ISSN-2815-5823

AHLĐ, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp: “Chiến mã” chưa khi nào ngừng lại

(KDPT) – Chúng tôi nhận được cuốn sách “Như tôi đã sống” – tập hồi kí của AHLĐ, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 36, Bộ Quốc phòng, trong những ngày tháng 5 lịch sử. Vị Đại tá – Doanh nhân này tôi đã được nghe kể nhiều lần nhưng là mỗi người một câu chuyện, một ý kiến, tựu trung lại đều ngợi ca bản lĩnh, ý chí, sự quyết đoán, mạnh mẽ của ông. Tuy vậy, phải đến khi cầm trên tay cuốn hồi kí “Như tôi đã sống”, tôi mới có cái nhìn thấu suốt về cuộc đời hào hùng của ông và một lần nữa thêm quyết tâm thực hiện chương trình vinh danh những doanh nhân Việt Nam thời kì “xóa nỗi nhục nghèo nàn lạc hậu” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Cuốn sách vinh dự được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết lời đề tựa: ”Như tôi đã sống” là cuốn tự truyện của một người con Xứ Nghệ. Một “chiến mã” Trường Sơn thời đánh Mỹ. Một chiến binh đầy quả cảm trên mặt trận xây dựng kinh tế. Một Anh hùng Lao động thời kì đổi mới. Một cuốn sách có những điều rất cần cho cuộc sống”.

Một “chiến mã” Trường Sơn

Nguyễn Đăng Giáp sinh ra và lớn lên trên quê hương làng Đông Chử, xã Nghi Trường, Nghi Lộc, Nghệ An. Thời trai trẻ, dù nhà nghèo, lại đông anh em, Nguyễn Đăng Giáp vẫn quyết tâm học hành. Anh đã thi đỗ Đại học Mỏ – Địa chất nhưng ước mơ học tập chưa kịp thực hiện thì một ngày mùa thu năm 1971, anh đã tạm gác lại nó, tình nguyện lên đường nhập ngũ và trở thành một anh lính lái xe.

Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp

Sau mùa hè đỏ lửa 1972, chiến trường vô cùng khốc liệt. Trong một lần lái xe vượt qua trọng điểm, Nguyễn Đăng Giáp trúng bom tọa độ, mang trên mình thương tật hạng 4/4. Sau thời gian ở binh trạm 14, anh tiếp tục được điều về sư đoàn vận tải 471, chạy suốt Nam Lào – Cam-pu-chia – miền Đông Nam Bộ rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

5 năm lái xe Trường Sơn đã tôi luyện tay lái và bản lĩnh người lính Nguyễn Đăng Giáp song đất nước vừa hoà bình, khác với nhiều đồng đội khác, anh chưa được rời tay lái chiến trường mà tiếp tục lên đường nhận nhiệm vụ mới, nhiệm vụ quốc tế cao cả bên nước bạn Lào và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Về nước, năm 1985, anh được điều động làm trưởng trạm TO2 – trạm khách của Binh đoàn 11. Công việc mới trong thời bình đã giúp anh mở mang nhận thức. Nghị quyết Đại hội Đảng VI khi đó vừa ra đời với sinh khí “đổi mới” khiến Nguyễn Đăng Giáp suy nghĩ rất nhiều về sự cần thiết phải “đổi mới” chính mình, mà trước hết là đổi mới tư duy. Vừa làm việc, anh vừa tranh thủ đăng ký đi học thêm Đại học Luật hệ chính quy 4 năm liền.

Năm 1996, Nguyễn Đăng Giáp được giao nhiệm vụ sang làm phó Giám đốc Xí nghiệp 37 kiêm đội trưởng đội 18 thuộc Cty 665, Binh đoàn 11. Làm kinh tế lúc này là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với anh. Đây có lẽ thực sự là một “bước ngoặt” trong cuộc đời người lính của anh.

