Vĩnh Phúc dành hơn 38 tỷ đồng chăm lo Tết cho người có công, hộ nghèo khó khăn
Chiều 12/1, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị nghe UBND tỉnh và các sở, ngành báo cáo tình hình thực hiện chính sách an sinh xã hội (ASXH); tình hình lao động, việc làm, thu nhập, tiền lương, thưởng Tết, BHXH, BHYT đối với công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán 2024. Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chủ trì hội nghị.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngân sách tỉnh dự kiến dành hơn 38 tỷ đồng để chăm lo Tết cho các đối tượng người có công, hoàn cảnh khó khăn... |
Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc đang triển khai thực hiện 16 nghị quyết của HĐND tỉnh, 6 quyết định, 2 kế hoạch của UBND tỉnh về chính sách ASXH. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã dành hơn 9,4 tỷ đồng cho công tác ASXH.
Riêng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngân sách tỉnh dự kiến dành hơn 38 tỷ đồng để chăm lo Tết cho các đối tượng người có công, người được tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, 55 năm tuổi Đảng, 60 năm tuổi Đảng trở lên; đối tượng hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Về tình hình giải quyết việc làm cho người lao động, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng gần 262 nghìn lao động. Năm 2023, các doanh nghiệp tuyển mới hơn 36 nghìn lao động.
Đến nay, toàn tỉnh có 39 lượt doanh nghiệp có báo cáo đã tổ chức làm thêm giờ từ hơn 200-300 giờ; 138 doanh nghiệp sử dụng hơn 50,5 nghìn lao động báo cáo gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Tiền lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đối với thưởng Tết, mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp dịp Tết Nguyên đán 2024 là 6,4 triệu đồng/người và mức thưởng cao nhất là 400 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI.
Chăm lo Tết cho người lao động, UBND tỉnh đã ban hành văn bản, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy định của pháp luật lao động, thỏa thuận giữa các bên về tiền lương, thưởng Tết cho người lao động.
Tăng cường nắm bắt tình hình lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp ứng phó tránh tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết. Đồng thời, tập trung các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu Xuân 2024.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Liên đoàn Lao động tỉnh; Ban Quản lý các khu công nghiệp... phân tích làm rõ hơn những khó khăn, tác động mà các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt; vấn đề lương, thưởng Tết; tình trạng thu, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế...
Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp về thuế, đất đai; có các giải pháp cụ thể để không xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại các khu, cụm công nghiệp...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, năm 2023, tình hình việc làm, thu nhập của người lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp ngành dệt may. Nhiều doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển sang ký hợp đồng ngắn hạn.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ban, ngành liên quan, nhất là tổ chức công đoàn tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất các phương án xử lý các vấn đề liên quan đến tiền lương, việc dịch chuyển hợp đồng lao động từ dài hạn sang ngắn hạn của các doanh nghiệp.
Cấp ủy chính quyền các cấp quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổ chức Tết Giáp Thìn 2024; Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; bảo đảm các điều kiện tốt nhất để chăm lo Tết cho người lao động cả trong và ngoài khu công nghiệp.
Ban Cán sự Đảng có đánh giá tổng quát về tình hình đời sống, việc làm, tình hình an ninh trật tự của công nhân, lao động; ban hành Kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán 2024 cho công nhân, người lao động dịp Tết Nguyên đán, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 17/1/2024.
UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể đánh giá thực trạng đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động trên địa bàn, trong đó, có khảo sát, phân tích, đánh giá cụ thể tình hình thực tế và đưa ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn trong các năm tiếp theo.
UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, MTTQ và các sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động chủ động đối thoại, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để bảo đảm việc làm, thu nhập, duy trì hoạt động bình thường của doanh nghiệp, vui Xuân, đón Tết an toàn, tiết kiệm và quay trở lại làm việc đúng thời gian.
Cùng với đó, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt thông tin và dự báo tình hình; chủ động đối thoại, thương lượng với chủ sử dụng lao động về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phương án trả lương, thưởng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nỗ lực giữ mức thưởng Tết không thấp hơn các năm trước.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc trả lương, thưởng Tết tại các doanh nghiệp; hạn chế tối đa tình trạng nợ lương, nợ thưởng, nợ bảo hiểm xã hội, chủ bỏ trốn; biểu dương các doanh nghiệp làm tốt công tác chăm lo Tết.
Đồng thời, giải quyết nhu cầu việc làm, tình hình lao động quay trở lại làm việc; tình trạng giá cả sinh hoạt, các hoạt động lôi kéo người lao động đình công, lãn công; kịp thời phát hiện, phòng ngừa các tranh chấp lao động có thể phát sinh trong dịp Tết.
Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhất là tại các doanh nghiệp bị giảm sâu thu nhập, mất việc, thiếu việc làm, không để tình trạng công nhân, người lao động về quê ăn Tết, chậm quay trở lại làm việc do thiếu phương tiện vận chuyển.
Xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đưa đón công nhân về quê ăn Tết và quay trở lại làm việc sau Tết bằng ô tô được thuận lợi, an toàn. Vận động chủ doanh nghiệp hỗ trợ vé tàu xe, tặng phiếu mua hàng cho công nhân về quê ăn Tết... Vận động doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm ủng hộ, dành nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho người lao động dịp Tết.
Ban Chỉ đạo chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tỉnh tiếp tục quyết liệt vào cuộc hơn nữa trong công tác chỉ đạo thu hồi nợ, bảo đảm quyền lợi cho người lao động và thực hiện công khai nợ; phối hợp với Công an tỉnh để xem xét, giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm./.