ISSN-2815-5823

Tài chính vi mô là "đòn bẩy" thay đổi và cơ hội mới cho người nghèo

(KDPT) - Tài chính vi mô là đòn bẩy quan trọng giúp người nghèo thay đổi cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững. Không chỉ giúp thoát nghèo mà còn mở ra những cơ hội mới, tạo cơ sở để kinh tế phát triển vững mạnh.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ", PGS.TS Lê Văn Luyện - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, Thành viên Hội đồng HVNH nhiệm kỳ 2020-2025 đã chỉ ra rằng, trên thực tế, có đến 80% những người trở thành tỷ phú, triệu phú không xuất phát từ gia đình giàu có mà chính họ đã tự tạo dựng cơ ngơi của riêng mình từ hai bàn tay trắng.

PGS.TS Lê Văn Luyện phát biểu tại tọa đàm.
PGS.TS Lê Văn Luyện phát biểu tại tọa đàm.

Từ đó, PGS.TS Lê Văn Luyện nhấn mạnh, để thay đổi số phận, mỗi người phải biết đặt ra mục tiêu rõ ràng cho cuộc sống. Từ mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, đến dài hạn, tất cả đều cần được theo đuổi một cách kiên trì và có kế hoạch rõ ràng. 

Việc tận dụng cơ hội và sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính, đặc biệt là các tổ chức tài chính vi mô, sẽ giúp những người yếu thế có cơ hội vươn lên, thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững cho bản thân và gia đình. Theo ông Luyện, thành công không chỉ phụ thuộc vào gia đình mà còn vào mục tiêu, sự kiên trì và khả năng tận dụng cơ hội. 

Tài chính vi mô không chỉ là tiền, mà còn là cầu nối, là chìa khóa mở ra cánh cửa cơ hội, giúp những người xuất phát điểm khiêm tốn tự tin bước vào cuộc đua thành công.

Lấy dẫn chứng về điều này, PGS.TS Lê Văn Luyện đưa ra câu chuyện ngụ ngôn “Ngày xưa có một con bò” của Camilo Cruz và phân tích, mỗi người trong chúng ta đều có nhiều "con bò" cản trở sự phát triển.

 Những "con bò" đó là sự an phận, sự sợ hãi thay đổi, hay thậm chí là tâm lý “bình an vô sự” khi thấy mọi người xung quanh vẫn sống như vậy. Chính vì thế, nhiều người không dám vượt ra ngoài "vòng an toàn" của mình để tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức tài chính vi mô, không biết tận dụng đòn bẩy tài chính, trí tuệ và thời gian của những người khác để phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Các tổ chức tài chính vi mô không cung cấp “con cá” ngay lập tức cho người nghèo, mà thay vào đó, họ hỗ trợ những người này có "cái cần câu", giúp họ tự kiếm sống, phát triển kinh tế bền vững. Các tổ chức này giúp người nghèo không chỉ bằng tiền mà còn giúp họ phát triển kinh tế thông qua việc hỗ trợ kỹ năng, tạo mối quan hệ với doanh nghiệp, đưa sản phẩm ra thị trường, thậm chí xuất khẩu. 

Tài chính vi mô là

Tổ chức tài chính vi mô là những đòn bẩy quan trọng giúp người nghèo vượt qua khó khăn tài chính và mở ra cơ hội phát triển lâu dài. Những người biết khai thác và sử dụng hiệu quả các cơ hội này - từ việc vay vốn nhỏ cho đến được hỗ trợ về kỹ năng và kiến ​​thức, sẽ có khả năng thay đổi vận mệnh của mình, nâng cao chất lượng cuộc sống và đạt được thành công trong quá trình thoát nghèo”, ông Luyện khẳng định.

Một trong những mô hình điển hình trong việc hỗ trợ người nghèo là VietED, nơi giúp khách hàng của mình tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm sạch, tạo cơ hội cho họ gia tăng thu nhập và giảm nghèo. Chương trình này không chỉ giúp người nghèo thay đổi cuộc sống mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Ở Việt Nam, các tổ chức tài chính vi mô như Quỹ TYM (Tổ chức Tài chính vi mô Phụ nữ Việt Nam) đã giúp phụ nữ nghèo tiếp cận vốn để phát triển kinh tế. Từ những tài khoản vay nhỏ, họ có thể đầu tư vào các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, buôn bán và các nghề thủ công công, từ đó cải thiện thu nhập và tạo công ăn việc làm cho gia đình. 