Chiến binh quả cảm trên mặt trận kinh tế

Từ người chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong khói lửa chiến tranh chống Mỹ ở cung đường 20 – Quyết Thắng, đến thời bình làm giám đốc xí nghiệp, giám đốc công ty, rồi Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty 36. Ở mỗi thời kỳ, mỗi chức danh, phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ luôn thể hiện rõ trong Đại tá Nguyễn Đăng Giáp.

Đánh giá về tài năng của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp ở vị trí nhà thầu thi công xây dựng toà nhà đa năng, Giáo sư-Tiến sĩ Phan Công Nghĩa, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: “Anh Giáp là người có tâm huyết với sự nghiệp Giáo dục -Đào tạo của nước nhà. Khi thi công thực hiện gói thầu tầng hầm và móng của nhà trung tâm, tôi thấy anh Giáp là một người chịu khó, năng động. Anh Giáp đã tìm ra giải pháp thi công thay thế giải pháp tường vây bằng giải pháp công nghệ hiện đại là cừ móng Larsen. Khi tôi làm việc với thiết kế tư vấn Pháp thì ông này nói đây là một giải pháp hết sức hiệu quả và an toàn”.

Trong vòng 3 năm, từ 1 doanh nghiệp sắp giải thể dưới sự chèo lái của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, giá trị sản lượng của Công ty 36 đạt được tăng theo cấp số nhân gấp 10 lần và chỉ vài năm sau đã thành một thương hiệu lớn của ngành Xây dựng Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nguyễn Đăng Giáp và người nhà đang sở hữu khối tài sản lớn tại TCT 36.

Là thương binh hạng 4/4, trong 5 năm gần đây, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã huy động đồng chí, đồng đội, xây dựng trên 50 nhà tình nghĩa, tặng trên 300 sổ tiết kiệm, sửa sang, tôn tạo hàng trăm con đường, trạm y tế, trường học, tượng đài liệt sĩ… với số tiền gần 25 tỷ đồng.

Với người anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng các công trình, gắn liền với thương hiệu của doanh nghiệp, đồng nghĩa với đời sống vật chất, tinh thần của hàng nghìn lao động trong đơn vị được nâng cao. Ông tâm niệm rằng: Việc giành được danh hiệu đã khó, nhưng giữ vững và phát huy được danh hiệu cho Tổng công ty còn là việc khó hơn. Vì vậy, trong công việc, ông luôn phấn đấu hết mình và không ngừng nghỉ.

Vĩ thanh

Vinh quang là vậy nhưng cũng trong cuốn tự truyện này, AHLĐ, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp không tự nhận mọi thành công thuộc về tài năng bẩm sinh, cố hữu. Ông chia sẻ rằng đó là nhờ sự nỗ lực không quản ngày đêm, mưa nắng của anh chị em cán bộ, công nhân công ty. Hơn nữa, ông vẫn tâm niệm “Ngọc bất trác bất thành khí” – Ngọc không mài giũa thì không sáng. Bởi vậy, những gì có được hôm nay, ông đều cho rằng đó là kết quả của một quá trình rèn luyện, trau dồi, “thức nhọn mọi giác quan”, dám đối đầu với khó khăn – tự đặt cho mình bài toán khó để tìm cách vượt qua và qua đó mà thành công.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp (trái) được trao hoa và tôn vinh trong đêm nhạc “Như tôi đã sống”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng căn dặn doanh nhân Việt Nam: “sẽ giữ vững ý chí vươn lên theo tinh thần luôn luôn đổi mới, luôn luôn sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn… không ngừng mở rộng tầm nhìn, phát triển thị trường, xây dựng doanh nghiệp vươn tới trình độ khu vực và quốc tế trong thời đại Hồ Chí Minh, xứng danh với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc”. Thiết nghĩ, con đường AHLĐ, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã đi và đang đi chính là những điều Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong mỏi ở thế hệ doanh nhân Việt Nam hôm nay.

Minh Long

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024