ISSN-2815-5823

Văn hoá doanh nghiệp: Nền tảng để phát triển bền vững

(KDPT) – Mục tiêu kinh tế và cũng là khát vọng của Đảng, nhà nước và nhân dân là đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là phải xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường. Để đạt được mục tiêu, cần phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế với mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, năng suất chất lượng và hiệu quả. Doanh nghiệp và doanh nhân đóng vai trò quan trọng, không chỉ là động lực mà còn giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế bền vững phải đồng bộ và hài hòa với phát triển văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, phát triển kinh tế.

Đất nước sẽ tự hào vì có những doanh nghiệp, doanh nhân giàu có và cần nhân lên những tấm gương thành công trên mặt trận kinh tế. Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân là khát vọng và tầm nhìn chiến lược của những người lãnh sứ mệnh dẫn đầu, của những doanh nhân có Trí, Tâm, Tầm, thích nghi với sự thay đổi, đủ bản lĩnh để vượt qua khó khăn, thách thức.

Văn hóa là khái niệm rất rộng, hiểu đơn giản, văn hóa bao gồm tất cả những sản phẩm mà con người tạo ra trong đời sống. Văn hóa thường tồn tại và gắn liền trong một phạm vi nhất định: Văn hóa dân tộc, đơn giản là một đơn vị, hội nhóm tập thể, văn hóa cũng sẽ tồn tại. Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, từ đó trở thành quy tắc, tập quán quen thuộc ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp đồng thời chi phối tình cảm, cách suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích. Văn hóa doanh nghiệp chính là hệ quả, là hệ giá trị định hình tư duy, thái độ, cách hành xử và trải nghiệm của người lao động, là nền tảng làm nên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có nét chung, nhưng cũng có những nét riêng, mang cốt cách của từng doanh nghiệp, tạo nên sự khác biệt của một doanh nghiệp so với tất cả các doanh nghiệp khác. Để tạo ra sự khác biệt này, doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa dựa trên hai yếu tố: mục tiêu, định hướng hoạt động và môi trường kinh doanh, môi trường văn hóa.

Văn hóa doanh nghiệp có thể được hình thành từ khi doanh nghiệp mới thành lập. Nhưng qua quá trình kinh doanh và hoạt động, để văn hóa doanh nghiệp có ảnh hưởng tích cực và hiệu quả, doanh nghiệp phải có phương án xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp Việt nam đã xây nên những nét đẹp riêng trong văn hóa tổ chức. Mỗi doanh nghiệp , mỗi doanh nhân biết tạo dựng sức mạnh từ nội lực từ chính mình, từ tổ chức của mình thì nhất định sẽ thành công. Doanh nghiệp có thể thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi các sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với thương trường, nhưng cần nắm chắc cái gốc, đó là văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp trước hết và cần quan tâm là văn hóa người đứng đầu. Người lãnh đạo, nhà doanh nhân cần Đức, Tài, Bản lĩnh và tự tin. Các doanh nhân dám khát vọng, tự tin vào chính mình, tự chủ với tầm nhìn của mình và tìm cách xây dựng phương pháp quản lý tối ưu để tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Doanh nhân cần xây dựng được văn hóa cho tổ chức, gắn kết sức mạnh của người lao động. Người có tài là người biết tập hợp cái tài của người khác. Tập hợp và tạo niềm tin cho những người có tài, đó là tài năng của người lãnh đạo. Văn hóa doanh nhân là văn hóa bản lĩnh. Bản lĩnh là yếu tố không thể thiếu của các doanh nhân. Bản lĩnh của doanh nhân chính là văn hóa biết ủng hộ người tốt, việc tốt, ủng hộ khuyến khích cái đúng, ngăn chặn và phê phán cái xấu, cái sai, thiết lập và duy trì kỷ cương, kỷ luật. Bản lĩnh được xác định bằng 3 tiêu chí: dám nghĩ, dám làm và dám bày tỏ quan điểm. Dám làm những việc chưa làm để khám phá sức mạnh của chính mình và tận dụng cơ hội của môi trường kinh tế mới, của cách mạng khoa học công nghệ. Doanh nhân cũng cần dũng cảm bước ra thế giới, hòa mình cùng thế giới, nhận dạng và tự đánh giá mình. Và cuối cùng là dám bày tỏ chính kiến, bày tỏ quan điểm, cần tự tin và gắn kết để tạo nên nội lực.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp để đáp ứng và phục vụ yêu cầu phát triển. Những mô hình kinh tế mới, mô hình tăng trưởng kinh tế mới sẽ xuất hiện. Doanh nghiệp cần khẳng định thương hiệu và thành công trên thương trường. Mô hình phát triển kinh tế mới, kinh tế tuần hoàn đã và đang xuất hiện tại doanh nghiệp của Ông Hà văn Thắng ở Hòa bình, Tại Tổ hợp Công ty Gốm Đất Việt của Anh hùng lao động Doanh nhân Nguyễn Quang Mâu, tại Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền của doanh nhân Phạm Hồng Điệp, và nhiều doanh nghiệp trong cả nước. Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng và duy trì với những giá trị cốt lõi từ văn hóa rất mạnh mẽ, gắn bó với bảo vệ môi trường, đào tạo, kết nối và phát triển bền vững. Nói tóm lại, cùng với tập trung trí tuệ và sức lực đầu tư cho chiến lược kinh doanh, chiến lược tài chính, marketing… cần quan tâm đầu tư cho chiến lược văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có vai trò quan trọng và có tầm ảnh hưởng, tác động lớn hơn bất cứ yếu tố nào.Văn hóa doanh nghiệp là hệ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, là hệ giá trị định hình tư duy, thái độ , cách hành xử, ứng xử và trải nghiệm của doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

PGS. TS ĐẶNG VĂN THANH

Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024