ISSN-2815-5823
Bảo Linh - Hoàng Trang
Thứ ba, 11h29 20/05/2025

Từ cây dứa đến cuộc sống mới: Hành trình bền vững của nông dân cùng VietED Group

(KDPT) - Mô hình trồng dứa Queen do VietED Group triển khai đã mở ra hướng sinh kế bền vững cho nông dân. Hiện nay, VietED đang từng bước nhân rộng mô hình này tại nhiều địa phương khác, kết hợp giữa tài chính vi mô và phát triển nông nghiệp theo định hướng dài hạn, bài bản và thực chất.

Gieo một cây dứa - Gặt một tương lai

Giữa vùng bán sơn địa Quỳnh Lưu (Nghệ An) - nơi đất đồi khô cằn, nắng nhiều hơn mưa và nước tưới là điều xa xỉ với người trồng trọt, cây dứa vẫn lặng lẽ bám rễ, đâm chồi và lan tỏa sức sống mãnh liệt. Loại cây chịu hạn tốt này đã gắn bó với vùng đất và người dân nơi đây suốt gần nửa thế kỷ, trở thành một phần của ký ức và kế sinh nhai của bao thế hệ nông dân.

Mô hình phát triển sinh kế từ cây dứa - được xem như một bước đột phá trong hỗ trợ hộ nông dân thoát nghèo.
Mô hình phát triển sinh kế từ cây dứa - được xem như một bước đột phá trong hỗ trợ hộ nông dân thoát nghèo.

Trong số những người tiếp nối truyền thống ấy, anh Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc thương hiệu Na Queen là một trong những người tiên phong thổi luồng sinh khí mới vào cây dứa Queen (hay còn gọi là dứa gai). Không chỉ khôi phục giống dứa truyền thống, anh còn chọn con đường làm nông nghiệp sạch, bền vững và có trách nhiệm với môi trường.

“Ngày xưa, ông cha ta trồng được những trái dứa to, thơm và ngọt đậm đà. Nhưng vì chạy theo sản lượng, nhiều người lạm dụng phân bón hóa học khiến đất bạc màu, chai cứng. Đến lúc phải bón ngày càng nhiều mà chất lượng trái lại không bằng xưa,” anh Thắng chia sẻ.

Từ trăn trở ấy, anh bắt đầu hành trình cải tạo đất và thay đổi cách làm nông. Thay vì bón phân vô tội vạ, anh tập trung phục hồi độ mùn, nuôi dưỡng hệ vi sinh trong đất - một cách tiếp cận bền vững và khoa học. Nhờ sự đồng hành của tổ chức VietED Group - nơi chuyên tổ chức các khóa tập huấn cho người có thu nhập thấp và nhóm yếu thế, anh Thắng được tiếp cận kiến thức hiện đại từ các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu và áp dụng bài bản từ năm 2016 đến nay.

Anh Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc thương hiệu Na Queen chia sẻ tại Lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược giữa ABBANK và VietED.
Anh Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc thương hiệu Na Queen chia sẻ tại Lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược giữa ABBANK và VietED.

Na Queen hôm nay không chỉ là tên gọi của một giống dứa đặc sản, mà đã trở thành biểu tượng cho nỗ lực phục hồi giá trị nông sản địa phương, phát triển sản xuất minh bạch và xây dựng cộng đồng nông hộ gắn kết.

Anh Nguyễn Văn Thắng - người sáng lập thương hiệu kỳ vọng mô hình này sẽ trở thành hạt nhân lan tỏa cảm hứng cho những ai đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Anh Thắng chia sẻ: “Hãy bắt đầu từ chính thế mạnh của quê hương mình. Chọn cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường. Làm nông sản sạch, minh bạch nguồn gốc, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm - tôi tin chắc con đường ấy sẽ dẫn tới thành công”.

Từ một vùng trồng nhỏ lẻ, mô hình dứa Na Queen đang dần trở thành chất liệu thực tiễn quý giá trong các chương trình phát triển sinh kế mà VietED Group triển khai. Không dừng lại ở hỗ trợ kỹ thuật, VietED đang từng bước mở rộng mô hình này theo hướng tiếp cận hệ thống và khoa học, đặt trọng tâm vào việc xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững - từ canh tác đến tiêu thụ.

