Bài 2: Công nghiệp sinh thái - Hướng mở trong nền kinh tế
Bài 1: Cơ sở pháp lý về khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam
Tổng quan về thí điểm chuyển đổi
Trong thời gian từ tháng 1/2016 đến nay, có 8 KCN ở Việt Nam tham gia thực hiện thí điểm chuyển đổi sang KCNST với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO. Các KCN gồm: Amata và Long Thành tại Đồng Nai, Deep C 1&2 tại Hải Phòng, Hiệp Phước tại Hồ Chí Minh, Hòa Khánh tại Đà Nẵng, Khánh Phú tại Ninh Bình, Phố Nối A tại Hưng Yên và Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ.
Các hỗ trợ được chia thành 2 nhóm:
Nhóm 1: Hỗ trợ kỹ thuật sâu nhằm thực hiện chuyển đổi sang KCNST được thực hiện đối với 3 KCN là Hòa Khánh, Khánh Phú và Trà Nóc 1&2 (thực hiện từ năm 2016 đến 2019). Ngoài ra, KCN Gián Khẩu của Ninh Bình cũng tham gia vào một phần các hoạt động chuyển đổi.
Hai KCN này được lựa chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi với 2 hoạt động quan trọng là CSCN và thực hiện hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn ở các doanh nghiệp (DN). Năm 2015, KCN Khánh Phú có tổng số 20 DN sản xuất đang hoạt động thuộc các lĩnh vực: dệt may, cơ khí, kính nổi, phân bón, xi măng, vật liệu xây dựng và công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp của KCN Khánh Phú chiếm 40% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Ninh Bình. KCN Gián Khẩu tham gia thực hiện chuyển đổi từ năm 2017. KCN Gián Khẩu có số lượng DN hoạt động cao nhất trong số các KCN tại tỉnh Ninh Bình. Tại KCN có 22 DN đang hoạt động trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên và hóa chất như: may mặc, năng lượng, chế biến thực phẩm, hóa phẩm, xi măng...
KCN Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng: Bắt đầu thực hiện các hoạt động chuyển đổi sang KCNST từ năm 2015. Tại thời điểm tham gia, KCN có 132 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Các ngành nghề chủ đạo trong KCN là sản xuất giấy, chế biến thực phẩm, nước uống, thép tiền chế, dệt may, vật liệu xây dựng…
KCN Trà Nóc 1&2, thành phố Cần Thơ: KCN Trà Nóc 1&2 có 72 DN tham gia sản xuất hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: chế biến thực phẩm (thủy hải sản), dệt may, hóa mỹ phẩm, vật liệu xây dựng…
Ở cả 4 KCN, phần lớn các DN đều thuộc nhóm các ngành nghề có tiềm năng áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như tiềm năng thực hiện các giải pháp CSCN.
Nhóm 2: Hỗ trợ đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chí của KCNST cho toàn bộ 8 KCN (thực hiện từ năm 2021). Việc đánh giá được thực hiện dựa trên 4 nhóm khía cạnh: Hoạt động quản lý KCN, Môi trường, Xã hội và Kinh tế.
Kết quả đánh giá tổng thể của 8 KCN như sau:
Chỉ tiêu | Mức độ đáp ứng (%) |
Hoạt động quản lý KCN |
|
Các dịch vụ quản lý KCN (cơ bản) | 88 |
Giám sát và quản lý rủi ro | 59 |
Quy hoạch và phân khu | 88 |
Môi trường |
|
Giám sát và quản lý | 25 |
Năng lượng | 46 |
Nước | 56 |
Rác thải và sử dụng nguyên vật liệu | 38 |
Biến đổi khí hậu và môi trường tự nhiên | 43 |
Xã hội |
|
Các hệ thống quản lý xã hội | 40 |
Hạ tầng xã hội | 43 |
Tương tác với cộng đồng cư dân tại địa phương | 13 |
Kinh tế |
|
Tạo công ăn việc làm | 67 |
Thúc đẩy kinh tế địa phương và phát triển các DN NVV | 38 |
Tạo giá trị kinh tế | 7 |
Kết quả nghiên cứu từ các mô hình thí điểm thực tiễn
Ở Việt Nam, đến nay, việc chuyển đổi từ KCN sang KCNST theo cách tiếp cận nâng cao hiệu suất sản xuất thông qua thực hiện hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) trong các DN sản xuất và thực hiện các kết nối CSCN giữa các DN trong KCN mới chỉ được thực hiện thông qua 04 thí điểm. Việc thực hiện thí điểm này được triển khai thông qua hỗ trợ kỹ thuật của dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện. Dự án được hỗ trợ vốn viện trợ không hoàn lại từ các nhà tài trợ: Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Quỹ môi trường toàn cầu (GEF). Theo đó, 04 KCN là KCN Khánh Phú và KCN Gián Khẩu (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ) được thực hiện thí điểm chuyển đối từ năm 2015 đến 2019.
