ISSN-2815-5823

Tài chính vi mô: Hướng giải quyết khó khăn để phát triển bền vững

(KDPT) - Để khắc phục những vướng mắc và tồn đọng trong hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng một hành lang pháp lý thống nhất cho tất cả các tổ chức, cùng với chính sách ưu đãi từ Chính phủ để khuyến khích mở rộng quy mô.

Thành tựu và thách thức

Tại tọa đàm "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ" ngày 29/11 do Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển cùng Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) phối hợp tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra những thách thức trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam như: Hạn chế về vốn, tài sản, mạng lưới, và thiếu đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, một bộ phận khách hàng chưa sở hữu smartphone, ảnh hưởng đến quá trình triển khai.

Đại diện các tổ chức tài chính vi mô cho chia sẻ, mặc dù tài chính vi mô (TCVM) đã phát triển từ những năm 1990 và được công nhận trong hệ thống tài chính chính thức, nhưng vẫn còn khó khăn trong việc triển khai, đặc biệt là sau khi Thông tư 33/2024/TT-NHNN có hiệu lực.

Tài chính vi mô: Hướng giải quyết khó khăn để phát triển bền vững - ảnh 1

Một số quy định trong Thông tư 33 còn nhiểu bất cập khi triển khai thực hiện như quy định về mức thu nhập, địa bàn. Cụ thể: khi yêu cầu khách hàng vay vốn phải có thu nhập thấp (dưới 7 triệu ở nông thôn, dưới 9 triệu ở thành thị), dẫn đến khó khăn cho những công nhân có thu nhập cao hơn ngưỡng nhưng vẫn gặp khó khăn về chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, các quy định về đối tượng khách hàng cũng hạn chế nhiều người lao động, đặc biệt là công chức, viên chức, và lực lượng vũ trang.

Bên cạnh đó, việc xác định khu vực "đô thị" và "nông thôn", gây khó khăn trong việc phân loại khách hàng và tiếp cận vốn. Những khó khăn này đã khiến người nghèo phải tìm đến tín dụng đen với lãi suất cao.

Đặc biệt, đại diện các tổ chức tài chính vi mô đều kêu gọi các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh Thông tư 33, đơn giản hóa thủ tục vay vốn và tạo cơ chế hỗ trợ từ các tổ chức chính trị - xã hội để người lao động có thể tiếp cận nguồn tài chính hợp pháp, giảm thiểu rủi ro tín dụng đen.

Cũng tại toạ đàm, nói về thành tựu và thách thức đối với các Quỹ và Dự án TCVM, bà Triệu Thị Lý - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn cho hay, Bắc Kạn đã hỗ trợ nhiều hội viên nghèo thoát nghèo, với tổng dư nợ 86 tỷ đồng, giúp gần 7.000 thành viên. Tuy nhiên, việc giảm quy mô tín dụng xuống còn 49,9 tỷ đồng do không chuyển đổi thành tổ chức tài chính vi mô được là một khó khăn lớn. Bà Lý đề xuất cần có quy định rõ ràng về "thu nhập thấp" trong TCVM và mong Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh Nghị định 20 để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức TCVM.

Bà Triệu Thị Lý - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn phát biểu
Bà Triệu Thị Lý - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn phát biểu

Theo bà Đỗ Thị Bích Thủy - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình, Quảng Bình đã thu hút 20.000 thành viên với dư nợ 310 tỷ đồng. Bà Thủy cho rằng, cần sửa đổi Quyết định số 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện cho người nghèo và cận nghèo vay vốn. Cũng cần phát triển cân bằng giữa tín dụng và tiết kiệm, đồng thời chú trọng giáo dục tài chính cho người dân để quản lý chi tiêu hiệu quả hơn.