Để hiểu rõ hơn về tầm nhìn và chiến lược phát triển mô hình dứa Queen, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Hoàng Đại Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp nông thôn Việt, VietED Group.

Anh Hoàng Đại Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp nông thôn Việt, VietED Group.
Anh Hoàng Đại Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp nông thôn Việt, VietED Group.

Hạt nhân cho chiến lược sinh kế toàn diện tại nông thôn

PV: Trước tiên, xin cảm ơn anh Hoàng Đại Dương đã dành thời gian chia sẻ cùng độc giả của Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển. Tại sự kiện hợp tác giữa VietED Group và ABBANK, một trong những nội dung gây ấn tượng mạnh là mô hình phát triển sinh kế từ cây dứa - được xem như một bước đột phá trong hỗ trợ hộ nông dân thoát nghèo. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về xuất phát điểm và sự thành công của mô hình này?  Lý do chọn cây dứa làm trọng tâm trong mô hình sinh kế là điều khiến nhiều người tò mò, vì sao VietED Group và các đối tác lại đặt niềm tin vào loại cây trồng này như một “đòn bẩy” phát triển kinh tế cho nông hộ?

Anh Hoàng Dương: VietED xác định rằng muốn hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả, cần có cách tiếp cận toàn diện theo mô hình “ba chân kiềng”: Kết nối kiến thức, kết nối tài chính, và kết nối thị trường. Với triết lý đó, chúng tôi không áp đặt một mô hình chung cho mọi nơi, mà tiến hành khảo sát thực tế tại từng địa phương để xác định sinh kế có tiềm năng phát triển.

Tại vùng gò đồi của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - cụ thể là các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu - cây dứa (giống Queen) nổi lên như một thế mạnh rõ rệt về thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác. Đây là cây trồng phù hợp với hộ nông dân quy mô nhỏ, có khả năng phát triển theo chuỗi giá trị, và quan trọng nhất là có tiềm năng thị trường và đầu ra ổn định. Vì vậy, VietED lựa chọn cây dứa không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà là "đòn bẩy" giúp nông dân làm chủ sinh kế, thoát nghèo một cách bền vững.

PV: Về khía cạnh tài chính, VietED Group đã thiết kế gói hỗ trợ vốn ra sao để phù hợp với điều kiện của hộ nông dân trong mô hình này? Cách tiếp cận đó có điểm gì khác biệt so với các hình thức cho vay nông nghiệp truyền thống?

Anh Hoàng Dương: VietED nghiên cứu kỹ cây dứa, đặc biệt là quy trình thâm canh cây dứa và phát triển tiếp cận tài chính theo mô hình “gắn liền với chuỗi giá trị”. Với cây dứa có chu kỳ canh tác khoảng 18 tháng, VietED chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là Trồng mới (đầu tư giống, cải tạo đất và bón lót); Giai đoạn 2 là Bón thúc từ tháng 4 đến tháng 8, Giai đoạn 3: Chăm sóc và xử lý ra hoa từ tháng 14. Đến tháng 18 là thu hoạch.

Nguồn tài chính sẽ được đầu tư chủ yếu cho các giai đoạn này và cần nguồn đầu tư lớn nhất.Trên cơ sở đó, chúng tôi thiết kế các gói vốn linh hoạt (từ 8 đến 18 tháng) phù hợp với từng giai đoạn phát triển và khả năng trả nợ của hộ vay. Đặc biệt, VietED sử dụng phương pháp tín chấp, không yêu cầu tài sản thế chấp - điều mà các ngân hàng truyền thống khó đáp ứng. Đây là yếu tố then chốt giúp người nông dân nghèo có thể mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng bài bản.

PV: Sau thời gian triển khai thực tế, anh đánh giá thế nào về hiệu quả của mô hình trồng dứa trong việc cải thiện thu nhập, tạo việc làm và giảm nghèo cho người dân? Anh có thể chia sẻ một vài trường hợp cụ thể hoặc con số nổi bật để minh hoạ?