Số lượng các DN được đánh giá RECP và Đề xuất giải pháp
Địa phương | Các khu công nghiệp thí điểm | Giải pháp thực hiện/giải pháp đề xuất | ||
Khánh Phú và Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình | Hòa Khánh, Tp.Đà Nẵng | Trà Nóc 1&2, Tp. Cần Thơ | ||
Số DN tham gia/tổng số DN đang hoạt động sản xuất | 16/43 | 23/132 | 29/72 | 974/939 |
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018.
Tỷ lệ DN thực hiện giải pháp RECP trên tổng số DN đang hoạt động cụ thể là: Ninh Bình: 16/43 (37%), Đà Nẵng: 23/132 (17,4%) và Cần Thơ: 29/72 (40,3%). Đối chiếu với chỉ tiêu thứ ba tại Điều 42 về Tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái của Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý KCN và KKT, thì chỉ riêng thông qua các hoạt động hỗ trợ của Dự án nêu trên, các KCN thí điểm của Cần Thơ và Ninh Bình đã đáp ứng được tiêu chí đánh giá cụ thể này. Riêng ở Hòa Khánh, mặc dù tỷ lệ DN tham gia hoạt động RECP chỉ đạt 17,4%, nhưng tổng khu có hơn 30% DN đã và đang thực hiện RECP do một số DN đã tự tham gia các hoạt động hỗ trợ tương tự, hoặc bản thân DN đã ở trình độ sản xuất cao và HSTN&SXSH là một quy trình bắt buộc và được duy trì thực hiện thường xuyên (chủ yếu là ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài).
Cụ thể hơn, 974 giải pháp đã được đề xuất tại các DN là các giải pháp tiết kiệm điện: 62,5%, tiết kiệm nguyên vật liệu: 5,5%, tiết kiệm nước: 14,6%, tiết kiệm nhiên liệu: 12,5%, tiết kiệm hóa chất: 3,3% và giảm thiểu tác động môi trường: 1,5%.
Lợi ích việc thực hiện RECP tại các thực hiện thí điểm chuyển đổi
Chỉ số | Đơn vị | Tổng | Lũy kế tác động của dự án sau 3 năm thực hiện |
Tổng đầu tư cho RECP | Tỷ VNĐ | 207,02 | 207,02 |
Tổng tiền tiết kiệm hàng năm | Tỷ VNĐ | 75,70 | 171,03 |
Lợi ích kỹ thuật: | |||
Tiết kiệm NVL | tấn/năm | 3.104,00 | 8.814,00 |
Tiết kiệm điện | kWh/năm | 17.842.763,00 | 37.546.636,00 |
Tiết kiệm nhiên liệu | Tấn than/năm | 5.114,60 | 15.323,20 |
Tấn củi/trấu/năm | 1.490,00 | 3.000,00 | |
tấn LPG/năm | 39,26 | 94,32 | |
CNG Sm3/năm | 765.080,00 | 1.530.160,00 | |
tấn hơi nước/năm | 2.610,00 | 5.220,00 | |
Giảm tiêu thụ nước | m3/năm | 429.609,00 | 856.208,00 |
Giảm tiêu thụ hóa chất | tấn/năm | 10,60 | 31,80 |
Lợi ích môi trường: | |||
Giảm chất thải rắn | Tấn/năm | 3.335,00 | 9.339,00 |
Giảm nước thải | m3/năm | 429.609,00 | 856.208,00 |
Giảm thải CO2 | tấn/năm | 24.882,60 | 61.124,70 |
Giảm thải COD | kg/năm | 46.925,80 | 128.987,90 |
