Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi!
Nhiều ngày cần lao, nhiều đêm khó ngủ để thúc đẩy nền kinh tế, cải thiện chất lượng đời sống dân sinh là câu chuyện không hề dễ dàng của một đất nước… Tết đã hiển hiện thật gần, mình bên nhau trong vội vã, cố nán lại mà tỏ bày, tâm sự chuyện vui, chuyện buồn sau chuỗi thời gian được ấn định bằng một năm. Có thể nói, năm Canh Dần đã ghi dấu ấn của sự quyết tâm, chuyển thành hành động của Chính phủ về khát vọng đổi mới, tiến tới tăng trưởng và ổn định vĩ mô một cách thiết thực. Những sự kiện cuối năm cũng tập trung đưa tin, tuyên truyền về diễn biến đời sống kinh tế, trong đó mảng sáng, mặt được là chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh, đặc biệt là điểm nhấn GDP vượt xa dự báo bên cạnh các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm. Phải xác nhận đây là tin vui, thậm chí ngoài mong đợi vì năm qua đã chứng kiến sự tàn phá của mấy đợt thiên tai, bão lớn ở Đà Nẵng, gây hậu quả rất nghiêm trọng đến đời sống dân sinh. Rất nhiều gia đình, bà con ta lại một phen vất vả, nhất là tội nghiệp cho người già, con trẻ. Nhưng cả nước đã chung lòng, nhanh chóng vượt khó như bao lần. Dư luận quốc tế thừa nhận, Việt Nam ngày càng tự tin hơn trên con đường phát triển, hướng về phía trước với hành trang bước vào năm 2023 bằng một kỷ lục về giải ngân vốn đầu tư nước ngoài và kết quả xuất siêu khá ấn tượng. Nhưng Tết Nguyên đán sắp đến mà thông tin vể thu nhập có nơi chưa hề “rò rỉ”, mặc cho người lao động không ngừng dự đoán, mong mỏi. Lòng người là thế, luôn sốt ruột trước dịp Tết về bởi một năm chỉ trông vào khoản tiền tết ấy để liệu đường chi tiêu cho ra tấm ra món. Mà còn đôi chút tâm tư vì đồng tiền thưởng tết chẳng bao giờ bằng nhau giữa các đơn vị, cơ quan nên hẳn có kẻ vui, người thấy… tủi phận; trong đó cánh nhà báo, phóng viên cũng không là ngoại lệ. Một tháng trước Tết, từng cơn gió lạnh ùa về, là cái cớ để các bà, các cô đua nhau khoe sắc áo, hòa mình vào cuộc đời với niềm tin yêu cuộc sống. Trong khi đó, các nhà tàu, sân bay đã kịp hâm nóng không khí xuân bằng những màn quảng cáo, cung cấp giờ tàu, xe hoặc máy bay để đón đưa chân người đi xa về gần. Chắc sướng nhất là những người già, con trẻ khi vừa nhận được tin báo rằng người nhà mình sẽ về quê ăn tết như sự hứa hẹn một khung cảnh ấm êm, đoàn tụ dưới bầu trời sớm nay đã thấy thấp thoáng cánh én lẻ lượn bay. Cái tiết trời nhẹ sương pha chút se lạnh, có cả hạt bụi mưa li ti, lắc rắc vương trên áo người khiến ai có chút tâm sự hay máu nghệ sĩ nảy lòng bâng khuâng, vấn vương một điều gì chưa thật rõ. Chợt nhớ câu hát dung dị, giản đơn như đời thường về sự mong ngóng của người mẹ nhớ con xa chưa về: “Mẹ mong đứa con xa nhà, rồi mùa xuân anh ấy sẽ về”. Thật vậy, xuân về gắn liền với niềm vui sum họp mà các anh vắng nhà bởi bận canh giữ biên cương, đảo xa. Dù cũng có cành đào, cây mai từ đôi miền Bắc-Nam hiện diện trong doanh trại nhưng không thể bù đắp cho bằng nỗi nhớ quê xa, nhớ mẹ già. Xin gửi các anh lời tri ân, mong các anh chân cứng đá mềm để viết tiếp bản hùng ca yêu nước và bản lĩnh anh hùng của một dân tộc lững lẫy địa cầu qua nhiều chiến công đánh giặc, giữ nước oanh liệt. Thời gian qua đi là không thể trở lại, bởi thế mà con người luôn tiếc thời gian, thậm chí nhiều người còn muốn dừng chiếc kim đồng hồ bé nhỏ, tích tắc suốt hành trình bất tận. Mỗi giây khắc ấy dù nhẹ mà thẳm sâu, gõ vào tâm khảm con người như lời thúc giục mỗi cá nhân tiến tới sự văn minh, biết làm điều thiện lương, tu thân tích đức cho cuộc sống vẹn tròn. Gian khó đang qua đi, chỉ lòng người biết gắng gỏi, đồng lòng đồng thuận mà chung tay vượt khó. Dù không phải người lạ nhưng ta vẫn thấy ngỡ ngàng, thích thú trước cảnh quan tươi đẹp, thơ mộng, đầy ấn tượng trải dài theo cung biển từ Đà Nẵng đến cuối Nam Trung bộ - cũng là của nả để phát triển thành những khu biển đầy ấn tượng, hấp dẫn khách gần xa như Quy Nhơn, Mũi Né, Ninh Chữ...
