ISSN-2815-5823

Dòng tiền rẻ vẫn ở ngoài thị trường, chứng khoán nhận hơn 2 tỷ USD trong một năm

(KDPT) - Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục, dòng tiền rảnh rỗi đang “vật vã” tìm kênh đầu tư. Bên cạnh thị trường vàng, dòng tiền trong nước đang đổ xô vào chứng khoán. Trong vòng 1 năm qua đã nhận ròng gần 2 tỷ USD, gần bằng giai đoạn lịch sử hồi năm 2021.

Nhà đầu tư trong nước rót 2 tỷ USD vào chứng khoán

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm về dưới 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trong suốt 1 năm nay, khiến cho dòng tiền rảnh rỗi vẫn ở ngoài thị trường và cố gắng tìm kiếm kênh đầu tư sinh lời tốt hơn, trong đó có chứng khoán.

Tính đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi hệ thống ngân hàng đạt 13,4 triệu tỷ, giảm 0,76% so với gần 12,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, đã có 500.000 tỷ chảy khỏi hệ thống và một lượng tiền nhàn rỗi chảy vào thị trường chứng khoán, vàng.

Theo số liệu, khối nội mua ròng 4,13 nghìn tỷ đồng trong tháng 4, nâng tổng giá trị mua ròng đạt 20,44 nghìn tỷ đồng kể từ đầu năm. Lũy kế 12 tháng kể từ tháng 4/2023, các nhà đầu tư cá nhân gom ròng gần 48.000 tỷ đồng, khối tự doanh mua ròng 10.600 tỷ đồng. Tổng cả hai nhóm mua ròng 58.400 tỷ đồng, tương đương 2,3 tỷ USD. 

Dòng vốn hiện tại mạnh nhất nhì lịch sử
Dòng vốn hiện tại mạnh nhất nhì lịch sử

Nhờ lực mua của khối nội đã cân bằng lại động thái bán ròng của khối ngoại. Lũy kế 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 16,8 nghìn tỷ đồng, bằng 73,9% giá trị bán ròng năm 2023 (hơn 22,8 nghìn tỷ đồng). Lũy kế 12 tháng qua, khối ngoại bán ròng 45,3 nghìn tỷ đồng, thời gian bán mạnh nhất là tháng 12/2023 và tháng 3/2024.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mới hoạt động được hơn 20 năm, song dòng vốn hiện tại mạnh nhất nhì lịch sử, chỉ kém giai đoạn bùng nổ năm 2021 với Vn-Index vượt 1.500 điểm. So với thời điểm đó, tốc độ mua ròng của khối nội là chưa từng có.

Nhờ vậy, thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể ngay từ các tháng đầu năm. Thị trường có nhiều hơn các phiên giao dịch 30.000-40.000 tỷ đồng. Chỉ có vài phiên co lại 20.000 tỷ đồng với nhiều câu chuyện như tích lũy để bùng nổ.

Thực tế, tiền gửi của các nhà đầu tư chứng khoán ghi nhận mức kỷ lục trong năm nay. Một lượng tiền lớn đã sẵn sàng để vào thị trường bất cứ lúc nào.

Một thống kế từ hơn 70 công ty chứng khoán Việt Nam cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2024, số dư tiền gửi trong tài khoản chứng khoán đạt hơn 100.000 tỷ đồng, chủ yếu là tiền của nhà đầu tư được công ty chứng khoán quản lý. So với cuối năm 2023, con số này đã tăng hơn 20.000 tỷ đồng.

Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán tăng so với quý trước, cũng ghi nhận mức cao nhất lịch sử.

