ISSN-2815-5823
Lan Hương
Thứ bảy, 15h11 10/08/2024

Từng bước hiện thực hóa mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030

(KDPT) - Thời gian qua, nhiều khoá đào tạo về thiết kế vi mạch bán dẫn được tổ chức, với kết quả là các học viên sau khi tốt nghiệp đã có thể tham gia ngay vào thị trường lao động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trước đó, Đề án phát triển nhân lực ngành bán dẫn cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ.

Theo Tổ chức Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu, 1 triệu lao động sẽ là nhu cầu của cả thế giới trong lĩnh vực này cho đến năm 2030. Các quốc gia đi đầu đều đang đứng trước bài toán nhân sự. Ví dụ Mỹ sẽ thiếu từ 70.000-90.000 nhân lực. Còn Nhật Bản cũng thiếu khoảng 1.000 kỹ sư mỗi năm. Có thể thấy, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành "nhà cung cấp" nhân lực chất lượng cao cho chuỗi giá trị ngành bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành
Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành "nhà cung cấp" nhân lực chất lượng cao cho chuỗi giá trị ngành bán dẫn toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, nhiều khoá đào tạo về thiết kế vi mạch bán dẫn đã được tổ chức, với kết quả là các học viên sau khi tốt nghiệp đã có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. Chiều 9/8, một chương trình đào tạo như vậy đã bế giảng, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Cùng với đó, Toạ đàm "Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn" cũng đã diễn ra.

Đề án phát triển nhân lực bán dẫn đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Chính phủ, mục tiêu là sẽ đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030. Để hiện thực hoá được con số này, nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước là hết sức quan trọng.

Ông Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: "Tôi cho rằng đề án nên sớm được phê duyệt vì đây là lĩnh vực yêu cầu về hệ thống trang thiết bị, đầu tư phần mềm… cần nguồn đầu tư lớn. Sự đầu tư của Nhà nước mang tính chất quyết định".

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: "Đề án hết sức có ý nghĩa và là tầm nhìn chiến lược của đất nước. Nếu chúng ta làm được, con số không dừng lại 50.000. Chúng ta tập trung làm tốt hơn, con số này chắc chắn sẽ cao hơn nữa".

Bộ trưởng nhận định, việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. 

"Đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Sự hợp tác giữa Chính phủ - Viện, Trường - Doanh nghiệp mà chúng ta chứng kiến chính là đòn bẩy cho sự phát triển và đổi mới chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việt Nam hiện chỉ có khoảng là 5.000 kỹ sư vi mạch. Để thu hút thêm nhiều tập đoàn công nghệ lớn đến đầu tư thì việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024