ISSN-2815-5823
Thứ năm, 08h11 28/04/2022

Xu hướng và hiện trạng kinh tế thế giới: Góc nhìn khoa học từ các chuỗi cung ứng

(KDPT) – Đại dịch Covid-19 và các xung đột chính trị – quân sự; đứt gãy chuỗi cung ứng; giá nhiên liệu tăng cao… Chừng đó yếu tố đã đẩy nền kinh tế thế giới chìm trong sắc xám. Và cơn ác mộng lạm phát đã đến với nhiều quốc gia như một lẽ tất nhiên.

Theo thống kê, tại Hy Lạp, lạm phát đang ở mức cao nhất trong 25 năm và mức tăng giá của nhiều mặt hàng thực phẩm cơ bản ở mức hai con số: Rau củ tăng hơn 14% so với một năm trước, dầu ô liu tăng hơn 15% và một số loại thịt cao hơn 17%. Tại một cửa hàng tạp hóa trong khu phố ở quận Petralona ở trung tâm Athens, những người mua sắm đang chọn một vài món hàng cho biết, họ phải mang theo tờ 20 EUR thay vì tờ 10 EUR như năm ngoái.

Đó là số liệu từ tháng 2 năm nay. Nhưng hiện là tháng 4, tình hình cũng không được cải thiện nhiều hơn là bao. Vật giá vẫn tiếp tục leo thang, đặc biệt là nhiên liệu và lương thực.

Đây không phải là tình trạng cá biệt. Một cơn bão giá đang quét qua toàn thế giới do ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và cuộc chiến kinh tế giữa các nước phương Tây với Nga sau chiến dịch quân sự tại Ukraine. Triển vọng kinh tế toàn cầu đã hoàn toàn thay đổi trước các diễn biến mới. Lạm phát tăng cao khiến “chúng ta sẽ nghèo hơn” và các nền kinh tế, các doanh nghiệp nên chuẩn bị kế hoạch ứng phó trước diễn biến này.

Tại nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong tháng 3, đây là mức tăng cao nhất trong hơn 40 năm qua. Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã gọi lạm phát cao là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế lúc này.

Người tiêu dùng Mỹ đang bị ảnh hưởng từ mọi phía.

Theo tờ Financial Times, chỉ số lạm phát trong toàn khu vực châu Á – từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan đến Hàn Quốc – gần đây đã tăng nhiều hơn dự báo, trong khi New Zealand hôm 13/4 tăng lãi suất cao nhất trong 22 năm do lo ngại về giá cả. Và chi phí sản xuất tăng nhanh cho thấy điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, đang cảm nhận khó khăn về lương thực và năng lượng. Phản ứng của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ là biểu tượng cho áp lực ngày càng tăng của Châu Á. Thống đốc Shaktikanta Das tuyên bố: “Trong chuỗi các ưu tiên, chúng tôi hiện đã đặt lạm phát lên trên tăng trưởng”.

Tại Trung Quốc, giá sản xuất tăng 8,3% so với một năm trước đó, giảm so với mức 8,8% trong tháng 2 nhưng vẫn cao hơn mức ước tính trung bình là 8,1%. Giá tiêu dùng không bao gồm thực phẩm tươi sống ở Nhật Bản, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, tăng 0,6% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước – tốc độ nhanh nhất trong 2 năm, do chi phí năng lượng tăng lên.

Các ngân hàng trung ương ở Hàn Quốc và Singapore cũng họp trong tuần này, với khả năng tăng lãi suất ở Seoul và thắt chặt tiền tệ ở Singapore để chống lạm phát nhập khẩu, đặc biệt là năng lượng.

Một ví dụ của tình trạng nợ quốc gia rơi vào cảnh nguy cấp có thể thấy rõ nhất, đó là quốc gia Nam Á Sri Lanka. Sri Lanka phải trả nợ từ lãi suất trái phiếu quốc tế 78 triệu USD, một phần trong khoản vay nợ quốc gia lên tới 51 tỷ USD. Sang ngày 12/4, Sri Lanka tuyên bố tạm thời xin vỡ nợ. Bộ Tài chính nước này đổ lỗi một phần khó khăn kinh tế tài chính cho dịch Covid-19 và chiến tranh ở Ukraine. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã tuyên bố không thể trả các khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD, như vậy quốc gia này đã phải kích hoạt tình trạng vỡ nợ.

Hiện các quốc gia đang cố gắng “kìm cương” đà tăng lạm phát. Ngân hàng trung ương của các quốc gia trong Liên minh châu Âu đã bắt đầu tăng lãi suất để cố gắng điều tiết đà tăng lạm phát. Các quốc gia châu Âu không sử dụng đồng euro như Cộng hòa Séc, Anh, Na Uy cũng đang triển khai động thái tương tự.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất ba lần kể từ tháng 12. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các công ty đang phải tăng lương cho lao động vì giá cả đắt đỏ hơn. Vì vậy, BoE có thể tiếp tục nâng lãi suất trong tháng này.

Lo ngại về tình hình hiện tại, ông Lưu Hạc, quan chức kinh tế hàng đầu Trung Quốc, ngày 16/3 cam kết chính phủ sẽ “thúc đẩy kinh tế trong quý đầu tiên,” đồng thời đưa ra “các chính sách có lợi cho thị trường.”

Không ai biết chắc các phản ứng chính sách này, được đưa ra một cách gấp gáp trước thực tế thay đổi nhanh chóng, sẽ hiệu quả tới đâu. Hầu hết các nhà kinh tế học đều cho rằng triển vọng toàn cầu vào năm 2022 sẽ tệ hơn dự kiến trước đó khi lạm phát đã đe dọa phá vỡ các nỗ lực phục hồi.

VÂN ANH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024