo WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Việc làm chủ công nghiệp bán dẫn được nhắc tới nhiều thời gian gần đây, kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong những năm tới.

Dù mới chỉ thành lập đơn vị sản xuất bán dẫn vào đầu năm 2022 nhưng đến nay FPT đã làm chủ được công nghệ và cung cấp cho khách hàng 70 triệu con chip phục vụ phát triển thiết bị thông minh.

Theo các chuyên gia, việc Việt Nam tham gia thị trường bán dẫn và làm chủ các công nghệ liên quan vừa giúp nâng cao vị thế quốc gia lại vừa tạo một chuyển biến lớn trong năng lực lao động cũng như nguồn việc làm. Khi đó không chỉ các doanh nghiệp lớn, các startup cũng sẽ được hưởng lợi.

Hiện cả nước đang có khoảng 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, con số này phải nâng lên thành đội ngũ 50.000 nhân lực vào năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu, mục tiêu phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh toàn cầu, hầu hết các quốc gia có tiềm lực công nghệ đều đã xây dựng chiến lược hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Hà Nội có nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác ngành công nghiệp bán dẫn. (Ảnh minh họa)

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, trong hơn 30 năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp tích cực cho kinh tế Việt Nam và là nguốn vốn quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Trong tiến trình chung đó, Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút, sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhờ môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng của Thủ đô, đồng thời, Hà Nội cũng là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới.

"Hà Nội luôn với tinh thần cầu thị và sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn", ông Quân nhấn mạnh.

Chia sẻ về tiềm năng và cơ hội đầu tư tại TP. Hà Nội, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết, với vị thế trung tâm, hạ tầng đồng bộ, nhân lực tập trung, cơ chế chính sách đặc thù… ; là trung tâm kinh tế và hội tụ nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ bên cạnh những tiềm năng to lớn, đa dạng và vị trí trung tâm Đồng bằng sông Hồng nên có điều kiện tổng hợp cho việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Hệ thống cơ sở đào tạo và hạ tầng đang từng bước cải thiện, hiện đại hóa sẽ hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án có hiệu quả… Tính đến nay, Hà Nội đã quan hệ hợp tác với 116 quốc gia và vùng lãnh thổ, số dự án có hiệu lực là 7.226 dự án, với tổng vốn đăng ký là 62,5 tỷ USD (đứng thứ 2 cả nước).

Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đạt 2,6 tỷ USD. Đặc biệt, Hà Nội hướng đến việc thu hút vốn đầu tư FDI có chọn lọc, chủ yếu tập trung vào: Dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường; sản phẩm, dịch vụ có giá trị thương mại cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu./.

BẢO TRUNG



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024