Xuân về, mang nhiều ý nghĩa, chúng ta đã đi qua một năm cũ 365 ngày đầy gian lao, khó nhọc.

Trước thách thức không nhỏ của năm cũ, sang năm mới 2021 (Tân Sửu), đặt ra nhiều việc mà Chính phủ cần làm. Đó là phải thay đổi về Luật Đầu tư, chính sách đầu tư để phát huy nội lực và kêu gọi các dòng vốn nước ngoài (FDI) liên doanh, hợp tác, hoặc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Mạch nước ngầm, vẻ đẹp tiềm ẩn, cần được tạo cú hích, phải được kích cầu để phát triển. Khi kinh tế khó khăn, những dự án dễ làm, “ăn xổi ở thì”, lướt sóng không còn nữa. Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần có cơ chế, chính sách tốt nhằm tạo điều kiện cho những nhà đầu tư tâm huyết, có tầm nhìn xa, có điều kiện về tài chính và quan trọng nhất là để họ dám chấp nhận mạo hiểm đầu tư lâu dài. Thực tế đã cho thấy muốn phát triển một huyện nào đó có vị thế địa lý tốt nhưng vẫn trong diện khó khăn, còn nghèo về kinh tế và văn hoá xã hội sớm trở thành thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hay trung ương, điều tiên quyết là phải có nhà đầu tư tiên phong. Họ sẽ mang vốn, công nghệ đến để tạo công ăn việc làm cho địa phương, dần thay đổi cách nghĩ, cách làm cho không chỉ người dân mà còn cho cả quan chức lãnh đạo địa phương ấy được tiếp cận với cái mới, cái cần thiết. Qua đó, thúc đẩy cả xã hội buông bỏ cái cũ, cái chật cứng, lối mòn đã đeo đẳng Việt Nam hàng thập kỷ qua.

Trở lại thực tế mà người viết đã chứng kiến, đã mục sở thị chính là thành phố Chí Linh của tỉnh Hải Dương, mặc dù huyện này có những di tích lịch sử như Côn Sơn, Kiếp Bạc, mảnh đất địa linh nhân kiệt từ hàng ngàn năm trước, vùng đất có tài nguyên lộ thiên là mỏ đất sét, nguyên liệu chính để sản xuất các vật liệu xây dựng cao cấp và nghề gốm của Việt Nam. Nhưng bao năm qua di tích thì mãi là di tích, dù là di tích cấp quốc gia nhưng không thu hút được nhiều du khách, khó phát triển được du lịch tâm linh. Mỏ khoáng sản là đất quý, khai thác xong không được san lấp theo quy định, cả vùng đất trở thành

hoang phế, không canh tác được. Nếu không có nhà đầu tư mới, có tâm, có tầm, có vốn, mạo hiểm bỏ công bỏ sức đầu tư lâu dài như Công ty cổ phần phát triển và đầu tư Đại Sơn, thì hôm nay sẽ không có Trường nghề Việt Nam – Canada, không có khu công nghệ cao IQLinks và chắc hẳn cũng không có Khu đô thị Đại Sơn với cơ sở hạ tầng bài bản, đáp ứng nhu cầu môi trường sống ngày càng cao của xã hội. Trên mảnh đất rộng gần 50 héc-ta dùng khai thác khoáng sản chỉ còn lại thùng, vũng, xơ xác và hoang tàn. Từ năm 2005 chủ đầu tư đã dám bỏ hơn 2 triệu đô la Mỹ để san lấp mặt bằng, quy hoạch lại hạ tầng, để phát triển. Đến thời điểm này, Công ty Đại Sơn đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào các dự án thành phần tại Chí Linh.

“Mạch nước ngầm” này và những “mạch nước ngầm” khác trong huyện Chí Linh ngày xưa, nếu không có Công ty Đại Sơn và những công ty khác như Việt Tiên Sơn, Vin Group… đầu tư nguồn vốn khổng lồ tái kiến thiết, tái quy hoạch để sử dụng thì chắc hẳn vùng đất này sẽ không có bộ mặt khang trang như hiện nay.

Hôm nay Chí Linh trở thành Thành phố, phải nói đến công sức của các cấp lãnh đạo tỉnh Hải Dương, lãnh đạo thị xã Chí Linh và sự đồng thuận của người dân nơi đây. Xét cho cùng, yếu tố quyết định vẫn là nhà đầu tư, trong đó có nguồn tiền từ ngân sách nhà nước, nhưng nguồn vốn của các công ty, các doanh nghiệp mới là quan trọng nhất. Còn đó thành phố Chí Linh hôm nay và còn rất nhiều việc phải làm hiện tại và tương lai. Một thành phố trẻ, nằm trên trung tâm trục đường Quốc lộ 18 từ Hà Nội đi Chí Linh 75 km; Thành phố Chí Linh đi Quảng Ninh 78km; Tiếp giáp với Bắc Ninh, Bắc Giang; Chỉ cần 45km đến Hải Phòng và về thành phố Hải Dương 25km. Thành phố Chí Linh là tâm điểm bởi chính nơi đây là điểm khởi đầu của sông Lục Đầu Giang trong xanh, hiền hoà ghi đậm chiến tích một thời vàng son của dân tộc Việt Nam. Nơi có những trận đánh oanh liệt của nhà Trần chống quân Nguyên. Là điểm dừng cho du khách đi đường bộ và đường thuỷ từ các nơi thăm quan, du lịch và tiếp tục hành trình của mình toả đi mọi miền trên cả nước. Họ có thể ở lại đây thụ hưởng môi trường trong lành, của vùng đất có núi, có sông, có đô thị tiêu chuẩn quốc tế, ăn những món ăn đậm sắc hồn quê… đặc biệt là nơi tín ngưỡng tâm linh, du khách được vào chiêm bái các vị anh hùng, danh nhân của dân tộc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An… những vị tiền nhân khai quốc công thần, vạn dân kính ngưỡng.

Thành phố Chí Linh hôm nay.

Mùa Xuân khơi mạch nước ngầm ví như tài nguyên ẩn dấu, chỉ cần Nhà nước có chính sách, có cơ chế và những quy định, quyết định dài hơi chuẩn mực, có lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư, phát triển dài hạn thì chắc chắn khó khăn, gian khổ đến mấy nhà đầu tư cũng dám mạo hiểm để cùng người dân, chính quyền sở tại bứt phá, vượt lên, tiến về phía trước. Thành phố Chí Linh sẽ trở thành nơi hội tụ tinh hoa, nơi phát triển nhất của tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ tìm đến rót công, rót của vào đây.

Những ngày đầu năm mới, mặc dù còn nhiều khó khăn tiềm ẩn. Nhưng với khí xuân, sắc xuân, linh khí của các vị tiền nhân, của đất nước ngàn năm văn hiến, hoà cùng khát vọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ truyền cảm hứng, lan toả tới gần 100 triệu người dân Việt Nam luôn mong muốn đất nước cường thịnh. Ngoài kia, khắp chốn, khắp nơi những nụ hoa đang hé nở, kheo sắc, những chồi non đang vươn lên, mãi xanh tươi cho đất nước Việt Nam ngày một tươi đẹp, hạnh phúc hơn, hy vọng này sẽ sớm đến trong tầm tay của chúng ta.

Chí Linh, mùa Xuân 2021

NGUYỄN HOÀI BẮC – Việt kiều Canada