Vĩnh Phúc: Bảo vệ môi trường hồ sinh thái Đầm Vạc góp phần tạo cảnh quan đô thị xanh
Được kỳ vọng là vậy, nhưng hiện nay Hồ Đầm Vạc, đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng do sự bùng phát của bèo tây và tình trạng xả thải không kiểm soát. Mặc dù đã có một số doanh nghiệp tham gia nạo vét, xử lý bèo xâm lấn, nhưng khó khăn về chi phí, hạ tầng và sự phối hợp từ các cơ quan chức năng khiến nỗ lực này chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

Thực tế ghi nhận từ những ngày đầu tháng 6/2025 cho thấy, bèo tây đã phủ kín nhiều khu vực mặt nước của hồ, đặc biệt là đoạn giáp các tuyến đường chính như Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng và Chu Văn An. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã tham gia thu gom, tuy nhiên lượng bèo thu được bị đổ tạm ngay ven đường, không được xử lý kịp thời, gây mùi hôi thối và ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và mỹ quan đô thị.

Không chỉ là câu chuyện về bèo tây, hồ Đầm Vạc còn đang chịu tác động từ việc xả thải sinh hoạt, nước thải chưa qua xử lý từ cộng đồng dân cư. Theo phản ánh của người dân, vào mùa hè, mùi hôi từ hồ bốc lên nồng nặc, nhiều đoạn mặt nước đổi màu, xuất hiện hiện tượng cá chết.

Một số doanh nghiệp đã chủ động triển khai phương án thu gom bèo tây, với mong muốn giữ gìn vẻ đẹp sinh thái cho thành phố. Tuy nhiên, họ đang hoạt động trong điều kiện thiếu sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, không có chỗ xử lý tập kết rác thải thực vật, và đặc biệt là thiếu cơ chế tài chính hỗ trợ từ phía địa phương.
“Trước đó tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Vĩnh Yên đã có chính sách hỗ trợ kinh phí xử lý bèo tây xâm lấn. Nhưng nhiều năm nay thì không còn hỗ trợ nữa. Chúng tôi phải tự bỏ tiền túi ra để thu gom bèo, nhưng lại không có bãi đổ phù hợp, không được hỗ trợ vận chuyển, trong khi khối lượng mỗi ngày lên tới hàng chục tấn,” đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.
Trước tình trạng trên, Vĩnh Phúc cần có những hành động quyết liệt và đồng bộ hơn như triển khai nhanh dự án cải tạo hồ Đầm Vạc, có hệ thống thoát nước, khu xử lý thực vật thủy sinh và hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt ven hồ; Hỗ trợ tài chính và cơ chế pháp lý cho các doanh nghiệp, hộ dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường. Việc xã hội hóa cần được gắn với chính sách ưu đãi rõ ràng; Tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi xả thải trái phép ra hồ; Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân coi việc bảo vệ hồ Đầm Vạc thành trách nhiệm chung của cộng đồng.

Trước đó, năm 2024 Vĩnh Phúc đã nghiên cứu và lên ý tưởng quy hoạch được Sở Xây dựng đưa ra về việc quản lý, khai thác và phát huy giá trị hồ Đầm Vạc có tổng nguồn vốn khoảng 1.200 tỷ, được triển khai thực hiện trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2028, gồm tuyến đường dạo; hệ thống công viên và công tác nạo vét lòng hồ.
Dự án được triển khai kỳ vọng sẽ góp phần chỉnh trang đô thị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan khu vực hồ Đầm Vạc và xung quanh; xây dựng các khu công viên, tạo sân khấu thực cảnh trên mặt nước, tái tạo hệ sinh thái tự nhiên; phát huy tốt nhất các giá trị của hồ và các khu vực xung quanh trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn mới, đẳng cấp gắn với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Đồng thời, làm cơ sở triển khai dự án đầu tư, quản lý xây dựng, hình thành bộ mặt kiến trúc đô thị khang trang, hiện đại, góp phần cải thiện chất lượng đô thị, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tạo cảnh quan kiến trúc cho khu vực trung tâm thành phố Vĩnh Yên.
Hồ Đầm Vạc không chỉ là “di sản” thiên nhiên mà còn là biểu tượng sinh thái và du lịch của thành phố Vĩnh Yên. Do đó, thực trạng hiện nay của hồ Đầm Vạc đang báo động về môi trường. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân, thì chỉ trong một vài năm tới, “lá phổi xanh” này có thể sẽ không còn khả năng “thở” vì sự xâm lấn của bèo tây và xả thải vô trách nhiệm của các khu dân cư xung quanh./.
- Vĩnh Phúc: Hàng loạt các sở ngành có lãnh đạo mới sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc: Khởi động tháng thanh niên 2025 - Xung kích trên mọi "mặt trận"
- Vĩnh Phúc xây dựng NTM nâng cao - Thay đổi bộ mặt nông thôn cả về vật chất và đời sống tinh thần