ISSN-2815-5823

Bản tin kinh tế - tài chính ngày 8/12: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% khả thi

(KDPT) - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% khả thi; Doanh thu bảo hiểm nhân thọ tiếp tục giảm; SCIC muốn bán 25% vốn TTL, giá khởi điểm gần 223 tỷ đồng... là những thông tin quan trọng trong bản tin kinh tế - tài chính ngày hôm nay (8/12).

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% khả thi

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 diễn ra chiều 7/12, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giải đáp, làm rõ câu hỏi liên quan đến khả năng hoàn thành tín dụng tăng trưởng 15% trong năm 2024.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, ngay đầu năm 2024 nền kinh tế đã gặp một số khó khăn nhưng nhìn chung đến nay và còn gần 1 tháng nữa hết năm, câu chuyện tín dụng đã được giải quyết tích cực. Tăng trưởng tín dụng rất hoà đồng với tăng trưởng chung của cả nền kinh tế, tín dụng gắn chặt với việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng như đảm bảo việc kiểm soát lạm phát cả năm 2024. Với mức tăng trưởng tín dụng như hiện nay, chúng ta có thể đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nền kinh tế đã đặt ra từ đầu năm.

Phó Thống đốc NHNN tin tưởng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. (Ảnh minh hoạ)
Phó Thống đốc NHNN tin tưởng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. (Ảnh minh hoạ)

Ông Tú cho biết, tính đến 29/11, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11.9% và đến hôm nay (7/12), chúng ta đã đạt được 12.5% tăng trưởng tín dụng. Con số này so với cùng kỳ 2023 là khá tích cực, thời điểm này năm ngoái mới tăng được 9%.

Theo lãnh đạo NHNN, nền kinh tế Việt Nam đã và đang có nhiều thuận lợi, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả lĩnh vực: Xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp nhìn chung đã khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư chung đã có thuận lợi…

Thêm vào đó là sự điều hành tích cực đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ kinh tế ngành đến kinh tế vĩ mô, chính sách tài khoá, tiền tệ có sự hài hoà giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Đáng chú ý, NHNN đã điều hành chủ động, các ngân hàng thương mại hoàn toàn chủ động trong việc xác định hạn mức theo nhu cầu vốn của nền kinh tế và khả năng của ngân hàng mình. Ngân hàng nào hết hạn mức được giao từ đầu năm cũng chủ động trong việc tăng thêm hạn mức mà không chờ NHNN thông báo như những năm trước đây.

Nguồn lực, nguồn vốn huy động năm nay cũng đảm bảo hài hoà, lãi suất đầu ra đã giảm tích cực. Tính đến thời điểm hiện nay so với đầu năm lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0.96% - đây cũng là lý do giúp doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào, tích cực đầu tư.

NHNN cũng tháo gỡ nhiều khó khăn trong thủ tục, quy định và đặc biệt là có cơ chế giãn hoãn nợ sau cơn bão số 3.

Tôi xin trả lời rằng 15% là con số định hướng trong điều hành, với tốc độ tăng trưởng tín dụng như hiện nay cùng với việc cuối năm bao giờ cũng là thời điểm giải ngân tích cực, tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%”, Phó Thống đốc NHNN kết luận.

SCIC muốn bán 25% vốn TTL, giá khởi điểm gần 223 tỷ đồng

Ngày 26/12/2024, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (HNX: TTL).

Khối lượng đấu giá là 10,5 triệu cổ phần, tương đương hơn 25% vốn điều lệ của TTL. Giá khởi điểm của cả lô hơn 222,6 tỷ đồng, tương đương hơn 21.200 đồng/cổ phần, gấp 2,26 lần thị giá TTL cuối phiên 06/12.

Theo quy định đấu giá được công bố, phương thức bán đấu giá công khai cả lô cổ phần. Bước giá là 1 triệu đồng/lô cổ phần. Tỷ lệ đặt cọc của nhà đầu tư tham gia dự đấu giá công khai cả lô là 10% giá trị lô cổ phần theo giá khởi điểm, tức hơn 22,2 tỷ đồng.

