Bản tin kinh tế - tài chính 15/10: Vốn hóa Samsung Electronics "bay hơi" gần 67 tỷ USD
Vốn hóa Samsung Electronics "bay hơi" gần 67 tỷ USD
Samsung Electronics, nhà sản xuất chip lớn nhất Hàn Quốc, đã chứng kiến vốn hóa thị trường giảm tới 90.000 tỷ won (66,6 tỷ USD) kể từ tháng 9/2024, chủ yếu là do làn sóng bán tháo liên tục của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc ngày 13/10, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 10.600 tỷ won (7,8 tỷ USD) cổ phiếu Samsung Electronics trong tháng qua, đánh dấu 23 ngày bán liên tiếp kể từ ngày 3/9 - chỉ kém 2 ngày so với chuỗi bán kỷ lục 25 ngày được thiết lập vào năm 2022. Trong thời gian này, giá cổ phiếu của Samsung đã giảm 20,3%, từ 74.400 won xuống 59.300 won, vượt xa mức giảm trung bình 2,9% của thị trường Kospi.
Các nhà đầu tư nước ngoài, những người đã mua ròng 10.760 tỷ won (7,9 tỷ USD) cổ phiếu Samsung Electronics từ tháng 1 đến tháng 7/2024, đã có động thái mạnh mẽ khi chuyển sang bán ròng 12.650 tỷ won (9,3 tỷ USD) kể từ tháng 8/2024. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong cổ phiếu Samsung Electronics giảm mạnh 2,27%, từ 56,02% vào cuối tháng 8 xuống còn 53,75% vào cuối tháng 9 - đánh dấu mức sụt giảm lớn nhất theo tháng trong 20 năm qua.
Giá cổ phiếu Samsung Electronics đã chịu áp lực nặng nề hơn do kết quả kinh doanh yếu hơn mong đợi. Tuần này, công ty dự báo lợi nhuận hoạt động quý III chỉ đạt 9.100 tỷ won (6,7 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với mức đồng thuận 10.770 tỷ won (7,9 tỷ USD) từ các công ty môi giới. Doanh thu dự kiến tuy đạt kỷ lục 79.000 tỷ won (58,4 tỷ USD) nhưng vẫn thấp hơn mức kỳ vọng 80.900 tỷ won (59,8 tỷ USD) của thị trường.
Ngược lại, đối thủ trong nước của Samsung, SK hynix, lại ghi nhận kết quả tích cực hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 328,76 tỷ won (243 triệu USD) cổ phiếu SK hynix từ ngày 3/9, con số cao nhất trong số các mã thuộc chỉ số Kospi, thể hiện niềm tin vào nhà sản xuất chip lớn thứ hai Hàn Quốc bất chấp những khó khăn chung của ngành.
Công ty mẹ Uniqlo lãi kỷ lục
Nhu cầu tại thị trường quốc tế và đồng yen yếu giúp Fast Retailing đạt lợi nhuận hoạt động 500 tỷ yen (3,55 tỷ USD) trong một năm.
Fast Retailing - công ty mẹ thương hiệu thời trang Uniqlo - hôm 10/10 công bố doanh thu đạt 3.100 tỷ yen (20 tỷ USD) trong năm kết thúc vào tháng 8/2024. Số liệu này tăng 12% so với năm trước đó và lần đầu tiên vượt mốc 3.000 tỷ yen.
Lợi nhuận hoạt động là 500 tỷ yen (3,55 tỷ USD), tăng 31% so với năm trước đó. Con số này cao hơn dự báo của chính Fast Retailing và các nhà phân tích trong khảo sát của hãng dịch vụ tài chính LSEG. Đây là năm thứ 3 liên tiếp công ty Nhật Bản ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục.
Cổ phiếu ngân hàng đang là nhóm trọng tâm
Thị trường chứng khoán tuần qua ghi nhận diễn biến hồi phục nhờ sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, rung lắc lại xuất hiện khi nhà đầu tư gia tăng chốt lời ngắn hạn bảo toàn lợi nhuận. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.288,38 điểm, tăng 17,79 điểm so với tuần trước đó.
Về giao dịch khối ngoại, lũy kế sau 5 phiên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 681 tỷ đồng trên toàn thị trường, mạnh nhất là cổ phiếu VPB và HDB. Chiều ngược lại, cổ phiếu TCB đã tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại chảy vào, được mua ròng mạnh nhất với 572 tỷ đồng, tiếp theo là MSN và HPG.
Trong ngành bất động sản, kế hoạch mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ của Vinhomes cũng đang được giới đầu tư chú ý. Cuối tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo đã nhận được tài liệu báo cáo của công ty này về thương vụ. Theo kế hoạch, Vinhomes sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Số tiền dự chi ước tính lên đến 13.000 tỷ đồng.
Tỷ giá: Tâm điểm từ chính sách của Trung Quốc
Ghi nhận sáng 14/10 tại Vietcombank, tỷ giá đồng USD ở mức 24.610 - 25.000 USD/VND (mua vào - bán ra), tỷ giá JPY/VND tương tự ở mức 160,52 - 169,86.
Tỷ giá USD được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.161 đồng.
Đồng đô la mở rộng mức tăng trong các giao dịch đầu ngày thứ Hai tại Châu Á khi kỳ nghỉ ở Nhật Bản làm giảm thanh khoản. Điều này đã khiến thị trường dồn sự chú ý vào chính sách tiền tệ của Trung Quốc.
Tỷ giá Euro giảm 0,13% xuống 1,0922 EUR/USD. Tỷ giá Bảng Anh giảm gần 0,2% xuống 1,3043 GBP/USD.
So với đồng Yên, đồng USD đi ngang ở tỷ giá 149,20 USD/JPY.
Chỉ số đô la ở mức 103,10, tăng nhẹ và gần bằng mức đỉnh của tuần trước, mức cao nhất kể từ giữa tháng 8. Nguyên nhân do thị trường giảm khả năng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục cắt giảm lãi suất với biên độ lớn trong phần còn lại của năm 2024.
Giá xăng dầu tiếp nối đà giảm
Cụ thể, ghi nhận trên Oilprice lúc 6h20 ngày 14/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mức 74,25 USD/thùng, giảm 1,28 USD/thùng. Giá dầu Brent ở mức 77,7 USD/thùng, giảm 1,34 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ tuần qua đã trải qua những biến động đáng kể, chịu tác động từ nhiều yếu tố phức tạp. Mở đầu tuần, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và việc Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Israel đã đẩy giá dầu tăng nhẹ.
Tuy nhiên, đà tăng này nhanh chóng bị chững lại và đảo chiều giảm khi một loạt các thông tin mới được công bố. Cụ thể, việc Mỹ tăng dự trữ dầu thô một cách bất ngờ, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ và thông tin về một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng giữa Hezbollah và Israel đã làm giảm lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung, gây áp lực giảm lên giá dầu./.
- Bản tin kinh tế - tài chính ngày 12/10: Giá điện tăng 4,8% lên hơn 2.100 đồng/kWh
- Loạt dự án của MIK Group, Masterise Home, Thống Nhất được phê duyệt bán cho người nước ngoài
- Giá vàng hôm nay 14/10: Tâm điểm dòng tiền từ Bắc Mỹ