Giảm thải Teq PCDD/F | µg/năm | 5.637,14 | 14.745,68 |
Giảm thải hóa chất | tấn/ năm | 4,00 | 12,00 |
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2021
Phần lớn các giải pháp đề xuất thuộc nhóm giải pháp không chi phí hoặc chi phí thấp. Tuy nhiên, cũng có một số giải pháp thuộc nhóm cần đầu tư. Nhận thức được các lợi ích kinh tế và môi trường có thể đem lại thông qua thực hiện các giải pháp RECP, các DN đã chủ động đầu tư cho việc thực hiện các giải pháp. Trong vòng 3 năm, 68 DN tham gia thí điểm đã tự huy động 207,02 tỷ đồng cho việc thực hiện các giải pháp. Lợi ích đem lại từ các giải pháp là cụ thể và thiết thực. Điển hình như, mỗi năm, nhóm 68 DN này tiết kiệm được hơn 17 triệu kWh điện, giảm 429 ngàn m3 nước và cắt giảm đáng kể khác về nguyên nhiên vật liệu và hóa chất (bảng trên), qua đó đem lại lợi ích kinh tế được quy đổi tương đương hơn 75,7 tỷ đồng mỗi năm, nghĩa là, thời gian hoàn vốn cho các giải pháp là khoảng 3 năm.
Bên cạnh các lợi ích về kinh tế cụ thể nêu trên, các giải pháp RECP cũng đem lại những lợi ích cụ thể về cải thiện môi trường như mỗi năm giảm 1.155 tấn chất thải rắn, 36.470 m3 nước thải (/năm), 34.216 tấn CO2 thải ra, 3.288 tấn COD và 7.100 µg Teq PCDD/F.
Các điển hình chuyển đổi về RECP
* Qua khảo sát tại Công ty Dương Giang - Nhà máy kính nổi Tràng An, KCN Khánh Phú, Ninh Bình, cho thấy: Sản phẩm: tấm kính trắng xây dựng; Năng suất thiết kế: 300 tấn kính/ngày; Số cán bộ công nhân viên: 300.
Thông qua việc thực hiện 11 giải pháp về RECP cụ thể là 6 giải pháp tiết kiệm điện và 5 giải pháp tiết kiệm nguyên liệu. Toàn bộ 11 giải pháp do DN thực hiện đều thuộc nhóm giải pháp không chi phí.
DN đã thu lại lợi ích kinh tế là 18,568 tỷ đồng/năm từ việc cắt giảm 3,7 triệu kWh điện và 3.431 tấn than mỗi năm. Lợi ích môi trường có được là mỗi năm giảm 343 tấn chất thải rắn, 12.465 tấn CO2 thải ra, và 2511,6 µg Teq PCDD/F.
* Khảo sát tại Nhà máy giấy và bao bì Tân Long - Công ty TNHH kiến trúc và thương mại Á Châu, KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng: Sản phẩm: Giấy Kraft, giấy cuộn công nghiệp và Bao bì carton; Năng suất thiết kế: 15.000 tấn/năm.
Trong quá trình đánh giá tiềm năng HQTN&SHXH, DN đã thực hiện 23 giải pháp thuộc các nhóm: tiết kiệm điện (3 giải pháp), tiết kiệm nước (3 giải pháp), tiết kiệm nguyên liệu (5 giải pháp), tiết kiệm nhiệt và nhiên liệu (12 giải pháp). DN đã thực hiện 19/23 giải pháp và đã có kế hoạch đầu tư thực hiện 4 giải pháp còn lại.
