Trước thời ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT, ngân hàng LPBank kinh doanh ra sao?
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), kết quả kinh doanh cả năm 2023 với sự bứt phá đầy ngoạn mục về lợi nhuận, qua đó kéo lợi nhuận của năm 2023 lên mức cao kỷ lục.
Đây cũng là năm đầu tiên LPBank hoạt động dưới thời Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy), người được bầu vào ghế Chủ tịch từ tháng 12/2022.
Số liệu được công bố cho thấy, tính riêng trong quý IV/2023, LPBank ghi nhận lãi thuần đạt hơn 3.346 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số chỉ 2.772 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ chi phí hoạt động dịch vụ, LPBank ghi nhận lãi hơn 2.926 tỷ đồng, gấp hơn 3,3 lần so với con số lãi chỉ 882,4 tỷ đồng của quý IV năm 2022.
Trong kỳ, thu nhập từ các hoạt động khác tăng mạnh lên hơn 218 tỷ đồng, lãi thuần từ các hoạt động này đạt hơn 135 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 12 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng nhẹ lên 1.595 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý IV đạt 4.896 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với con số 2.173 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
Trong quý IV/2024, LPBank ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 1.543 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với mức 1.306 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, ngân hàng do ông Nguyễn Đức Thụy giữ vị trí Chủ tịch ghi nhận lãi 2.627 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2023, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả trên đã kéo lợi nhuận trước thuế của cả năm 2023 lên 7.040 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022 và hoàn thành 117% kế hoạch năm. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 9.865 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 của LPbank đạt 5.572 tỷ đồng, tăng 23,5% so với con số 4.510 tỷ đồng của cả năm 2022.
Giải trình về kết quả kinh doanh vượt trội trong quý IV và cả năm qua, đại diện ngân hàng cho biết, trong quý cuối cùng của năm 2023, tình hình kinh tế toàn cầu và trong nước có nhiều cải thiện. Hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp bắt đầu phục hồi, tạo ra nhu cầu lớn về vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh. Ngân hàng đã kịp thời giải ngân các khoản vay, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, dẫn đến thu nhập lãi thuần tăng so với cùng kỳ năm trước.
Các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất được cải thiện, kéo theo nhu cầu về vốn ngoại tệ tăng lên. Ngân hàng đã cung cấp các dịch vụ ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, LPBank triển khai các sản phẩm mới, tăng cường dịch vụ thanh toán trong và ngoài nước, làm tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Báo cáo tài chính của LPBank cho thấy, tính đến ngày 31/12/2023, lượng tiền gửi của khách hàng đã vượt 237.391 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng đạt mức ấn tượng 18%, xấp xỉ 272.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm xuống còn 1,26% vào ngày 31/12/2023, thấp hơn so với mức 1,45% của cùng kỳ năm trước, đưa LPBank vào nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong toàn ngành.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của LPBank đạt 382.953 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Cũng trong năm 2023, LPBank cũng đã tăng vốn điều lệ từ 17.291 tỷ đồng lên 25.576 tỷ đồng, tương đương mức tăng 48% so với đầu năm, trở thành một trong số ít ngân hàng tại Việt Nam có vốn điều lệ vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên trong năm đầu tiên ông Nguyễn Đức Thụy giữ vị trí Chủ tịch của LPBank, phần thù lao, lương thưởng và phúc lợi khác của Hội đồng quản trị; Tổng giám đốc và các thành viên quản lý chủ chốt khác lại giảm đáng kể.
Cụ thể, phần chi cho Hội đồng quản trị giảm từ 21,197 tỷ đồng trong năm 2022 xuống còn 8,572 tỷ đồng giảm gần 60%. Phần chi cho Tổng giám đốc và thành viên quản lý chủ chốt khác cũng giảm từ 34,050 tỷ đồng xuống còn 15,699 tỷ đồng (giảm hơn 50%). Chỉ có phần thù lao, lương thưởng của ban kiểm soát tăng từ 2,262 tỷ đồng lên 3,369 tỷ đồng.
Nhìn lại kết quả kinh doanh 5 năm gần nhất của LPBank liên tục có sự bứt phá. Với hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2023, con số này tăng trưởng ngoạn mục khi tăng tới 245% so với lợi nhuận của năm 2019.
Thậm chí, nếu so với thời điểm cách đây 6 năm, lợi nhuận năm 2023 của LPBank còn tăng tới 481% so với kết quả của năm 2018.
Ngày 15/7/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 423/QĐ-TTGSNH2 về việc điều chỉnh nội dung tên Ngân hàng tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) sẽ chính thức mang tên thương mại mới là Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam với tên tiếng Anh là Fortune Vietnam Joint Stock Commercial Bank. Tên viết tắt bằng tiếng Anh vẫn là LPBank và mã chứng khoán niêm yết LPB sẽ không thay đổi. LPBank cam kết rằng, việc đổi tên này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, cũng như quyền lợi của khách hàng, đối tác và cổ đông. Việc thay đổi tên gọi và nhận diện thương hiệu đánh dấu khởi đầu giai đoạn phát triển mới của LPBank với chiến lược kinh doanh mới, hướng tới những giá trị mới cho khách hàng, đối tác và cổ đông. Ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch HĐQT LPBank khẳng định: “Với việc hoàn thành sứ mệnh lịch sử của tên gọi cũ, LPBank quyết định thay đổi tên để phù hợp với giai đoạn phát triển mới, nhằm thay đổi mạnh mẽ, hiệu quả toàn diện, phát triển bền vững và thận trọng. Tên gọi Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam không chỉ đồng nhất giữa tên thương mại, tên viết tắt LPBank và mã chứng khoán LPB, mà còn đáp ứng kỳ vọng của Ban lãnh đạo ngân hàng, cam kết gia tăng tối đa giá trị lợi ích cho cổ đông, đối tác và khách hàng”. |