Anh Hoàng Dương: Hiệu quả rõ rệt nhất chính là mức thu nhập ổn định và khả năng thoát nghèo. Trung bình mỗi hộ có thể canh tác từ 1 đến 2 ha dứa và thu hoạch 35.000 kg dứa với giá trung bình 8.000 đồng/kg. Với chi phí đầu tư khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha, người dân có thể thu về khoảng 280 triệu đồng/18 tháng, tương đương 10-12 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí. Đây là con số khả thi cho việc giảm nghèo của mỗi gia đình và đảm bảo cho con cái học hành.

So với các cây trồng truyền thống như sắn, ngô, lúa... thì dứa là mô hình mang lại giá trị kinh tế cao hơn, ít rủi ro hơn và đầu ra ổn định hơn nhờ kết nối thị trường. Công ty TNHH Na Queen do gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, từng là hộ nghèo trông thôn sáng lập - hiện đã trở thành đầu mối thu mua, sơ chế và cung ứng dứa đạt chuẩn GlobalG.A.P cho thị trường siêu thị. Đây là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của mô hình phát triển sinh kế từ tài chính vi mô.

Không để nông dân đứng một mình

PV: Bên cạnh việc cung cấp vốn, VietED Group có cung cấp thêm những hỗ trợ nào khác về kỹ thuật, bảo quản hay đầu ra sản phẩm? Trong đó, vai trò của ngân hàng – như ABBANK – được thể hiện thế nào trong chuỗi giá trị hỗ trợ toàn diện này?

Anh Hoàng Dương: Không chỉ đơn thuần là đơn vị cung cấp tài chính vi mô, Bên cạnh hỗ trợ tài chính, VietED còn tổ chức các khóa đào tạo kỹ thuật, chuyển giao quy trình canh tác thông minh, tư vấn chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Đồng thời, chúng tôi đóng vai trò kết nối thị trường - giúp sản phẩm dứa của người dân vào được các kênh bán lẻ hiện đại, tạo ra đầu ra ổn định qua các chuỗi siêu thị và đơn vị chế biến.

Ngoài ra, VietED còn triển khai các chương trình giáo dục tài chính, đào tạo kỹ năng kinh doanh, quản lý chi tiêu hộ gia đình và nâng cao vai trò phụ nữ trong sinh kế. Điều này giúp người dân không chỉ "làm nông giỏi hơn", mà còn quản lý dòng tiền hiệu quả, tự tin mở rộng sản xuất và thoát nghèo bền vững.

VietED Group đồng hành cùng nông dân trên hành trình sinh kế xanh.
VietED Group đồng hành cùng nông dân trên hành trình sinh kế xanh.

ABBANK, trong vai trò đối tác chiến lược không chỉ cung cấp nguồn vốn mở rộng cho mô hình, mà còn đồng hành cùng VietED thiết kế các sản phẩm tài chính phù hợp với chuỗi giá trị và đặc điểm thu nhập theo mùa vụ của người dân. Đặc biệt, hai bên đã thống nhất thành lập Nhóm Công tác “Cộng hưởng Xanh” (Green Synergy Group - GSG). GSG sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp với từng giai đoạn sinh kế của người dân; thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững gắn với ứng dụng công nghệ; đồng thời tích hợp việc đánh giá tác động theo bộ tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị). Với sự đồng hành dài hạn từ ABBANK và vai trò điều phối của VietED, GSG được kỳ vọng sẽ nâng tầm các mô hình tài chính vi mô cả về quy mô lẫn tính hệ thống, từ đó tạo ra tác động thực chất và lâu dài cho cộng đồng yếu thế tại khu vực nông thôn.

PV: Triển khai mô hình sinh kế bền vững tại khu vực nông thôn chắc hẳn không tránh khỏi những thách thức. Theo anh, đâu là rào cản lớn nhất, và VietED Group đã có những giải pháp gì để tháo gỡ một cách hiệu quả và thực tế?