Số dư tiền gửi trong tài khoản chứng khoán đạt hơn 100.000 tỷ đồng
Số dư tiền gửi trong tài khoản chứng khoán đạt hơn 100.000 tỷ đồng

Tính đến cuối tháng 3/2023, với hơn 100.000 tỷ đồng đã tương đương với giai đoạn đầu năm 2022 khi VN-Index đạt đỉnh 1.528 điểm hồi tháng 1. Thời điểm đó, số dư tiền gửi liên tiếp duy trì trên mốc 90.000 tỷ đồng và lập kỷ lục 100.000 tỷ đồng, sau đó lượng tiền đổ bộ vào thị trường khiến thanh khoản tăng kỷ lục hơn 2 tỷ USD. VN-Index có 2 lần cán mốc 1.528 điểm trong quý I/2022.

Dòng vốn của khối nội còn được củng cố bởi việc có hơn 110.000 tài khoản chứng khoán được mở mới trong tháng 4/2024, lũy kế tăng hơn 500 nghìn tài khoản kể từ hồi đầu năm.

Hướng đi của VN-Index

Dù khối ngoại liên tục bán ròng nhưng nhanh chóng bị “lãng quên” do nhà đầu tư trong nước mới là thế lực dẫn dắt chỉ số VN-Index. Ở giai đoạn 2021-2022, có thể thấy vốn nội mua ròng trong năm 2021 gần 4 tỷ USD, VN-Index nhiều lần lập đỉnh lịch sử, đỉnh cao nhất là chạm mốc 1.500,81 điểm vào ngày 25/11.

Trong khi đó vào năm 2022, khối nội bán ròng gần 34.000 tỷ đồng khiến VN-Index chịu áp lực chỉnh lớn. Hàng loạt các phiên chạm đáy, đỉnh điểm là phiên ngày 16/11 khi VN-Index lao thẳng xuống 873,78 điểm, giảm 35% từ mức đỉnh 1.536 điểm.

Mặt bằng lãi suất là động lực của dòng vốn nội. Kể cả năm 2021 và hiện tại, mặt bằng lãi suất đều đang ở mức rất thấp, lượng lớn tiền rẻ đang lưu động ngoài thị trường. Năm 2022, khi lãi suất cao thì thị trường chứng khoán chạm đáy.

Thời điểm hiện tại, thị tường được xem là miếng bánh ngon hơn cả giai đoạn 2021. Không chỉ lãi suất dưới 5% mà kinh tế còn hồi phục, lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh từ đáy, VN-Index vẫn được định giá hấp dẫn hơn so với các thị trường khác trên thế giới, trong khi câu chuyện M&A vẫn sôi nổi khắp các ngành nghề.

Thị tường chứng khoán hiện tại được xem là miếng bánh ngon
Thị tường chứng khoán hiện tại được xem là miếng bánh ngon

Đặc biệt là thị trường chứng khoán đang được đẩy nhanh nâng hạng, giúp thị trường hấp dẫn hơn trong mắt khối ngoại và cả dòng tiền trong nước. Chỉ cần có thông tin về nâng hạng, VN-Index lại nhảy múa liên tục.

Chứng khoán BSC kỳ vọng, trong tương lai gần, khoảng tháng 6/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi được nâng hạng lên thị trường mới nổi. 

Dù khối ngoại bán ròng nhưng đà bán ở nhóm chủ động đã giảm rõ rệt trong tháng vừa qua. Tháng 4 ghi nhận giá trị bán ròng của nhóm chủ động nước ngoài là 5,4 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 43,4% so với mức bán của tháng trước đó.

Một số quỹ ghi nhận hiệu suất âm nhưng vẫn tin tưởng thị trường Việt Nam. Trong tháng 4, Pyn Elite Fund lỗ hơn 8% nhưng tiếp tục đổ tiền tháng thứ 2 liên tiếp với hơn 75 tỷ đồng.

Lãnh đạo Pyn Elite Fund nhận định: “Triển vọng tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024 là tuyệt vời. Thị trường chứng khoán hiện được định giá rất hấp dẫn so với mức tăng trưởng lợi nhuận. Các biến động lớn trên thị trường diễn ra không như mong muốn, nhưng không làm thay đổi kỳ vọng của chúng tôi về sự phát triển tích cực của chỉ số Việt Nam”./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024