Bà Đoàn Thị Lê An - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Cao Bằng chia sẻ, Quỹ Cao Bằng đã phát triển ổn định với 40 tỷ đồng vốn, phục vụ 2.752 thành viên và không có nợ quá hạn. Tuy nhiên, lãi suất thấp và mức vay cao từ các tổ chức tín dụng khác đang gây khó khăn cho quỹ trong việc cạnh tranh. Theo bà An, cần điều chỉnh các quy định về vay và lãi suất để quỹ có thể phát triển hiệu quả hơn.

Còn ông Hồ Minh Trung - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai phân tích, TCVM ở Gia Lai gặp khó khăn lớn vì thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, gây khó khăn trong giám sát và triển khai. Các quỹ nhỏ không có quy trình hoạt động thống nhất và công tác thanh tra gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc giáo dục tài chính tại các vùng khó khăn, đặc biệt là Tây Nguyên, rất cần thiết để giúp người dân cải thiện quản lý chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả, từ đó phát triển TCVM bền vững hơn.

Mặc dù đã có sự phát triển đáng kể, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời trong chính sách và quy định, TCVM sẽ khó phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay.

Trong phần thảo luận của toạ đàm, luật sư Vũ Quốc Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ VietED phát biểu: TCVM đang gặp khó khăn lớn do thiếu hành lang pháp lý chung, dẫn đến sự phân tán và thiếu nhất quán trong quản lý. Các tổ chức TCVM phải chịu áp lực khi các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động giống như các tổ chức tín dụng, trong khi họ còn thiếu nguồn lực.

Ông Vũ Quốc Bình - Luật sư - Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ VietED - Chương trình tài chính vi mô VietED
Ông Vũ Quốc Bình - Luật sư - Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ VietED - Chương trình tài chính vi mô VietED

Bổ sung thêm ý kiến của luật sư Bình, bà Trần Thúy Linh - Giám đốc Chương trình TCVM VisionFund Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam, có 4 nhóm đối tượng tiếp cận TCVM: Người nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Mặc dù người nghèo và cận nghèo đã được hỗ trợ qua các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng 2 nhóm còn lại, gồm người có thu nhập thấp và trung bình, lại gặp khó khăn khi không có tài sản đảm bảo. Điều này khiến họ không thể tiếp cận được các khoản vay từ các tổ chức tín dụng chính thức, mặc dù họ có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế.

GS.TS Đào Văn Hùng - Nguyên Viện trưởng Viện Chiếc lược và chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: "Trong bối cảnh hiện tại, TCVM đã có những bước phát triển đáng kể nhưng vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, nếu tiếp tục áp dụng các quy định như Thông tư 20, Thông tư 38, hoạt động TCVM sẽ khó phát triển mạnh mẽ hơn”.

Giải pháp bền vững

Bàn về những giải pháp cho những thách thức nêu trên, luật sư Vũ Quốc Bình nhấn mạnh, để phát triển bền vững, cần xây dựng một hành lang pháp lý thống nhất cho tất cả các tổ chức có hoạt động TCVM, cùng với chính sách ưu đãi từ Chính phủ để khuyến khích mở rộng quy mô. Thủ tục cấp phép cũng cần đơn giản hóa, giúp các tổ chức TCVM độc lập hoạt động hiệu quả. Hơn nữa, việc thiết lập Quỹ TCVM hoặc yêu cầu ngân hàng phân bổ tín dụng ưu đãi sẽ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.

Bà Trần Thuý Linh đề xuất thay đổi cơ chế quyền sở hữu của các tổ chức TCVM, để mở rộng cơ hội huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các quy định pháp lý hiện tại, như yêu cầu có tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu, đang hạn chế sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và các nhà đầu tư quốc tế. Bà cũng kiến nghị điều chỉnh các quy định liên quan đến việc huy động vốn và đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và cải thiện chất lượng dịch vụ TCVM.

Việc điều chỉnh các quy định này, theo bà Linh, sẽ giúp ngành TCVM phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng nhu cầu lớn từ các đối tượng yếu thế và góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế xã hội.