Đánh giá được tiềm năng và hiệu quả kinh tế thiết thực từ các giải pháp, DN đã đầu tư tổng cộng khoảng 14 tỷ đồng cho việc thực hiện các giải pháp và có kế hoạch tiếp tục đầu tư hơn 19 tỷ trong giai đoạn tới đây. Lợi ích kinh tế đem lại từ các giải pháp là phần tiết kiệm tương đương 5,8 tỷ đồng/năm có từ việc hàng năm tiết kiệm được 2.460 MWh điện, 6.592 m3 nước 1.110 tấn giấy sử dụng. Những tiết kiệm này đem lại các lợi ích môi trường là giảm chất thải rắn: 15 tấn/năm; giảm phát thải CO2: 2.260 tấn/năm; giảm thải Teq PCDD/F: 1.013 µg/năm; giảm nước thải: 6.592 m3/năm và giảm thải COD: 922 kg/năm.
Xây dựng mạng lưới kinh tế công nghiệp cộng sinh
Việc thực hiện CSCN ở các KCN ở Việt Nam hiện nay đang dừng ở mức độ tự phát, nghĩa là các doanh nghiệp tự tìm kiếm cơ hội liên kết và thực hiện các quan hệ CSCN không chính thức, không có công bố và đăng ký với các cơ quan chức năng có liên quan. Phần lớn các cộng sinh này thuộc nhóm Cộng sinh phụ phẩm. Ví dụ: trong cùng KCN, Doanh nghiệp A bán bao bì (bằng bìa carton là vỏ chứa vật liệu) cho DN B là DN tái chế giấy phế thải để làm nguyên liệu sản xuất giấy hoặc bìa carton hoặc DN X chế biến cá ba sa thải bỏ đầu, xương và nội tạng cá và bán toàn bộ cho DN Y chế biến thức ăn chăn nuôi. Những ví dụ tương tự có thể tìm thấy tương đối phổ biến ở các KCN của Việt Nam. Các hình thức CSCN như vậy phát sinh dựa trên nguyên tắc thị trường và lợi ích thu được rõ ràng nhất là giảm chi phí vận chuyển do có lợi thế về khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, do văn hóa “đóng cửa” và sự thiếu thông tin trong kinh doanh nên trên thực tế, có nhiều DN đã không tìm được đối tác cộng sinh cho các phụ phẩm của mình. Hơn nữa, CSCN không chỉ dừng lại ở loại hình cộng sinh phụ phẩm và chất thải mà còn có nhiều tiềm năng về các loại hình cộng sinh khác như: Cộng sinh tiện ích và chia sẻ hạ tầng, Cộng sinh nguồn cung, Cộng sinh dịch vụ và Cộng sinh công nghiệp-đô thị vẫn chưa được hiểu rõ, phát hiện và khai thác ở các KCN của Việt Nam.
Trong khuôn khổ thí điểm của Dự án KCNST nêu trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nghiên cứu về tiềm năng CNCN đã được các chuyên gia Hàn Quốc và Thụy Sĩ kết hợp với các chuyên gia trọng nước thực hiện.
Cả 3 KCN tham gia thực hiện thí điểm đều thành công trong việc xác định và thực hiện các CSCN trong KCN của mình. Đây là một trong các tiêu chí bắt buộc phải đáp ứng để trở thành KCNST.
Ở cả 3 KCN nêu trên, việc khảo sát sơ bộ (bước 1) được tiến hành tại 137 DN. Các thông tin sơ bộ được xử lý và sàng lọc trước khi sử dụng bộ công cụ xác định CSCN của UNIDO (bước 2 và bước 3). Tại bước 4, đã có 60 tiềm năng CSCN được xác định. Việc rà soát và lựa chọn phương án tối ưu (bước 5) là hết sức quan trọng để sơ loại các tiềm năng cộng sinh ít tiềm năng hoặc không tiềm năng trên thực tế. Việc lập báo cáo khả thi kinh tế và kỹ thuật (bước 6) là quan trọng để đảm bảo tối đa tính khả thi cho các phương án CSCN. Tại 3 KCN, chỉ đề xuất 18 phương án cộng sinh có đủ điều kiện để xây dựng báo cáo khả thi (KCN Gián Khẩu không có phương án cộng sinh đủ điều kiện).
