Xu hướng nào đang làm thay đổi ngành tài chính - ngân hàng?
Công nghệ, khoa học kỹ thuật, truyền thông xã hội, dân chủ hóa dữ liệu là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển ngành ngân hàng với tốc độ chóng mặt. Khách hàng kỳ vọng vào sự kết hợp mượt mà giữa tiện ích kỹ thuật số và dịch vụ cá nhân hóa.
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) và Phân tích dữ liệu và Ngân hàng mở (Open Banking) đang là những đòn bẩy tạo ra những lợi ích khổng lồ. Những công nghệ này đã tạo ra một thời đại mới, cách tân, hiệu quả, bảo mật và tập trung tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.
Theo một nghiên cứu của Viet Research về đổi mới sáng tạo trong ngành ngân hàng, cho thấy một số xu hướng nổi bật trong thời gian tới như sau:
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI)
Thời gian qua, những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo sinh mang đến một cơ hội mới để tiếp tục tinh chỉnh và tự động hóa công việc, một thời đại mới đã mở ra với nhiều xu hướng công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính - bảo hiểm.
Generative AI cũng thu hút sự chú ý của các lĩnh vực khác nhau, gồm phát hiện gian lận, giao tiếp chiến lược tiếp thị với khách hàng, đánh giá mức độ phù hợp của sản phẩm, viết báo cáo và hỗ trợ hoạt động R&D, tăng cường khả năng sáng tạo tại các ngân hàng và tổ chức tài chính, bảo hiểm.
Báo cáo Statista Market Insights nhận định, tại Việt Nam, tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) trong giai đoạn 2023-2030 của của thị trường AI là 19,51%, cao hơn 2,21 điểm phần trăm so với thị trường AI toàn cầu (17,30%). Tổng giá trị thị trường AI Việt Nam trong năm 2030 được dự báo đạt gần 2 tỷ USD so với 541 triệu USD năm 2023.
Các công nghệ tài chính nhúng (Embedded finance)
Theo báo cáo Toàn cầu của McKinsey, các sản phẩm tài chính tích hợp được dự đoán sẽ sớm chiếm tới một nửa tổng thu nhập ngân hàng. Tài chính tích hợp là một xu hướng công nghệ ngân hàng trong Top đầu, gồm một loạt các lĩnh vực đã và đang tạo ra doanh thu khủng cho ngân hàng.
Nghiên cứu của EY cho thấy, khối lượng thanh toán được xử lý thông qua những kênh tích hợp vào năm 2021 đạt đạt mức 2,5 nghìn tỷ USD, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng mạnh lên 6,5 nghìn tỷ USD. Thị trường đạt tốc độ đổi mới nhanh chóng, sẽ cung cấp cho các công ty tài chính cơ hội tái tạo mô hình kinh doanh của mình và tăng trưởng mới.
Ngân hàng mở (Open Banking)
Báo cáo nghiên cứu thị trường được Polaris Market Research công bố, dịch vụ Open Banking sẽ đạt giá trị khoảng 128,12 tỷ USD vào năm 2030. Dịch vụ này kết nối ngân hàng với công ty tài chính không phải ngân hàng (NBFCs). Các nhà phát triển bên thứ ba có thể truy cập dữ liệu một cách an toàn qua các API ngân hàng, thúc đẩy sự đổi mới như ngân hàng tích hợp.
Khi các ngân hàng dưới dạng dịch vụ (BaaS) phát triển, sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận và tăng thêm nguồn thu nhập tiềm năng.
AI chuyển đổi trải nghiệm khách hàng: Siêu cá nhân hóa dịch vụ, sản phẩm
Việc cá nhân hóa dịch vụ và sản phẩm cho khách hàng là vấn đề tất yếu trong bối cảnh thời đại số. Ngân hàng và các tổ chức tài chính được kỳ vọng cung cấp những dịch vụ siêu cá nhân hóa, bao gồm việc sử dụng dữ liệu thời gian thực, khoa học hành vi để đưa ra một sản phẩm, dịch vụ tốt với giá cả phù hợp và có ngữ cảnh cụ thể.
Có thể trong thời gian tới, siêu cá nhân hóa sẽ trở thành tiêu chuẩn mới của dịch vụ khách hàng trong ngành tài chính - ngân hàng.
Sự cách tân, đổi mới và sáng tạo trong ngành ngân hàng đã mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Việc áp dụng các công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo giúp tối ưu hóa quy trình giao dịch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên. Các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng quan tâm hơn tới vấn đề bảo mật trên nền tảng số, tuân thủ quản trị rủi ro, quy định trong ngành nhằm đảm bảo an toàn, uy tín trong hoạt động giao dịch. Qua đó, sự hài lòng của khách hàng ngày càng tăng cao, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.
Vài năm nay, một số ngân hàng tại Việt Nam như VietinBank, VCB… đã và đang từng bước triển khai thành công hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cấp từ quy trình đến sản phẩm dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng và vẫn đảm bảo tính bảo mật, an toàn thông tin.
3 kịch bản tiềm năng cho ngành ngân hàng
Với các xu hướng trên, ngành ngân hàng đang được dự báo với 3 kịch bản.
- Thứ nhất, các ngân hàng đã tự chuyển đổi để lấy lại niềm tin của khách hàng, ngày càng minh bạch hơn, lấy khách hàng làm trung tâm, tập trung vào việc cung cấp giá trị thực. Với kịch bản này, các ngân hàng có những công bố thông tin rõ ràng và có nỗ lực giúp khách hàng kiểm soát tiền và dữ liệu cá nhân.
Những năm trước đây, các ngân hàng theo đuổi mối quan hệ đối tác với các tổ chức phi ngân hàng, trong khi hoạt động M&A đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành nhanh hơn. Nhiều quy định được đưa ra nhằm đảm bảo người tiêu dùng và nhà đầu tư được bảo vệ.
- Hai là, cách thức hoạt động của ngân hàng đã thay đổi đáng kể do tính cấp bách của hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nhà băng đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong cuộc chiến này khi đầu tư mạnh vào công nghệ xanh và các sản phẩm bền vững.
Chất xúc tác chính làm thay đổi bao gồm: Áp lực của người tiêu dùng và nhà đầu tư; Đầu tư vào môi trường, xã hội, quản trị (ESG); Sự đột phá về công nghệ; Việc áp dụng thuế carbon với những quốc gia gây ô nhiễm lớn.
- Ba là, thế giới đang trở nên phân mảnh vì những yếu tố kinh tế, chính trị, buộc các nhà băng phải thích nghi với cách thức hoạt động trong nước và ứng phó với những quy định khác nhau và kỳ vọng của khách hàng ở mỗi khu vực khác nhau.
Nhiều dự báo rằng sự phân mảnh toàn cầu sẽ gia tăng trong thập kỷ tới, những hiệp định song phương và khu vực thay thế Tổ chức Thương mại Thế giới, sức mạnh kinh tế và chính trị của các nước BRIC+ tăng cao sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu giảm sự phụ thuộc vào đồng USD./.
- Không chọn mua vàng, Gen Z có tư duy đầu tư tài chính khác biệt để “tiền đẻ ra tiền”
- Gen Z “sống chất” với phong cách tài chính 4.0: Luôn biết cách “tích tiểu thành đại”, “xung phong” lan tỏa tài chính số