“Để thúc đẩy sự phát triển của TCVM, tôi đề xuất tăng cường hoạt động của các cơ quan điều phối chung, tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các tổ chức TCVM. Cần xây dựng chính sách linh hoạt để tạo điều kiện cho người nghèo dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính. Tôi cũng đề nghị thành lập một hiệp hội điều phối các hoạt động của TCVM, đồng thời tăng cường sự tham gia của các nhà tài trợ có tầm ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực TCVM để nâng cao hiệu quả và khả năng tiếp cận dịch vụ, tạo điều kiện cho người nghèo cải thiện cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển xã hội", GS.TS Đào Văn Hùng nêu ý kiến.

GS.TS Đào Văn Hùng - Nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
GS.TS Đào Văn Hùng - Nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cũng theo GS.TS Đào Văn Hùng, việc điều chỉnh chính sách cần phải linh hoạt và kịp thời để đáp ứng nhu cầu thực tế. Cần thành lập một hiệp hội để điều phối các hoạt động của TCVM, tạo ra sự đồng bộ và hiệu quả trong việc triển khai các chính sách.

PGS.TS Lê Văn Luyện - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, Thành viên Hội đồng HVNH nhiệm kỳ 2020-2025 cho rằng, để các tổ chức TCVM có thể phát huy tác dụng tối đa, cần có một hành lang pháp lý hoàn thiện và đáng tin cậy. Sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước. Khi các quy định pháp lý được bổ sung và hoàn thiện, các tổ chức TCVM sẽ có điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn tài trợ trong và ngoài nước, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.

PGS. TS Lê Văn Luyện - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; Thành viên Hội đồng Học viện Ngân hàng nhiệm kỳ 2020-2025
PGS. TS Lê Văn Luyện - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; Thành viên Hội đồng Học viện Ngân hàng nhiệm kỳ 2020-2025

PGS.TS Lê Văn cho biết thêm, để giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững, ngoài vấn đề vốn, người dân cần được trang bị kiến thức và kỹ năng làm kinh tế, biết cách sử dụng đòn bẩy tài chính, trí tuệ và thời gian để khai thác tiềm năng địa phương.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Minh Tú đề xuất các cơ quan quản lý cần có cơ chế, chính sách khuyến khích sự phát triển về số lượng các tổ chức TCVM.

TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngoài ra, cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích sự phát triển, tăng cường năng lực, mở rộng hoạt động của các tổ chức, chương trình, dự án. Cụ thể, cần bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tổ chức, chương trình, dự án TCVM. Qua đó, nhằm tăng cường thêm nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn vay với lãi suất thấp (ưu đãi tín dụng, bảo lãnh tín dụng); khuyến khích các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp Fintech, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán… tham gia đầu tư, hợp tác với các tổ chức, chương trình, dự án TCVM để tạo dựng thị trường bán buôn vốn TCVM, đi kèm với đẩy mạnh hoạt động đại lý thanh toán.

Đối với tổ chức, chương trình, dự án, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ (bằng cách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về quản trị, công nghệ, phát triển sản phẩm, kỹ năng mềm…) cũng như nâng cao hiểu biết, kỹ năng về tài chính, công nghệ cho đối tượng khách hàng bằng các chương trình giáo dục tài chính qua nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, thành lập một tổ chức dưới dạng hiệp hội TCVM để tập hợp tiếng nói, hỗ trợ, chia sẻ giữa các đơn vị. Các chương trình, dự án, tổ chức TCVM cũng cần chủ động nâng cao về năng lực tài chính (chủ động mở rộng nguồn vốn, tăng cường hợp tác với các tổ chức tín dụng, minh bạch thông tin về điều hành, quản trị để thu hút giới đầu tư).

Việc áp dụng công nghệ cũng là một trong nhiều giải pháp được TS. Phạm Minh Tú đưa ra. Theo đó, các tổ chức, chương trình, dự án cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quá trình hoạt động cũng như đẩy mạnh hợp các với các công ty công nghệ, công ty Fintech để cùng đưa ra các giải pháp số nhằm cắt giảm chi phí, hướng đến tự động hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 12/12/2024