ISSN-2815-5823

“Vùng an toàn không phải là lương và đi làm 8 tiếng mỗi ngày”

(KDPT) - Theo GS. Phan Văn Trường, để nhận ra khả năng thực chất và biết được tài năng của mình, người trẻ nên thử cọ xát và trải nghiệm qua nhiều nghề khác nhau. Không phải là lương và đi làm 8 tiếng mỗi ngày, vùng an toàn là khi làm những điều để thể hiện tất cả tài năng của bản thân.

MC Khánh Vy (SN 1999, Nghệ An) là một gương mặt thân quen trên cộng đồng mạng. Khánh Vy thường chia sẻ video mang năng lượng tích cực, truyền cảm hứng, chia sẻ về cách làm việc và học tập hiệu quả trên các nền tảng mạng xã hội của mình. Ngoài ra, còn có những buổi trò chuyện với các nhân vật thú vị giúp người xem có thể đúc kết ra nhiều bài học.

GS. Phan Văn Trường khuyên rằng, người trẻ nên “lăn xả”, thử sức với nhiều nghề để khám phá khả năng thực sự của mình. 
GS. Phan Văn Trường khuyên rằng, người trẻ nên “lăn xả”, thử sức với nhiều nghề để khám phá khả năng thực sự của mình. 

Vừa qua, Khánh Vy đã chia sẻ video trên kênh YouTube cá nhân của mình về cuộc trò chuyện với GS. Phan Văn Trường với tựa đề “Cách để trở thành phiên bản tốt nhất và phi thường nhất của chính mình”.

Từng là cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp, được Tổng thống Pháp trao tặng Bắc đẩu bội tinh năm 2007, GS. Phan Văn Trường đã có nhiều năm liền làm lãnh đạo doanh nghiệp quy mô toàn cầu, giảng dạy tại các trường đại học có tiếng. Vị giáo sư từng đi qua 80 nước, đàm phán các hợp đồng lên tới 60 tỷ USD. Dù đã ở tuổi 78, giáo sư vẫn giữ được sự nhiệt tình và tâm huyết với hoạt động khuyến học, truyền “lửa”.

Cuộc trò chuyện của GS. Phan Văn Trường và MC Khánh Vy chủ yếu xoay quanh những sẻ chia được tích lũy từ kinh nghiệm quý giá của giáo sư, từ việc chọn đúng nghề theo đam mê, hay kỹ năng đàm phán, giao tiếp, quản trị doanh nghiệp và bản thân, thậm chí là chia sẻ về tình yêu đôi lứa…

Cơ hội để lên cao nhờ cọ xát và tìm ra khả năng tốt nhất

Mỗi người đều phải đứng giữa những ngã rẽ khác nhau trên con đường trưởng thành để tìm hướng đi về tương lai. Ở thời đại này, người trẻ có nhiều lựa chọn hơn và khi đã chọn, hãy luôn đặt ra câu hỏi cho bản thân rằng liệu mình đã chọn đúng không.

GS cho rằng lên cao không phải là lương cao và chức to.
GS cho rằng lên cao không phải là lương cao và chức to.

Dưới góc nhìn của một người đã sống qua nhiều thế hệ “không phải lựa chọn”, GS. Phan Văn Trường chia sẻ rằng, ông đã thấy các bạn thay đổi 4-5 lần nghề nghiệp khi nhìn vào những resume của các bạn trẻ. Nghề nghiệp đầu tiên rõ ràng là không quan trọng vì dù sao cũng thay đổi 4, 5 lần nữa. Trong cuộc sống, phải hiểu hiện tượng tuổi.

Khi chưa 40 tuổi, thánh nhân sinh ra chỉ cốt cho mình phải cọ xát, va chạm, thử thách với sẹo, đau đớn đầy người để trở thành người mà vũ trụ muốn. Khi chọn nghề thật, người ta không chọn nghề lúc 18 hay 22 tuổi, bởi khi đó toàn là cọ xát để xem khả năng của mình.

Theo GS. Phan Văn Trường, chúng ta đều phải thực hiện phép thử để khám phá bản thân và tìm ra khả năng tiềm tàng bên trong. Phải thử giọng của mình có hay không, tay của mình có khéo không… Và chúng ta có 40 năm để thử thách cũng như tìm ra những giá trị của bản thân.

Theo chia sẻ của GS. Phan Văn Trường, có 90% các bạn trẻ hiện nay không có cơ hội biết chức năng của mình là gì, đến năm 40 tuổi cũng không biết và chỉ mơ làm tiền và làm giám đốc. Cần phải tự thử thách và có 40 năm để làm việc đó. Người Việt Nam có tư duy nghĩ rằng 22 tuổi là già rồi, lấy chồng, lấy vợ và đẻ con nhanh rồi làm giám đốc năm 35 tuổi, nhưng rồi có sướng không?

Bên cạnh đó, GS. cũng khuyên rằng, một người có thể phát triển lên cao hơn chỉ khi thử và làm những điều mà khả năng của mình tốt nhất. Ở đây, lên cao không phải là lương cao, chức to mà là được đóng góp đúng với giá trị của mình.Theo GS. Phan Văn Trường, phải làm hết mọi nghề để biết được khả năng tự nhiên, và bẩm sinh của mình rồi mới chọn. Khi nào dùng chức năng mà mình tốt nhất thì lúc đó mới có cơ hội lên cao. GS. cho rằng, lên cao không đồng nghĩa với lương cao và chức cao. Đó là tìm được sự thỏa mãn và hiểu được mình sinh ra để làm việc đó, có giá trị cho nhân loại. Khi đó, mình vô cùng sung sướng.

“Vùng an toàn là vùng thể hiện được tài năng”

GS. Phan Văn Trường chia sẻ, ông đã từng tới những chức vụ to nhất của doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa được làm đúng nghề khi đến 50 tuổi. GS. đã phải trải qua một quá trình rất nhiều thử thách và khó khăn để được hạnh phúc khi làm đúng công việc của mình.

GS. Phan Văn Trường nói rằng, vùng an toàn là vùng thể hiện được tài năng, mà không phải là lương và làm 8 tiếng mỗi ngày.
GS. Phan Văn Trường nói rằng, vùng an toàn là vùng thể hiện được tài năng, mà không phải là lương và làm 8 tiếng mỗi ngày.

GS. nói thêm, không có lựa chọn nào khác là phải trải nghiệm, thử thách với nhiều nghề khác nhau để làm được đúng nghề. Khi làm đúng nghề sẽ rất hạnh phúc. Khi đó, mình chìm đắm trong hạnh phúc đó rồi vì không tìm ra hạnh phúc nào khác. Thực tế, khi nói như vậy nghĩa là mình phải trải qua tất cả các nghề và không có lựa chọn gì cả.

Vị GS đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ rằng, hãy cọ xát và bước vào vùng không an toàn. Hãy lăn xả vào những việc mà xã hội kéo mình vào rồi thất bại ê chề, hay vui đi vì mọi thứ đã làm cho mình khám phá được khả năng thực sự.

GS. nói thêm rằng, phải đi vào những vùng không an toàn từ nay đến khi 40 tuổi. Và vùng an toàn sẽ là vùng giúp bản thân thể hiện toàn bộ tài năng của mình. Đó mới là cái an toàn thật, mà không phải an toàn là có lương và đi làm 8 tiếng một ngày. Đó là vùng không an toàn bởi không thể giữ được điều đó quá lâu./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024