Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đối diện nhiều khó khăn, việc khối ngoại đua rót tiền khiến nhiều người lo ngại các doanh nghiệp trong nước sẽ đánh mất lợi thế, thậm chí phải “bán mình”.

Điển hình như trong văn bản mới đây gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cũng đề cập đến nguy cơ doanh nghiệp trong nước trở thành “mồi ngon” trong cuộc “đi săn” của các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, thời thế đang dần thay đổi, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) hiện nay đang có xu hướng chuyển dần từ “mua đứt, bán đoạn” sang hợp tác, tạo nên những giá trị cộng hưởng, lợi cho cả đôi bên.

Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp hiện đã không còn xem M&A chỉ là một “game thu gom tài sản”, hay “cá lớn nuốt cá bé” nữa, mà xem đây như giải pháp để cộng hưởng sức mạnh, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái.

Chưa kể, trong những năm trở lại đây, doanh nghiệp bất động sản trong nước đang gia tăng đáng kể sức cạnh tranh và ngày càng nắm nhiều lợi thế trong cuộc đua với các doanh nghiệp hùng mạnh đến từ nước ngoài.

Minh chứng, theo ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội, thời gian qua, những khó khăn về đất đai, pháp lý khiến hầu hết doanh nghiệp lớn đến Việt Nam đều lựa chọn M&A với doanh nghiệp trong nước.

Nguyên nhân là bởi lợi thế của doanh nghiệp nội hiện tại là sự thông thạo vùng miền, linh hoạt về dòng vốn, đồng thời đang giữ vai trò tiên phong tại các thị trường mới, vùng ven. Chưa kể, quỹ đất sạch và giá đất tăng cao hiện cũng đang tạo áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp ngoại khi vào Việt Nam.

Theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 20/12, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so năm 2021.

Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm song số dự án đầu tư mới tăng lên, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kỳ. Riêng vốn FDI giải ngân khoảng gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm ngoái.

Các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,26 tỷ USD và gần 1,29 tỷ USD.

Đặc biệt, dù tổng vốn FDI vào Việt Nam năm nay bị sụt giảm nhưng riêng dòng vốn rót vào lĩnh vực bất động sản lại tăng cao. Cụ thể, vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tương ứng tăng hơn 70% so với cả năm 2021.

Theo một số chuyên gia, việc vốn ngoại tăng mạnh vào lĩnh vực bất động sản cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và ngành bất động sản nói riêng. Các phân khúc như bất động sản công nghiệp và hậu cần, khu đất phát triển, khách sạn và văn phòng đang là những sản phẩm được săn lùng bởi các nhà đầu tư ngoại.

Dựa trên những diễn biến từ thực tế, theo các chuyên gia, việc vốn ngoại rót mạnh vào thị trường cần được nhìn nhận như là cơ hội thay vì là mối đe dọa. Với những tín hiệu tích cực, các cuộc thăm dò chỉ ra xu hướng M&A sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một trong những cản trở khiến FDI vẫn khó vào thị trường bất động sản là khung pháp lý cho đầu tư nước ngoài hiện còn nhiều điều bất cập cần hoàn thiện. Điển hình như trong công tác giải tỏa mặt bằng ở các dự án chậm chạp và trình độ tay nghề của lực lượng lao động trong nước còn thấp làm cản trở dòng vốn dồi dào từ nước ngoài này.

Ngoài ra, nhiều điều khoản trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản hiện vẫn chưa thống nhất, gây ra những ách tắc chưa tìm được hướng giải quyết cũng là yếu tố cản trở sự phát triển của các thương vụ M&A trong lĩnh vực địa ốc.

Vì vậy, để dòng vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh, trở thành “đòn gánh” cho thị trường bất động sản trong bối cảnh khó khăn bủa vây, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy tháo gỡ các vướng mắc để các doanh nghiệp "đón sóng" FDI.