ISSN-2815-5823
Thứ tư, 04h23 04/08/2021

Vắc-xin phòng Covid-19 “made in Vietnam”: Tận tâm, quyết liệt vì đồng bào

(KDPT) – Đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị cũng như toàn dân phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K+vắc-xin” và ứng dụng công nghệ. Trong đó, “chiến lược vắc-xin” như nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, là giải pháp căn cơ, lâu dài mang tính quyết định để thoát khỏi đại dịch.

Nỗ lực cho cuộc chiến lâu dài

Tại buổi làm việc với các nhà khoa học, đại diện các đơn vị về công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân là trước hết, bên cạnh việc tiếp cận nguồn vắc-xin trên thế giới, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 ở trong nước có tính chất chiến lược, phải thực hiện bằng được để chủ động nguồn vắc-xin phòng Covid-19 tiêm cho nhân dân và tiết kiệm kinh phí.

Sáng ngày 15/3, 6 người tình nguyện khoẻ mạnh tại khu vực thử nghiệm lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội được tiêm mũi đầu tiên (vắc-xin hoặc giả dược) vắc-xin phòng Covid-19 COVIVAC. Theo GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, đây là một sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của tiến trình nghiên cứu và sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 “made in Vietnam”.

Nghiên cứu, điều chế vắc-xin Covid-19 tại VABIOTECH.

Dự kiến, nếu Nano Covax hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với kết quả tốt, được Hội đồng đạo đức quốc gia chấp thuận, sẽ được xem xét để cấp phép khẩn cấp cho chống dịch.

Bên cạnh đó, vắc-xin COVIVAC của Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) cũng đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người. TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC cho biết, đề cương nghiên cứu lâm sàng hai giai đoạn của vắc-xin COVIVAC đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng đạo đức cấp cơ sở của các đơn vị liên quan chấp thuận. Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Ðộ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, kháng thể vắc-xin COVIVAC chống được biến chủng SARS-CoV-2 từ Anh và Nam Phi. Viện dự kiến hoàn thành thử nghiệm lâm sàng vào tháng 10/2021.

Về tiến độ thực hiện, tính đến ngày 12/4/2021, mũi 2 vắc-xin COVIVAC đã được tiêm thử nghiệm trên 6 tình nguyện viên, đều là những người đã được tiêm mũi 1 trước đó vào ngày 15/3/2021.

“Nếu COVIVAC thành công, cùng với Nano COVAX và Vabiotech sẽ giúp Việt Nam chủ động được nguồn vắc-xin phòng Covid-19 trong nước. Chúng tôi kỳ vọng cuối năm 2021, đầu 2022, Việt Nam sẽ có vắc-xin để sử dụng, thậm chí có thể thành công trong xuất khẩu”- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định.

Bước tiến dài trong nghiên cứu

Thời gian qua, đã có 4 đơn vị của Việt Nam tiến hành nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng Covid-19. Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của các loại vắc-xin này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng. Có được kết quả bước đầu này, trước hết là do đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu vắc-xin của Việt Nam rất có kinh nghiệm. Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị của Việt Nam đều hợp tác chặt chẽ, trao đổi trực tiếp với các cơ quan nghiên cứu, sản xuất vắc-xin uy tín trên thế giới.

Đặc biệt, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam luôn tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy chuẩn, khẩn trương, rút ngắn thời gian nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học.

Tình nguyện viên được mũi đầu tiên vắc-xin phòng Covid-19 COVIVAC ngày 15/3.

Các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học khẳng định chúng ta đã có một bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vắc-xin. Nếu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được tổ chức tốt để thực hiện so sánh với các vắc-xin đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, thì hoàn toàn có lòng tin thời gian tới chúng ta sẽ có vắc xin của Việt Nam.

Với Nano COVAX và một số loại vắc-xin khác đang được phát triển, Việt Nam đã lọt vào danh sách số ít các quốc gia trên thế giới đã chế tạo thành công và tiệm cận giai đoạn phát triển cuối “lá chắn hiệu quả” đối phó với đại dịch toàn cầu Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nhà khoa học, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, chung sức tìm giải pháp, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm đại trà cho nhân dân. Các ngành, đơn vị phải coi vắc-xin phòng Covid-19 là sản phẩm xã hội chứ không chỉ là sản phẩm thương mại.

Trên những thành tựu đó, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào cuối quý III/2021, Việt Nam sẽ có vắc-xin đầu tiên để phòng, chống dịch Covid-19 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước. Đó là sản phẩm không chỉ khẳng định trí tuệ, nền khoa học y khoa của Việt Nam, mà còn giúp chúng ta tự chủ nguồn vắc-xin trong nước; góp phần vào chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

THÁI LÊ

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/05/2024