Kỳ vọng phát triển kinh tế tư nhân ở Vĩnh Phúc: Phát huy thế mạnh, tạo động lực tăng trưởng
Khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương. Nhận thức rõ điều đó, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn vay, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả thẩm định tín dụng. Các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được đẩy mạnh, giúp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Vĩnh Phúc cũng chú trọng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chương trình khuyến công địa phương đã hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từng bước tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh.
Song song đó, Vĩnh Phúc cũng được đánh giá là một trong ba tỉnh tiêu biểu trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo của tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nguồn lực hỗ trợ, từ nguồn vốn, tư vấn chuyên gia đến xúc tiến thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy, nhiều ý tưởng đổi mới đã được hiện thực hóa thành mô hình kinh doanh hiệu quả.

Trong năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 1.550 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 1,8% so với năm 2023, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 13.000 tỷ đồng. Tính đến cuối năm, toàn tỉnh có hơn 17.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 400 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 580.000 lao động. Về lĩnh vực hoạt động, các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh tiếp tục ghi nhận sự gia tăng về số lượng và quy mô vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới.
Trong 17 ngành kinh tế chính, có tới 11 ngành có số doanh nghiệp mới tăng và 14 ngành có tăng trưởng về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Đặc biệt, ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 10,47% về số lượng doanh nghiệp và tăng gần 105% về vốn đăng ký; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng gần 23% về số doanh nghiệp và tăng hơn 187% về vốn đăng ký; ngành thông tin và truyền thông tăng gần 36% về số doanh nghiệp và tăng gần 840% về vốn đăng ký.

Với những kết quả đạt được, Vĩnh Phúc kỳ vọng khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát huy vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng trong thời gian tới. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút thêm từ 2 đến 2,5 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực FDI, đồng thời nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia, vùng lãnh thổ một số khu vực trong tổng số vốn FDI của tỉnh lên hơn 80%.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm trung tâm. Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, thúc đẩy liên kết vùng và hội nhập quốc tế sẽ là những yếu tố then chốt tạo nên sức bật mới cho kinh tế tư nhân Vĩnh Phúc trong thời kỳ mới./.