Ví dụ, một phụ nữ nghèo ở một vùng nông thôn có thể vay một khoản tiền nhỏ từ TYM để mua giống cây trồng hoặc vật nuôi, từ đó tăng trưởng sản lượng và thu nhập. Quỹ hỗ trợ TYM không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn cung cấp các khóa đào tạo về kỹ năng quản lý tài chính, làm kinh tế hiệu quả và các kỹ năng sống, giúp người nghèo phát

Dẫn chứng thêm về tài chính vi mô, PGS.TS Lê Văn Luyện cho biết, có nhiều cuốn sách nổi tiếng như “Dạy con cách làm giàu” của Robert T. Kiyosaki hay “Chuyện ngụ ngôn về người xây đường ống” của Burke Hedges đã chỉ ra rằng, sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo nằm ở cách suy nghĩ và cách họ sử dụng đồng tiền. 

Người nghèo thường tiêu tiền vào tiêu sản, họ kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, chạy đua theo cuộc sống vật chất mà không nghĩ đến việc tạo ra tài sản lâu dài. Ngược lại, người giàu biết cách sử dụng đồng tiền để tạo ra dòng thu nhập thụ động, giống như một "đường ống dẫn nước" luôn mang lại lợi nhuận.

Qua đó, ông Luyện chia sẻ thêm về giáo dục tài chính vi mô, ông cho rằng, để làm giàu, không chỉ cần kiếm tiền mà còn phải biết cách đầu tư, tạo ra tài sản bền vững cho tương lai. Những chương trình tài chính vi mô giúp người nghèo học cách tạo ra các tài sản này và từ đó thay đổi cuộc sống của họ, đồng thời truyền dạy cho thế hệ sau những bài học kinh tế quý giá.

Đặc biệt, tại Việt Nam và nhiều nước đang phát triển, phụ nữ vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Họ phải đảm nhận nhiều vai trò trong gia đình, vừa làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, vừa làm kinh tế, nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình. 

Trong hoàn cảnh nghèo khó, phụ nữ thường phải hy sinh bản thân, nhường bữa ăn, chịu khó làm lụng để mang lại sự no đủ cho gia đình. Họ cũng ít có cơ hội học hỏi và phát triển bản thân. Chính vì thế, các chương trình tài chính vi mô, đặc biệt là những dự án hỗ trợ phụ nữ do Quỹ TYM (thuộc Hội Phụ Nữ) thực hiện, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp phụ nữ học hỏi, phát triển kỹ năng làm kinh tế, cải thiện cuộc sống và nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều công việc thủ công đã được thay thế bằng máy móc và công nghệ. Dẫn đến tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng, nhất là đối với những người không kịp thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các vùng sâu, vùng xa, nơi người dân không có điều kiện tiếp cận giáo dục hiện đại và thiếu cơ hội tìm kiếm việc làm.

Tài chính vi mô sẽ là công cụ giúp người dân tại những khu vực này học cách làm kinh tế, khai thác tiềm năng từ tài nguyên sẵn có của địa phương, từ đó cải thiện đời sống, giảm thiểu di cư tự phát và bảo vệ môi trường. Điều này đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

PGS.TS Lê Văn Luyện nhấn mạnh tầm quan trọng của tài chính vi mô trong việc giúp người dân phát triển, đặc biệt là những hộ gia đình yếu thế, phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, ông cũng đưa ra giải pháp để thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững, ngoài việc cung cấp vốn, còn cần chú trọng đến việc giáo dục người dân về phương thức và kỹ năng làm kinh tế. 

Họ cần học cách khai thác tiềm năng tại địa phương, sử dụng các đòn bẩy tài chính, trí tuệ, và thời gian để phát triển kinh tế, đồng thời biết cách xây dựng những mối quan hệ giúp họ đưa sản phẩm ra thị trường. 

Tài chính vi mô là công cụ quan trọng giúp người dân có thể thay đổi cuộc sống, thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Tuy nhiên, để các hoạt động tài chính vi mô thực sự phát huy hiệu quả, cần có một hành lang pháp lý vững chắc, sự quan tâm từ Đảng và Chính phủ, cùng sự phối hợp của các bộ, ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính vi mô phát triển mạnh mẽ, giúp nhiều gia đình và cộng đồng yếu thế vươn lên trong xã hội.

Khi các quy định pháp lý được bổ sung và hoàn thiện, các tổ chức tài chính vi mô sẽ có điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn tài trợ trong và ngoài nước, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/12/2024