Vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị yêu cầu trả 8,8 tỷ sau 11 năm: Số tiền lãi được tính như nào?
Vụ việc gây xôn xao dư luận là về một khách hàng này được xác định là ông P.H.A. Cụ thể, khách hàng P.H.A. có mở thẻ Master Card tại Eximbank chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng. Thẻ tín dụng này phát sinh 2 giao dịch tổng cộng 8,5 triệu đồng nhưng khách hàng chưa thanh toán.
Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.
Tổng số tiền chủ thẻ này phải thanh toán gồm gốc và lãi tạm tính đến ngày 31/10/2023 là hơn 8,8 tỷ đồng.
Công văn nhắc nợ do Công ty TNHH MTV quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) gửi đến ông P.H.A. cho biết, Eximbank AMC yêu cầu khách hàng phải thanh toán ngay các khoản nợ thẻ tín dụng do vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo cam kết.
Cũng theo Eximbank AMC, nếu ông P.H.A. không thanh toán theo đúng thông báo này, Eximbank thông qua Eximbank AMC sẽ tiến hành khởi kiện và/hoặc thực hiện các biện pháp thu hồi nợ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành để thu hồi nợ cho Eximbank.
Thông báo này cho hay, trường hợp Eximbank AMC khởi kiện trước tòa án có thẩm quyền và/hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản bảo đảm thì khách hàng sẽ phải chịu mọi chi phí xử lý nợ, chi phí tố tụng phát sinh. Đồng thời phải chịu các hậu quả pháp lý bất lợi khác trước pháp luật từ việc không trả nợ cho Eximbank.
Khi thông tin này được chia sẻ trên mạng xã hội, ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người, đa số đều bày tỏ sự ngạc nhiên trước số tiền lãi mà ông P.H.A. phải trả. Mức lãi suất mà Eximbank áp dụng với khách hàng P.H.A là bao nhiêu và công thức tính thế nào để ra con số khổng lồ là 8,8 tỷ đồng?
Số tiền lãi được tính như nào?
Liên quan đến vụ việc gây xôn xao dư luận này, mới đây, Ngân hàng Eximbank đã có phản hồi.
Eximbank cho biết khách hàng P.H.A. mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng. Sau đó đã phát sinh hai giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận thẻ. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã nợ chuyển thành nợ xấu, quá hạn phát sinh đến thời điểm ngân hàng ra thông báo nêu trên là gần 11 năm.
Đại diện Eximbank cho biết: "Trong suốt gần 11 năm qua, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ".
Cũng theo ngân hàng này, việc Eximbank phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.
Về phương thức tính lãi, phí, Eximbank nói là: "Hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/03/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).
"Hiện nay, Eximbank đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ", ngân hàng này khẳng định.
Các thủ tục Eximbank đã thực hiện để thu hồi khoản nợ của ông P.H.A.:
Ngày 16/9/2013: Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã thông báo bằng văn bản đến khách hàng về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Ngày 12/12/2017: Khách hàng có văn bản khiếu nại về việc không nhận được thông báo việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Ngày 23/12/2017: Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã có văn bản phúc đáp về nghĩa vụ thanh toán, đồng thời đề nghị ông P.H.A. có phương án thanh toán khoản nợ cho ngân hàng.
Ngày 19/8/2021: Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) theo ủy thác đã trực tiếp làm việc, giải quyết khoản nợ đối với ông P.H.A..
Ngày 10/5/2022: Eximbank AMC tiếp tục có buổi gặp gỡ ông P.H.A. để trao đổi, tìm giải pháp hỗ trợ khách hàng xử lý nợ.
Ngày 8/11/2023: Eximbank AMC có công văn số 2155/2023/EIBA/CV-TGĐ gửi ông P.H.A. để thông báo về nghĩa vụ phải thanh toán, phối hợp cùng ngân hàng thực hiện xử lý khoản nợ nêu trên.
- Đề xuất người mua nhà dưới 3,5 tỷ đồng được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
- Có thể trả một lần, vì sao nhiều chủ thẻ tín dụng vẫn chuộng trả góp?
- Kỳ vọng tín dụng bất động sản tăng trưởng “tích cực” năm 2024