TTL có vốn điều lệ hơn 419 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình đường bộ. Tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải gồm nhiều xí nghiệp thành viên hạch toán tập trung với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long (1973-1985) - cây cầu lớn nhất thời bấy giờ.

Ngày 06/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty mẹ - Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long thành CTCP.

Ngày 24/11/2014, Tổng Công ty chính thức đổi tên thành Tổng Công ty Thăng Long - CTCP. Đến ngày 18/01/2018, cổ phiếu của Tổng Công ty Thăng Long chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán là TTL, giá tham chiếu 13.000 đồng/cổ phần.

Doanh thu bảo hiểm nhân thọ tiếp tục giảm

Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo thị trường bảo hiểm 11 tháng năm 2024, trong đó lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 132.204 tỷ đồng doanh thu, giảm 5,5% so với cùng kỳ.

Trong 11 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) ước đạt 204.109 tỷ đồng, tăng 0,22 % so với cùng kỳ 2023. Trong đó, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ 71.905 tỷ đồng, tăng hơn 13%, ngược lại doanh thu bảo hiểm nhân thọ giảm 5,5% về 132.204 tỷ đồng.

Số tiền chi trả quyền lợi ước đạt 86.368 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ là 20.931 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ 65.437 tỷ đồng.

Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 838.319 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ, trong đó các DNBH phi nhân thọ 74.885 tỷ đồng, còn DNBH nhân thọ 763.434 tỷ đồng..

Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 986.586 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ, trong đó các DNBH phi nhân thọ 133.298 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ 853.288 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm ngày 22/11/2024, tình hình thiệt hại, tạm ứng và bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm về người: 158 vụ, số tiền bảo hiểm ước tính là 25,6 tỷ đồng; về tài sản và các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác 14.611 vụ, ước tính thiệt hại 11.461 tỷ đồng; số tiền các DNBH đã tạm ứng 471 tỷ đồng.

TCBS lên kế hoạch chào bán 5.000 tỷ đồng trái phiếu

Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) ngày 5/12 công bố nghị quyết của HĐQT phê duyệt các công việc liên quan đến việc chào bán trái phiếu ra công chúng với tổng mệnh giá 5.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm.

Việc chào bán trái phiếu ra công chúng lần này tạm chia làm 2 đợt. Đợt 1, công ty sẽ phát hành tổng trị giá 2.000 tỷ đồng thông qua hai mã TCXCPO2527001 và TCXCPO2527002, mỗi mã trị giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 tháng.

Đối với kỳ tính lãi đầu tiên, lãi suất cố định 8,5%/năm. Các kỳ tính lãi còn lại, lãi suất thả nổi được tính bằng tổng của 3%/năm và lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó. Thanh toán lãi cố định 6 tháng/lần.

Trong đó, thời gian chào bán và phát hành mã TCXCPO2527001 dự kiến trong quý IV/2024 hoặc quý I-II/2025. Thời gian chào bán và phát hành mã TCXCPO2527002 dự kiến trong quý I-III/2025 (sau khi kết thúc chào bán mã TCXCPO2527001).

Đợt thứ hai, TCBS dự kiến chào bán 3.000 tỷ đồng trái thông qua 03 mã TCXCPO2527003, TCXCPO2527004 và TCXCPO2527005. Mỗi mã bao gồm 10 triệu trái phiếu, tương đương 1.000 tỷ đồng. Mỗi lô kỳ hạn 24 tháng kể từ ngày phát hành.

Thời gian chào bán và phát hành dự kiến trong quý IV/2024 hoặc quý I-II/2025 đến quý III-IV/2025.

Đối với kỳ tính lãi đầu tiên, lãi suất cố định 8,5%/năm. Các kỳ tính lãi còn lại, lãi suất thả nổi được tính bằng tổng của 2,8%/năm và lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó. Thanh toán lãi cố định 6 tháng/lần.

Đối với nhà đầu tư cá nhân, số lượng đặt mua tối thiểu là 10 trái phiếu, tương đương 1 triệu đồng. Đối với nhà đầu tư tổ chức, đặt mua tối thiểu 50.000 trái phiếu, tương đương 5 tỷ đồng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 12/12/2024