ISSN-2815-5823

Xứ Quảng ơi, thèm chi mô một chén rượu hồng đào…

(KDPT) – Đầu phố, cuối ngõ ta đã thấy những căn nhà, những góc phố được trang hoàng với mai vàng, thược dược hay cúc đại đóa. Mùa Xuân xứ Quảng dần hiện lên với đầy đủ hương và sắc của “văn hóa trầm tích ngàn năm”, vừa đủ để vỗ về nhớ thương của kẻ lữ hành đón Tết xa quê. “Em ra không, mai anh về Đất Quảng/ Trời miền Nam giáp Tết quá nôn nao/ Thèm chi mô một chén rượu hồng đào/ Dẫu chưa uống – chỉ say từ câu hát”. Dương Quang Anh, xứ Quảng cứ đau đáu hồn người như vậy.

“Có đói cũng ngày Tết/

Có hết cũng ngày mùa”

Xứ Quảng những ngày tháng Chạp lạnh ấm đan xen nhau, sáng có sương, trưa có nắng và chiều trở lạnh. Cái lạnh kéo dài thâu đêm. Thời tiết cũng như thể đang báo hiệu Tết đã cận kề.

Nếu như hoa đào là đặc trưng cho ngày Tết ở miền Bắc, thì ở miền Nam hay miền Trung, sắc mai vàng đã trở nên quen thuộc hơn cả. Cành mai được chọn trên những tiêu chí như: sắc thắm, cánh phân bố đều, nhụy tươi. Đây là loài hoa biểu trưng cho sức dẻo dai bền bỉ, chịu đựng được môi trường sống khó khăn khắc nghiệt, được thể hiện như hình ảnh của kẻ “chính nhân quân tử”, một ẩn sĩ nơi thâm sơn, kiêu hãnh nhưng thanh thoát, vững chải trước nắng gió và thời gian. Cắm một cành mai đặt giữa nhà trên chiếc bàn độc chính là tìm đến nét đẹp tinh thần ấy của con người xứ Quảng.

Quanh năm bão lũ, hạn hán, đất đai vốn cằn cỗi, ít hoa trái, cây trái đặc sản địa phương rất hiếm, người dân xứ Quảng “một nắng hai sương” vì thế mà cũng không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, tâm niệm đặt cái tâm là trên hết, có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên, thường có chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài,…

Các đình, chùa ở Hội An dựng cây nêu vào dịp Tết cầu mong an lành.

Chuyển vào Đà Nẵng – Quảng Nam cũng được ba năm có lẻ, tôi gần như đã quen với những phong tục và lễ nghi của con người nơi đây, không chỉ trong cuộc sống thường ngày mà còn vào dịp lễ Tết.

Do sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán và cả điều kiện tự nhiên nên ở mỗi vùng miền, những món ăn ngày Tết lại mang đặc điểm và hương vị riêng. Ngoài Bắc có bánh chưng, có “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, thì xứ Quảng có “nem chả Hoà Vang – bánh tổ Hội An – khoai lang Trà Kiệu – thơm rượu Tam Kỳ” hay “bánh tét, bánh tổ – bánh nổ, bánh in”. Đây chính là những món ăn truyền thống mỗi dịp Tết đến, hầu như không thiếu trong nhà người dân Quảng Nam và cũng là phong tục xứ Quảng xưa nay. Đã có lời lý giải rằng bánh tét, bánh tổ gói trong đó tấm lòng nhớ về nguồn cội; bánh nổ, bánh in gói trong đó hy vọng một năm mới mọi sự như ý, giòn giã, vẹn tròn.

Dường như trong cái tươi mát của xuân mới, trong cái náo nhiệt háo hức của ngày Tết cổ truyền, hương vị của những món ăn xứ Quảng càng làm ấm lòng người con xa quê, càng làm đậm đà thêm truyền thống văn hóa đặc sắc, bền bỉ của người Việt giữa những đổi thay của cuộc sống hiện đại.

Một tiềm thức dư dả vị Tết

Xưa kia xứ Quảng có Hội An là sầm uất, hàng hóa đã nhiều, người lại đông vui. Hoặc có chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới, đâu cũng tấp nập cảnh người dân đi chợ Tết với đôi gióng, đôi mủng thúng trên vai, nhịp nhàng theo bước chân thoăn thoắt trên đường làng. Nay, bên cạnh các siêu thị, trung tâm thương mại, Quảng Nam còn có các hội chợ xuân, với hình thức vừa bày bán các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, vừa mang tính sinh hoạt tinh thần bởi ở đó có các trò chơi giải trí như cờ tướng, chiếu phim,…

Đến chợ Tết ở Quảng Nam, tôi ít gặp các ông đồ ngồi “bày mực tàu giấy đỏ” bán câu đối Tết như hình ảnh ông đồ của Vũ Đình Liên ngoài Bắc. Thay vào đó, thoảng một góc hương hoa trà quả, mùi trầm thơm lừng nhẹ bay trong gió cũng đủ nghe đâu đây mùi Tết quê nhà.

Ở các sân đình, chùa, bóng dáng của những cây nêu phất phơ lụa đỏ tươi báo hiệu xuân đương về. Lễ hội Tết ở xứ Quảng cũng là một trong những lễ hội lớn của Việt Nam, tạo nên bản sắc văn hoá riêng của cộng đồng dân tộc với phần nội dung hướng tới tính thiêng liêng cao quý nhằm suy tôn các bậc tiền nhân, các vị Thành Hoàng làng, những vị thần bảo hộ như thần sông, thần núi,…

Mùi trầm hương thơm lừng nhẹ bay trong gió cũng đủ nghe đâu đây mùi Tết quê nhà.

Ăn Tết ở xứ người đến nay đã là lần thứ ba, cảm nhận được những lễ nghi cúng bái ngày Tết cũng không khác ở ngoài Bắc. Ngay khi cúng giao thừa xong, hay sáng sớm đầu năm mới, theo từng thứ bậc trong nhà, người nhà chúc Tết, lì xì mừng tuổi và mời nhau miếng bánh, ly trà nóng.

Hằng năm, miền Trung nói chung và xứ Quảng nói riêng luôn phải hứng chịu những cơn thịnh nộ từ thiên nhiên. Năm 2020, vùng đất vốn đã cằn cỗi này liên tiếp phải gánh “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề không chỉ về của cải vật chất mà còn là tính mạng con người. Vượt qua tất cả những đau thương ấy, miền Trung của Việt Nam đã được vinh danh trong top 15 điểm đến nhất định phải ghé thăm do Tạp chí Du lịch Thế giới (World Travel) lựa chọn năm 2020.

Rõ ràng, bên cạnh hình ảnh của dải đất hẹp, “eo thắt đến tận cùng”, đầy khổ ải bởi “nắng nẻ mưa nguồn”, nơi đây còn khiến người ta lưu luyến bởi những tảo tần, chịu thương chịu khó của nhiều thế hệ đã làm nên truyền thống lịch sử của làng xã Việt Nam.

Và xen giữa những mai vàng, cúc đại đóa, những bánh tét, bánh tổ, thì những phong tục tốt đẹp, những nét văn hóa độc đáo ở mảnh đất Quảng Nam đã tô thắm thêm nhiều sắc màu cho một cái Tết đủ đầy, hạnh phúc trên khắp đất nước.

MINH HẠ



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024