Anh Hoàng Dương: Một trong những rào cản lớn nhất khi triển khai mô hình sinh kế tại khu vực nông thôn là nhận thức và thói quen sản xuất cũ của người dân. Nhiều hộ gia đình vẫn quen làm nông theo kinh nghiệm, chưa có tư duy sản xuất hàng hóa hay tiếp cận thị trường dài hạn. Để tháo gỡ vấn đề này, VietED tập trung vào nâng cao năng lực cộng đồng thông qua các chương trình tập huấn, cố vấn thực địa, tổ chức mô hình điểm thành công để lan tỏa. Chúng tôi tin rằng khi người dân tận mắt chứng kiến hiệu quả, họ sẽ dần thay đổi cách nghĩ, cách làm và chính sự thay đổi đó là nền tảng của phát triển bền vững.

Không dừng lại ở hỗ trợ, VietED giúp định hình sinh kế nông thôn.
Không dừng lại ở hỗ trợ, VietED giúp định hình sinh kế nông thôn.

Một thách thức khác là nguồn lực tài chính để đầu tư mở rộng mô hình. Khi các mô hình sinh kế đã chứng minh hiệu quả, nhu cầu vay vốn của người dân tăng rất nhanh, đòi hỏi một hệ sinh thái tài chính linh hoạt và bền vững. VietED đang chủ động tìm kiếm và kết nối với các tổ chức đồng hành - đặc biệt là những đối tác có tiềm lực tài chính và cùng chia sẻ giá trị phát triển cộng đồng. Việc hợp tác chiến lược với ABBANK là một trong những bước đi quan trọng giúp VietED từng bước giải quyết bài toán quy mô hóa mô hình sinh kế, đồng thời duy trì được tính toàn diện và nhân văn trong cách tiếp cận.

PV: Trong thời gian tới, VietED Group có kế hoạch nhân rộng mô hình trồng dứa sang các địa phương hoặc cây trồng khác không? Nếu có, những khu vực nào đang nằm trong lộ trình ưu tiên của tổ chức?

Anh Hoàng Dương: Có. VietED đang nghiên cứu nhân rộng mô hình này sang các khu vực có điều kiện thổ nhưỡng tương tự như Lào Cai, Thanh Hóa, Ba Vì (Hà Nội). Chúng tôi không áp dụng rập khuôn, mà điều chỉnh theo điều kiện tự nhiên và nhu cầu thực tế của địa phương, đồng thời tiếp tục sử dụng phương pháp “ba chân kiềng” để bảo đảm sự phát triển bền vững.

VietED đồng hành cùng nông dân Việt bằng mô hình sát thực tiễn.
VietED đồng hành cùng nông dân Việt bằng mô hình sát thực tiễn.

PV: Từ thực tiễn triển khai mô hình, anh có chia sẻ hoặc khuyến nghị nào dành cho các tổ chức tài chính, doanh nghiệp hoặc chính quyền địa phương đang quan tâm đến việc phát triển sinh kế bền vững tại nông thôn?

Anh Hoàng Dương: Một trong những vấn đề lớn là khoảng trống đầu tư vào khu vực nông thôn. Trong khi hầu hết doanh nghiệp và dòng vốn tập trung vào đô thị, khu công nghiệp… thì nông nghiệp - nông thôn lại là mảnh đất màu mỡ còn bị bỏ ngỏ.

Chúng tôi kêu gọi các ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức tài chính và chính quyền địa phương nhìn nhận lại tiềm năng này. Nếu hỗ trợ đúng cách, những doanh nghiệp nhỏ do nông dân làm chủ - những “giám đốc chân đất” hoàn toàn có thể trở thành nền tảng kinh tế nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện và công bằng hơn cho xã hội.

PV: Một lần nữa xin cảm ơn anh Hoàng Dương vì những chia sẻ rất sâu sắc và thực tiễn. Kính chúc anh cùng VietED Group tiếp tục lan toả những giải pháp thiết thực vì sự phát triển bền vững của người nông dân Việt Nam.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/06/2025