4 bước đơn giản giúp cô gái 29 tuổi từ nợ gần 300 triệu đồng đến tiền tiết kiệm rủng rỉnh
Hầu hết những người trẻ hiện nay đều có sức khỏe, thời gian và nhiều cơ hội để kiếm tiền. Thế nhưng, đa số mọi người đều có vấn đề riêng cần phải khắc phục, giải quyết. Nếu không có biện pháp từ sớm, số tiền mà họ thu về sẽ "không cánh mà bay", thậm chí còn có thể nợ nần chồng chất. Điều này cho thấy, một trong những yếu tố chính là cách quản lý tiền bạc.
Trâm Anh - một cô nàng 29 tuổi đến từ TP.HCM cho biết: “Sau 5 năm đi làm, mình đã có thêm… một khoản nợ gần 300 triệu đồng. Thậm chí, có lúc mình không tin điều này có thể xảy ra cho đến khi nói chuyện với những người bạn khác. Kết quả, nhiều người cũng giống như mình, dù ít dù nhiều cũng có một khoản nợ nào đó”.
Tình trạng bội chi, nợ nần chồng chất từng là nguyên nhân khiến cô gái 29 tuổi thường xuyên stress, căng thẳng. Theo Trâm Anh chia sẻ, trước đây cô nàng cũng từng là người làm công việc ngoài giờ, ngày nào cũng chăm chỉ hoàn thành các deadline và giải quyết hàng loạt vấn đề khác. 9x từng loay hoay tìm đủ mọi cách để tăng cường thu nhập. Thế nhưng Trâm Anh nhận ra, chỉ khi học cách quản lý tiền bạc thì vấn đề tài chính mới được cải thiện và khắc phục.
Để có thể giải quyết tình trạng cá nhân, Trâm Anh đã tóm tắt 4 bước quan trọng dựa trên kinh nghiệm "xương máu" của mình.
Thứ nhất, lập ngân sách và liên tục kiểm tra tài khoản
Tất cả các khoản thu chi hàng ngày đều được ghi chép theo đúng thời hạn. Theo Trâm Anh, chỉ khi sổ sách rõ ràng thì mới nắm rõ được các khoản chi tiêu cụ thể. Cô nàng 9x bộc bạch, việc lập kế hoạch ngân sách sẽ được làm từ đầu tháng, dựa trên phân tích dữ liệu tài chính của tháng liền trước.
Chia sẻ về tác dụng của việc lập kế hoạch chi tiêu, Trâm Anh cho hay: “Việc lập ngân sách và không lập ngân sách tạo nên khác biệt khá lớn. Điều này có thể giúp bạn chi tiêu hiệu quả hơn, đúng theo kế hoạch và mục tiêu đã đề ra, tránh được tình trạng chi tiêu bừa bãi, tiêu nhiều hơn thu”.
Đến cuối tháng hãy tiến hành tổng kết chi tiêu. Khi đó, mọi người sẽ biết được khoản chi nào có thể tránh, khoản nào là cần thiết, từ đó rút ra bài học thu chi hợp lý cho tháng tiếp theo.
Trâm Anh cho biết, hầu hết mọi người đều lập ngân sách theo thứ tự là: Tiêu dùng hàng ngày - trả nợ - đầu tư. Vì thế, họ thường sẽ chẳng còn tiền mà đầu tư nữa, dù đó là quản lý tài chính hay là đầu tư vào bản thân. Đây cũng là lý do mà Trâm Anh tự rút ra bài học cho chính mình.
Trong cuốn sách “Rich Dad Poor Dad” có nêu một nguyên tắc, đó là: Mọi người nên trả tiền cho bản thân mình trước. Tức là, từ giờ trở đi, chúng ta có thể thử nghiệm một cách khác, theo thứ tự lần lượt là: Đầu tư - trả nợ - tiêu dùng hàng ngày. Nhờ đó, mọi người có thể đầu tư trước khi tiến hành tiêu tiền, dù thu nhập hàng tháng không quá nhiều.
Thứ hai, lập danh sách nợ
Nhiều người có khi còn không biết bản thân đang nợ tổng cộng bao nhiêu tiền, chỉ biết có tiền là sẽ trả. Vì thế, nợ nần của họ ngày càng tăng lên, bản thân cũng rơi vào một vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này chính là lập danh sách nợ. Mọi người sẽ biết được mình đang nợ những ai, nợ bao nhiêu tiền và kiểm soát được vấn đề này. Đồng thời, lập kế hoạch trả nợ một cách rõ ràng, chi tiết, note lại từng khoản đã trả và thời điểm trả, số tiền còn thiếu…
Sau khi lập danh sách nợ, điều này sẽ là động lực để bạn kiếm tiền trả nợ. Nếu bất ngờ hết tiền, mọi người có thể sử dụng "tạm" thẻ tín dụng, nhưng hãy dùng một cách tỉnh táo và có kiểm soát.
Thứ ba, học cách kiếm và tiết kiệm tiền
Dù có tiền hay không, bạn đều phải học cách kiếm tiền và tiết kiệm tiền, từ đó sẽ kiếm nhiều tiền hơn nữa.
Trước kia khi còn nợ nần, Trâm Anh sẽ đặt cho bản thân một mục tiêu nhỏ mỗi tháng. Hàng tháng, 9x sẽ tiết kiệm ¼ lương, sau đó gửi vào một tài khoản không thể chạm đến. Một phần tiền lương khác được dùng để trả nợ. Chưa kể, công việc phụ cũng giúp cô nàng kiếm thêm tiền, đẩy nhanh tiến độ trả nợ.
Suốt quãng thời gian đó, Trâm Anh luôn cố gắng vừa trả hết nợ, vừa tiết kiệm tiền. Đến khi hết nợ, cô nàng bất ngờ vì vui sướng khi phát hiện bản thân vẫn còn tiền tiết kiệm.
Thứ tư, học cách để tăng thu và giảm chi
Ngày nay, nhiều người gặp khó khăn trong việc tiêu dùng vì chỉ có 1 công việc duy nhất. Tăng thu và giảm chi là cách quan trọng để mọi người có thể sống tốt hơn.
Chia sẻ về cách tiết kiệm tiền, Trâm Anh cho hay: “Bạn cần tiết kiệm tiền đối với những chi phí không cần thiết, chỉ mua những thứ thực sự quan trọng, tự nấu ăn, hạn chế uống cà phê trà sữa. Lập danh sách chi tiết khi đi siêu thị, học được cách trì hoãn việc tận hưởng. Việc trả nợ phải là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, tìm hiểu các công việc bán thời gian khác để tăng thêm thu nhập”.
Trâm Anh khẳng định, chỉ cần thực hiện được 4 điều nói trên, mọi người sẽ trả được nợ sớm nhất có thể, đồng thời có thêm một khoản tiết kiệm kha khá cho bản thân./.
- Bí quyết tiết kiệm của cô gái 28 tuổi: Chỉ cần 3,5 triệu/tháng là sống thoải mái!
- Thời hoàng kim của gửi tiết kiệm khép lại, nhà đầu tư nên bỏ tiền vào kênh nào để có lợi nhuận cao?
- Bí quyết thu về lợi nhuận cao nhất khi gửi tiết kiệm qua ngân hàng số