3 động lực thúc đẩy doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ tăng trưởng trong năm 2024
Lạm phát ổn định
Lạm phát toàn cầu trong năm 2023 vẫn ở mức khá cao, cá biệt nhiều quốc gia còn có mức lạm phát từ 8% - 12% tuy nhiên hiện nay lạm phát đã cho thấy xu hướng giảm dần sau thời gian các nước đồng loạt tăng lãi suất. Theo đó, tại Việt Nam, trong báo cáo mới đây từ Tổng Cục thống kê (GSO), trong năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng cao với 4,89%, áp lực lạm phát rất lớn nhưng sau đó đã giảm dần, đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, đến tháng 12 tăng 3,58%, bình quân cả năm 2023 lạm phát ở mức 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Số liệu lạm phát 2023. (Nguồn: Tổng Cục thống kê) |
Lạm phát duy trì trong mục tiêu đã giúp Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) có nhiều dư địa để nới lỏng hơn chính sách tiền tệ. Cụ thể, trong năm 2023, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hướng về năm 2024, theo báo cáo mới đây của AFA Capital, lạm phát sẽ tiếp tục ổn định với 3 lý do:
Các cấu phần chính của CPI nhìn chung đều duy trì ổn định trong năm 2024. (Nguồn: GSO, tổng hợp: AFA Capital) |
Thứ nhất, mức nền được duy trì thấp trong năm 2023 sẽ hỗ trợ lạm phát không tăng quá mạnh.
Thứ hai, giá 1 số loại hàng hóa đóng góp tỷ trọng lớn vào cách tính CPI của Việt Nam như giá thịt heo, giá năng lượng, giá điện và giá vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục duy trì ổn định do nguồn cung đảm bảo (giá hàng hóa ổn định) và nhu cầu vẫn sẽ nằm ở mức vừa phải kể cả lương cơ bản có tăng tuy nhiên tổng cầu vẫn chưa được cải thiện nhiều trong những tháng đầu năm, sang nửa sau hoặc cuối năm 2024 tổng cầu có thể tăng nhẹ.
Thứ ba, việc học phí tăng trong năm 2024 sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến lạm phát tổng thể do chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (~6%) trong cấu phần giỏ hàng hóa CPI của Việt Nam.
Theo đó, lạm phát tiếp tục ổn định sẽ giúp NHNN có dư địa để tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, kích cầu tiêu dùng, sản xuất, để từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Trong đó, ngành tiêu dùng, bán lẻ hứa hẹn sẽ hưởng lợi lớn và phục hồi mạnh mẽ.
Sản xuất, tiêu dùng hồi phục
Mới đây, theo cập nhật từ Tổng cục Thống kê (GSO), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 năm 2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,1%).
Bên cạnh đó, nhờ các chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch được thực hiện rộng khắp cùng với Việt Nam luôn là điểm đến an toàn nên khách quốc tế đến nước ta tháng 01 năm 2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước.
Một thông số khác cũng quan trọng không kém, góp phần hé lộ bức tranh phục hồi của nền kinh tế là Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP). Theo đó, GSO vừa công bố chỉ số IIP tháng 01/2024 ước tính tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%...
Sáng ngày 01/02 vừa qua, báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI®) mới nhất của S&P Global đã được công bố. Các nhà sản xuất Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024 khi những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu cải thiện giúp số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại. Theo đó, chỉ số đã quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, khi tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12, lần đầu tiên quay lại mức 50 sau 5 tháng.
Khách hàng mua sắm nhộn nhịp dịp cuối tuần tại siêu thị WinMart. |
Những con số biết nói của sản xuất, tiêu dùng từ cuối quý IV/2023 đến nay phần nào báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và tiêu dùng nói riêng, góp phần thúc đẩy kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ.
Các chính sách thiết thực giúp kích cầu tiêu dùng nội địa
Tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề kích cầu tiêu dùng nội địa, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (đến từ trường Đại học FullBright) cho biết, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP. Do đó, kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất. Đặc biệt là gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hướng vào các doanh nghiệp nội địa. Cần chính sách gắn khuyến khích tiêu dùng trong nước với sản xuất trong nước.
Thấu hiểu điều này, trong tháng cuối năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội. Cụ thể, tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh phải đối phó và khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 và đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, Nhà nước đã thành công trong việc tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ dùng để chuẩn bị cho việc cải cách tiền lương trong giai đoạn 2024, 2025 và 2026. Cụ thể, từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách, tăng tiền lương cơ bản cho công chức viên chức theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Với lạm phát ổn định, Nhà nước linh hoạt vận dụng các chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm tối ưu hóa tăng trưởng GDP, giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ như Masan sẽ hưởng lợi đáng kể. Nhận diện rõ lợi thế này, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận nằm trong khoảng 2.290 tỷ đồng và 4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận Masan tăng trưởng mạnh gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023./.