Tỷ giá hôm nay 13/8: Yếu tố nào sẽ tác động đến giá USD?
Hiện đồng bạc xanh đang ở mức tỷ giá 147,17 USD/JPY sau khi chạm mức tỷ giá cao nhất trong một tuần với 148,23 USD/JPY. Trên thị trường ngoại hối, đã xuất hiện một số hoạt động chốt lời.
Đồng Euro đứng ở mức tỷ giá 1,0931 EUR/USD sau khi tăng mạnh qua đêm và gần với ngưỡng kháng cự 1,0944 - 1,0963 EUR/USD. Trong khi đó, chỉ số USD Index không đổi ở mức 103,08.
Số liệu về kinh tế Mỹ được công bố trong nhiều giờ tới có thể tác động đến thị trường ngoại hối vì có liên hệ mật thiết đến chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) - thước đo lạm phát Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thường xuyên sử dụng.
Phiên vừa qua, đồng Yên ghi nhận giảm so với đồng USD do giao dịch trên thị trường tiền tệ trầm lắng hơn. Nguyên nhân bởi các nhà đầu tư đang cân nhắc khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất sâu vào tháng tới trước hàng loạt dữ liệu kinh tế Mỹ sau những động thái biến động vào tuần trước. Tình cảnh này bắt đầu từ đợt bán tháo lớn trên thị trường ngoại hối và chứng khoán do lo ngại rủi ro từ nền kinh tế Mỹ và thái độ cứng rắn từ phía Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
“Tất cả những gì mà thị trường đang quan tâm, là liệu câu chuyện lạm phát sẽ hồi sinh với chỉ số giá tiêu dùng tuần này hay sẽ tiếp tục với giả thiết nền kinh tế đang hướng tới suy thoái" - Joseph Trevisani, nhà phân tích cấp cao tại FXStreet.com, cho biết.
Tuy nhiên, công cụ CME FEDWatch cho thấy, thị trường hiện định giá sẽ có 100 điểm cơ bản trong đợt cắt giảm của FED vào cuối năm. “Chúng tôi đang xem sự chú ý của FED sẽ hướng theo hướng nào. Hiện tại, cơ quan này đang tập trung trở lại vào thị trường lao động. Định hướng này có thể thay đổi nếu lạm phát, số liệu CPI bất ngờ tăng lên” - ông Trevisani nói.
Thị trường ngoại hối Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, đã rung chuyển vào tuần trước do giao dịch chênh lệch giá đồng Yên cực kỳ phổ biến. Đồng tiền Nhật Bản được vay với chi phí thấp để đầu tư vào các tài sản mang lại lợi suất cao hơn. Đợt bán tháo mạnh mẽ của cặp tỷ giá USD/JPY trong khoảng thời gian 3/7 đến 5/8, đi kèm với sự can thiệp vào thị trường tiền tệ của Nhật Bản cùng việc ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất, đã khiến đồng Yên trượt giá. Dù tỷ giá đồng Yên đã đạt mức mạnh nhất với 141,675 USD/JPY, song vẫn giảm khoảng 4% trong năm nay.
Jane Foley, chuyên gia ngoại hối tại Rabobank, nhận định: “Những bình luận từ một cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã lý giải tại sao cơ quan này khó có thể vội vàng tăng lãi suất một lần nữa. Với biến động có thể dao động cao hơn vào cuối năm do cuộc bầu cử ở Mỹ và khả năng cắt giảm lãi suất của FED, thị trường khó thoát khỏi cảnh trầm lắng”.
Ghi nhận sáng nay 13/8 tại Vietcombank, tỷ giá USD/VND ở mức 24.920 - 25.920 (mua vào - bán ra), tỷ giá JPY/VND tương tự ở mức 165.48 - 175.14.
Tỷ giá USD được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.256 VND./.
- NHNN đảo chiều rút ròng trên kênh thị trường mở, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt
- NHNN bơm ròng trên kênh thị trường mở, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt
- Băn khoăn tỷ giá: Đừng dùng kháng sinh liều cao chữa đường ruột