Trở về cội nguồn, biết ơn dân tộc

Từ thuở hồng hoang dựng nước, dân tộc ta luôn phải đương đầu với ngoại xâm để tồn tại và phát triển. Ông cha ta đã đứng lên chiếu đấu và chiến thắng kẻ thù, mang lại vinh quang cho dân tộc.

Lịch sử nhắc nhở chúng ta về những cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng, Bà Triệu, nhắc chúng ta nhớ đến những cuộc kháng chiến ác liệt, những tàn khốc, dã man của quân xâm lược phương Bắc; những đô hộ, áp bức của các triều đại phong kiến Việt Nam và những cuộc chiến tranh vũ khí đẫm máu chống lại quân xâm lược Nhật, Pháp, Mỹ… Trong các cuộc chiến đó, biết bao người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh, máu xương của ông cha ta đã đổ xuống cho đất nước được bình yên, các thế hệ được hưởng ấm no, hạnh phúc.

Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý được nâng lên từ những cuộc chiến của dân tộc

Những con người với ý chí chiến đấu đến cùng ấy luôn là những tấm gương để các thế hệ sau noi gương và khâm phục. Giá trị mà họ để lại cho thế hệ sau là tinh thần đoàn kết, những bài học về chiến lược, về vũ khí, con người, ghi chép thành lịch sử, lưu truyền lại những kinh nghiệm quý báu.

Sống trong thời bình, thế hệ sau không quên tưởng nhớ công ơn của thế hệ đi trước và từ đó hình thành nên đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đạo lý này đã trở thành nét sống đẹp trong đời sống của người dân Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử và đúc kết thành truyền thống. Tinh thần “uống nước nhớ nguồn” được xuyên suốt qua việc lập đền thờ, khắc bia, tổ chức các lễ hội tưởng nhớ.

Truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Người luôn đau đáu tri ân công lao của những người anh hùng liệt sỹ, những người đã cống hiến một phần xương máu của mình cho sự trường tồn của dân tộc.

Đạo lý được nâng lên từ những cuộc chiến

Tư tưởng của Người chính là phương châm hành động để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đề cao truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thường xuyên quan tâm, chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh tận tình, chu đáo. Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy ngày 27/7 làm “Ngày Thương binh toàn quốc” và tổ chức hằng năm trên cả nước để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với những người đã đóng góp máu, thịt của mình cho sự nghiệp cách mạng.

Lễ thắp nến tri ân diễn ra hằng năm vào Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7, tưởng nhớ hương linh 6.900 Liệt sỹ vô danh trong Nghĩa trang Liệt sỹ Việt – Lào

Hiện nay, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về thương binh liệt sĩ, các chính sách quán triệt triệt để thực hiện đối với những người có công với cách mạng như: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn bổ sung việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Chỉ thị số 368-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội,…

Đặc biệt, vào ngày 27/7 hằng năm, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được tổ chức rộng rãi, những hành động như tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ; tổ chức các hội nghị nhân ngày Thương binh, liệt sĩ, tạo điều kiện việc làm phù hợp cho họ đang được lan rộng.

Mỗi cá nhân, cần có những hành động của mình để thực hiện tốt đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt với những bạn trẻ bị nhiễm chất độc màu da cam, chúng ta phải có trách nhiệm giúp họ hòa nhập cùng cộng đồng. Đạo lý sẽ chỉ nằm trên giấy và trên văn bản pháp luật nếu mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ hiện nay không bắt tay bằng những việc làm, hành động với những người đang còn sống.

ĐẶNG KIÊN