Niềm hy vọng đã có, chỉ còn đợi khối óc, bàn tay con người và sự hội tụ các nguồn lực để khơi dậy, phát huy tiềm năng non sông gấm vóc nước Việt. Tết năm nay được nghỉ nhiều ngày, cho người ta thăm thú, thưởng ngoạn đó đây, nhưng chủ yếu dành để về quê cha đất tổ hay thăm cha mẹ già. Xét rộng hơn, những việc ấy là hồn cốt từ thuở cha ông, qua bao đời để ta thấm nhuần, giữ gìn không dám mai một; từ đó truyền lại các thế hệ tiếp theo. Đó là những tập tục đã hằn sâu thành nếp nghĩ, cách hành xử như từ cội rễ - một giá trị hàng đầu của người Việt. Đó cũng là để bản sắc không bị phai mờ trước trào lưu toàn cầu hóa, hội nhập như vũ bão từ thời nay đến mãi về sau. Cữ một tuần trước phút giao thừa năm mới, những chuyến xe đang gấp gáp hơn trên khắp nẻo đường đất nước, mang sản vật giao lưu lên ngược, về xuôi. Nhịp sống tấp nập, rộn ràng hơn. Từng bông hoa, khóm cây cảnh đã biết vươn mình trong tiết xuân, mơn mởn đầy sức sống, như phụ họa với lòng người chuẩn bị vào xuân mới. Người già chăm chút mảnh vườn, xếp lịch mua sắm, làm cỗ tết, đi lễ chùa. Lứa thanh niên lo mốt thời trang để hẹn nhau tụ tập bữa cơm rượu cuối năm, còn thiếu nữ thì tâm ý cầu ước xuân về mang theo mối duyên lành rồi tự thấy đôi má mình đỏ hây... Chiều cuối năm nao nức, lữ khách thong dong bước chân phiêu bạt chốn trần gian, qua quê người mà ngỡ như quê mình hay bởi tình dân tộc dâng đầy trong tâm khảm. Rộng dài đất trời đâu chẳng là quê nhà mà nay cảnh sắc không gian như quen như lạ. Bức họa chân quê chỉ còn thiếu một dáng người thôn nữ, thật chân phương, dịu dàng một nét đằm thắm; lại thấy thấp thoáng chiếc nón xinh xắn của ai có bắp chân trần trắng nõn, đang thong thả thăm đồng. Cảnh ấy khiến ta trẻ lại đến hàng chục tuổi vì chợt nhớ kỷ niệm bên cô hàng xóm - cô Tấm thuở nào. Xuân đến rồi đi, nhưng luôn để lại những gì tha thiết, gần gũi với con người; gửi nhắn niềm khát vọng và tình yêu. Bậc quân tử cũng nâng chén rượu mà tưởng ngỡ ôm cả nàng Xuân vào lòng. Còn ta chỉ mong con trẻ lớn nhanh và người già trẻ lại trong mùa xuân vĩnh cửu đang hiển hiện bên thềm. Mà lạ, gần cuối năm ta lại thấy thời gian dường như “chạy” nhanh hơn trước, như thể mỗi ngày không còn đủ 24 giờ. Ai cũng bận rộn, nhịp sống bị đẩy căng lên gấp bội. Người ta bảo mỗi bận xuân về, luôn phù người nào có tấm chân tình cùng lòng nhân ái với cuộc đời. Đón năm mới Quý Mão, ta chúc nhau vạn sự an lành, thêm nhiều sức khỏe cùng niềm vui; vạn vật dễ thương như chú mèo nhà ai và niềm tin yêu cuộc sống lan tỏa khắp non sông. Việt Nam ơi, mùa xuân đến rồi.