Tiềm năng tổng thể
Cơ cấu loại hình CSCN trong tổng số 18 phương án CSCN được lựa chọn lập báo cáo nghiên cứu khả thi kinh tế và kỹ thuật cụ thể như sau: 8 cơ hội cộng sinh phụ phẩm và chất thải, 3 cơ hội cộng sinh tiện ích và chia sẻ hạ tầng, 5 cơ hội cộng sinh dịch vụ và 2 cơ hội cộng sinh công nghiệp - đô thị.
Các loại hình CSCN được đề xuất có tính khả thi:
KCN | Cộng sinh phụ phẩm và chất thải | Cộng sinh tiện ích và chia sẻ hạ tầng | Cộng sinh nguồn cung | Cộng sinh dịch vụ | Cộng sinh công nghiệp-đô thị | Tổng |
Khánh Phú (tỉnh Ninh Bình) | 2 |
|
| 1 | 1 | 4 |
Hòa Khánh (thành phố Đà Nẵng) | 4 |
|
| 1 | 1 | 6 |
Trà Nóc 1&2 (thành phố Cần Thơ) | 2 | 3 |
| 3 |
| 8 |
Tổng | 8 | 3 | 0 | 5 | 2 | 18 |
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019).
Rà soát toàn bộ 60 tiềm năng CSCN có thể thấy có các cơ hội cộng sinh cung (cung hơi, cung nguyên vật liệu đầu vào). Cộng sinh cung là loại hình cộng sinh dễ thực hiện do chỉ cần tìm kiếm và đáp ứng Cung và Cầu. Vậy nên với lợi thế về khoảng cách trong KCN, dạng cộng sinh cung này đã và đang tồn tại. Trong khuôn khổ thực hiện của Dự án KCNST, các tiềm năng cộng sinh cung không được xem xét đề xuất do không cần tính toán khả thi kỹ thuật và tài chính như 4 loại hình cộng sinh còn lại.
Về mặt kinh tế, theo tính toán sơ bộ, nếu thực hiện toàn bộ 18 CSCN này sẽ thu nhận được các lợi ích về kinh tế và môi trường hết sức đáng kể (Bảng 4.3). Cụ thể, với 18 đề xuất cộng sinh, tổng đầu tư tương đương: 113 tỷ đồng (đầu tư 1 lần) và khoảng 63 tỷ đồng vận hành sẽ đem lại lợi ích kinh tế hàng năm là khoảng 92 tỷ đồng. Khi xem xét kỹ từng đề xuất, có thể thấy, phần lớn các giải pháp đều có mức đầu tư thấp, thời gian hoàn vốn từ 0,3 đến 1,5 năm. Sau thời gian hoàn vốn tỷ lệ lợi nhuận của việc vận hành các giải pháp này tương ứng 150%. Đây là một con số hết sức đáng quan tâm.
Các điển hình nổi bật của các khu phải kể đến:
- Giải pháp cộng sinh “Thu hồi nhiệt thải từ lò thủy tinh của Nhà máy Kính nổi Tràng An tạo hơi cấp cho Công ty may Nien Hsing” tại KCN Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình. Đầu tư ban đầu: 4,17 tỷ; chi phí vận hành: 1,88 tỷ/năm; lợi ích kinh tế: 14,4 tỷ/năm; thời gian hoàn vốn: 0,3 năm; giảm thải 19 tấn CO2/năm.
- Giải pháp cộng sinh “Thu gom và phân loại giấy và bìa thải để làm nguyên liệu đầu vào cho các công ty sản xuất giấy” tại KCN Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng. Đầu tư ban đầu: 0 đồng; chi phí vận hành: 0,25 tỷ/năm; lợi ích kinh tế: 1 tỷ/năm; thời gian hoàn vốn: 0,1 năm; giảm thải 13,7 tấn CO2/năm.
- Giải pháp “Dịch vụ kho lạnh dùng chung (tận dụng không gian dư thừa của các kho có sẵn)” tại KCN Trà Nóc 1&2, thành phố Cần Thơ. Đầu tư ban đầu: 0 đồng; chi phí vận hành: 0,445 tỷ/năm; lợi ích kinh tế: 2 tỷ/năm; thời gian hoàn vốn: 0,2 năm; giảm thải 393 tấn CO2/năm.